Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện: Vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Thu Trang| 29/06/2016 06:26

(HNM) - Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những gánh nặng, thách thức hàng đầu trong công tác y tế tại nước ta, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tăng tỷ lệ biến chứng, tăng tỷ lệ kháng thuốc, tăng chi phí điều trị…

Bệnh nhẹ thành nặng do... nhiễm khuẩn

Một nghiên cứu mới đây của Bộ Y tế được tiến hành trên 9.000 bệnh nhân cho thấy, tỷ lệ NKBV chiếm tới 5,8%, trong đó viêm phổi mắc phải trong BV chiếm 55,4%. Một nghiên cứu khác được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thực hiện trên tất cả các BV công lập cũng đưa ra con số, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương đương nhau (10%). Điều đáng nói, viêm phổi mắc phải trong BV là một trong những biến chứng nặng nhất. Viêm phổi liên quan đến thở máy và viêm phổi kết hợp với chăm sóc y tế do vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, gây khó khăn trong điều trị kháng sinh ban đầu, làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Bệnh nhi dễ bị lây nhiễm nên cần đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Ảnh: Bá Hoạt


Vụ dịch sởi năm 2014 cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ là minh chứng rõ nhất của hậu quả do NKBV gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác do công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt. Và biến chứng viêm phổi nặng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, sởi là bệnh lành tính, hoàn toàn có thể chữa tại nhà, tại y tế cơ sở. Hơn 100 trẻ có lẽ sẽ không tử vong nếu người dân không đổ xô lên tuyến trung ương, gây quá tải. Hơn nữa, nếu cơ sở y tế làm tốt hơn nữa công tác KSNK, bệnh dịch sẽ dễ kiểm soát hơn rất nhiều.

NKBV không chỉ kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày, tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 đến 32,3 triệu đồng/bệnh nhân, mà còn gây hậu quả về mặt lâm sàng, làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. Bác sĩ Chu Thanh Hương, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, NKBV làm tăng khả năng đề kháng của vi khuẩn, vì BV là nơi tập trung sử dụng các kháng sinh trong điều trị đặc biệt đối với các bệnh nặng, các vi khuẩn có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại kháng sinh và các kháng sinh mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thừa nhận, không thể phủ nhận tình trạng người bệnh khi đến viện thì bệnh nhẹ, quá trình điều trị do KSNK cơ sở không tốt, dẫn tới bệnh nặng hơn, thậm chí gây tử vong. Thế nhưng, nguồn lực cho KSNK còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK tại nhiều BV chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đến công tác khám, chữa bệnh với việc đầu tư máy móc hiện đại, song lại thiếu quan tâm, coi nhẹ đến công tác KSNK, trong khi đó đây lại là khâu quan trọng, quyết định việc điều trị thành công của người bệnh. Thậm chí, công tác KSNK mới tập trung vào khâu giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải, chưa chú trọng vào công tác giám sát như giám sát thực hành KSNK và giám sát tỷ lệ NKBV...

Không thể xem nhẹ

Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng khi điều trị, chủ yếu như môi trường BV bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng BV lây lan theo các giọt nhỏ hoặc các hạt bụi lơ lửng trong không khí; thực hiện nhiều thủ thuật xâm lấn, dụng cụ y tế, thực phẩm, nước bị nhiễm khuẩn; lây lan từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác... Một nguyên tắc chống NKBV rất đơn giản là... rửa tay. Việc bác sĩ rửa tay sạch, đúng cách sẽ góp phần giảm 40-50% trường hợp nhiễm khuẩn, song việc làm này chưa được áp dụng thường xuyên tại các BV. Tỷ lệ người dân Việt Nam rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, kể cả trong các cơ sở y tế cũng rất thấp, chỉ 23% rửa tay trước khi ăn và 36% sau khi đi vệ sinh. Đây là nguy cơ gây ra các ổ bệnh, trong đó có đến 50% các loại bệnh dễ lây lan như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện ngành Y tế đã xác định nâng cao chất lượng, tăng sự hài lòng của người bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị: Phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc… Điều đó đòi hỏi công tác KSNK phải phát triển tương xứng, nhằm hạn chế thấp nhất NKBV, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế.

Bộ Y tế cũng đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở Y tế, các BV nghiêm túc nghiên cứu, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về KSNK một cách hiệu quả nhất. Trong 5 năm tới, công tác KSNK tại Việt Nam cần tập trung hoàn thiện và đưa vào áp dụng bộ tiêu chí chất lượng về KSNK; đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ làm KSNK chuyên trách, cán bộ phụ trách công tác KSNK; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí để triển khai các hoạt động KSNK…

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 668 BV xây dựng kế hoạch, phát động phong trào, ký cam kết thực hiện “BV vệ sinh” và tiến hành tự đánh giá theo các tiêu chí đã xây dựng. Theo kết quả tự đánh giá của 251 BV (thang điểm 100), có 61 BV đạt số điểm từ 95 trở lên; 180 BV đạt số điểm từ 74 đến 94; 10 BV đạt số điểm dưới 65. Cũng theo kết quả tự đánh giá, chỉ có 5,2% số BV đạt tiêu chí có đủ dụng cụ lau nhà tại các khu vực riêng biệt; gần 23% số BV có nhà vệ sinh riêng tại các phòng cách ly; gần 50% có trần nhà và tường nhà sạch, không có mạng nhện, rêu mốc; gần 53% có buồng vệ sinh với đủ cả bồn rửa tay, nước sạch, xà phòng, khăn lau tay...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện: Vẫn chưa được quan tâm đúng mức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.