Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cứu sống một phụ nữ mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”

Tuệ Diễm| 22/09/2016 16:56

(HNMO) - Khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy vừa cứu sống một phụ nữ lâm vào tình trạng nguy kịch vì mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”. Đây là căn bệnh có 90% người mắc là phụ nữ bị stress sau cú sốc mất người thân, tình yêu tan vỡ. Cơ thể họ đã phóng thích lượng hóc môn quá lớn kích thích tim hoạt động quá mạnh, dẫn đến khiến tim suy giảm chức năng tim.

90% người mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” là phụ nữ


Bệnh nhân là chị H.T.Q.B, 45 tuổi, ngụ tại An Giang được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 1h25 phút ngày 15-9-2016 trong tình trạng hôn mê sâu. Tối ngày 13-9, gia đình thấy chị B ngủ sâu bên giường phát hiện 7 viên thuốc ngủ đã bóc vỏ, khi người nhà lay gọi không tỉnh lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa An Giang cấp cứu. Vào bệnh viện đa khoa An Giang, chị B suy hô hấp phải đặt ống thở nội khí quản. Điều trị 1 ngày tại bệnh viện thì tình trạng chị B không tiến triển nên được bệnh viện An Giang chuyển về bệnh viện TP Hồ Chí Minh cấp cứu.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, người nhà bệnh nhân cho biết chị B đã uống thuốc ngủ quá liều nên bệnh nhân được chuyển xuống khoa chống độc. Sau hơn 1 ngày điều trị tại khoa chống độc của bệnh viện, chị có tình trạng hạ huyết áp nhanh, huyết áp còn 60/30, nhịp tim 185 lần, phổi có trào bọt hồng. Qua xét nghiệm men tim, và điện tim các bác sĩ đã nghĩ đến chi B mắc bệnh nhồi máu cơ tim gây choáng tim và phù phổi cấp. Bác sĩ Trần Thanh Linh- Phó khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Khi cho bệnh nhân chụp can thiệp mạch vành, chúng tôi không thấy hiện tượng tắc mạch vành nhưng ghi nhận vùng mõm tim bệnh nhân bị phùng to, và tăng ở vùng đáy tim.

Chúng tôi đã nghĩ đến bệnh nhân mắc hội chứng “ trái tim tan vỡ”. Đây là căn bệnh được Nhật Bản phát hiện năm 1990, do trái tim bị stress quá mức do cơ thể tiết ra một số hóc môn kích thích tim hoạt động liên tục dẫn đến thất trái tim bị thắt vùng cổ, trường hợp nặng thì tim có thể vỡ vùng mõm tim dẫn đến tử vong. Bệnh thường gặp ở 90% nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, hay người nữ có yếu tố stress sau cú sốc mất người thân, tình yêu tan vỡ.

Qua khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sĩ biết thêm chị B mới có chuyện buồn gia đình, thường xuyên mất ngủ phải tìm đến thuốc ngủ để ngủ. Để cứu sống chị B, ngay trong đêm ngày 16-9, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã cho bệnh nhân sử dụng máy ECMO, đây là máy giúp thay thế chức năng tim phổi, nhờ đó trái tim của bệnh nhân B được nghỉ ngơi. Sau một thời gian được hỗ trợ chức năng tim phổi nhờ máy ECMO, trái tim bệnh nhân đã tỉnh, chức năng tim đã hồi phục được 80%.

Tuy nhiên, bác sĩ Trần Thanh Linh- Phó khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, nếu bệnh nhân không giải quyết được chuyện tình cảm khiến cơ thể bị stress, thì nguy cơ bệnh tái phát và nguy hiểm. Sau khi chữa khỏi cho “trái tim” , chị B sẽ được các bác sĩ lĩnh vực tâm thần và chuyên gia tâm lý thăm khám và điều trị về mặt tâm lý.

Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết hội chứng “trái tim tan vỡ” gặp ở những bệnh nhân có nền bệnh tim, nhưng đa phần là những người có trái tim khỏe mạnh. Theo thống kê có khoảng 5% tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng trái tim tan vỡ rơi vào tình trạng sốc tim, phù phổi cấp dễ dẫn đến tử vong. Chủ yếu có trên 65% người mắc bệnh do yếu tố tâm lý sau chia tay, mất mát người thân, làm ăn thất bại, còn lại một số trường hợp do thuốc kích thích tim, thuốc mê gây ra strees cho tim. Ở Mỹ nghiên cứu 1.000 cặp vợ chồng đã có 1 người mất thì 30-40% người còn sống sẽ có hiện tượng bị hội chứng “trái tim tan vỡ”.

Bệnh này khó có thể phòng ngừa vì phụ thuộc vào mức độ chịu đựng cú sốc tình cảm của mỗi cá nhân. Do đó, cách tốt nhất phòng ngừa có lẽ là mỗi chúng ta nên duy trì lối sống tích cực để có 1 trái tim khỏe mạnh. Nếu trường hợp cá nhân nào rơi vào cú sốc thì tốt nhất nên đi tìm chuyên gia tâm lý để được tư vấn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cứu sống một phụ nữ mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.