Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ lệ người lớn ở Việt Nam bị tăng huyết áp đang ở mức báo động

Theo Việt Nam plus| 14/05/2016 21:25

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, năm 2000 mới có khoảng 16% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009 tỷ lệ này đã tăng lên 25% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp là 48%, một mức báo động đỏ trong thời điểm hiện tại.

Đo huyết áp cho các lái xe vận tải ở Hải Dương. Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Sơn/TTXVN)


Thông tin trên được giáo sư Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam đưa ra tại hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ hai, do Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam tổ chức sáng 14/5 tại Hà Nội.

Theo giáo sư Nguyễn Lân Việt, trong số những người mắc bệnh tăng huyết áp thì tỷ lệ ở nam giới cao hơn (47%), trong khi nữ giới là 42%. Đặc biệt, ở những người tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng cao.

Hiện nay, tăng huyết áp là bệnh tim mạch phổ biến nhất với rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, trong khi tỷ lệ người kiểm soát tốt bệnh này này ít. Trong khi đó, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp.

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi mắc mới bệnh ngày một trẻ hóa.

Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Tăng huyết áp đồng thời cũng là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não, là nguyên nhân đứng thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp.

Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, trung bình cứ 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Một vấn đề nguy hiểm là tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp tăng nhanh ở các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi.

Hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ hai diễn ra từ ngày 14-15/5, với chủ đề tiếp cận đa ngành với tăng huyết áp, bao gồm gần 100 bài cáo cáo chuyên môn với nhiều thông tin cập nhật, nghiên cứu mới nhất về bệnh tăng huyết áp.

Đó là các đề tài như: Quan điểm mới về tăng huyết áp và dự phòng biến cố tim mạch, điều trị tăng huyết áp và dự phòng biến cố ở người đái tháo đường, cập nhật tăng huyết áp kháng trị, dự phòng biến cố tim mạch ở người tăng huyết áp…

Song song với các chương trình hội thảo chuyên đề, ban tổ chức hội nghị cũng tổ chức các lớp đào tạo cho các bác sỹ, y tá và điều dưỡng các chuyên đề về: kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ tim mạch ở tuyến cơ sở, điện tâm đồ ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp.

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, người dân phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng đồng thời, mọi người cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ người lớn ở Việt Nam bị tăng huyết áp đang ở mức báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.