Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ tại một bệnh viện tư

Gia Phong| 25/12/2016 16:56

(HNMO) - Trao đổi với phóng viên Hànộimới chiều 25-12, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, hai bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi được gây mê phẫu thuật tại Bệnh viện tư nhân Trí Đức (tại 219 Lê Duẩn, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào sáng cùng ngày.

Hai bệnh nhân này được gây mê phẫu thuật, (trong đó có một bệnh nhân là nữ, phẫu thuật tuyến giáp) đã có biểu hiện sốc phản vệ như: Khó thở, tụt huyết áp, trụy mạch, nhận thức lơ mơ… sau khi được tiêm thuốc. Ngay lập tức, các bệnh nhân được xử trí cấp cứu tại chỗ và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, một bệnh nhân đã tử vong ngay khi đang được đưa đi cấp cứu, một ca khác cũng không qua khỏi sau đó. Cũng theo ông Nguyễn Việt Cường, hiện tại, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc trên.

Được biết, Bệnh viện Trí Đức chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2007 và được giới thiệu là cơ sở y tế có một đội ngũ giáo sư, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, cùng các y tá có kinh nghiệm, lịch sự, tận tình và chu đáo. Đội ngũ giáo sư, bác sĩ được Bệnh viện Trí Đức quảng cáo là đã và đang công tác tại các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Bệnh Viện K, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...

Tỷ lệ mắc sốc phản vệ ở châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, ở nhiều, từ các bệnh viện đến cơ sở y tế, trong đó nhiều trường hợp đã tử vong. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận khoảng 50 - 60 trường hợp sốc phản vệ được chuyển đến từ các bệnh viện khác. Con số này tăng nhiều so với 5-10 năm trước.

Chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt nhưng quan trọng là thời gian cấp cứu kịp thời. PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, trước đây, một năm chỉ gặp một vài trường hợp sốc phản vệ nhưng hiện tại, tình trạng dị ứng, sốc phản vệ xảy ra nhiều hơn, diễn biến nguy hiểm hơn do bệnh nhân sử dụng nhiều thiết bị y tế, sử dụng nhiều thuốc, đặc biệt là đối tượng chị em làm đẹp có nhu cầu cũng can thiệp cao. Chẳng hạn, trong việc sử dụng thuốc gây mê, nhiều khi bệnh nhân dị ứng với thuốc gây mê sẽ gây phản vệ, thậm chí nhân viên y tế chưa kịp can thiệp gì bệnh nhân đã tử vong. Ngoài những trường hợp sốc phản vệ do thuốc, còn có những trường hợp phản vệ do dị ứng thức ăn. Có trường hợp chỉ ăn một hạt lạc cũng bị sốc phản vệ và tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai bệnh nhân tử vong nghi do sốc phản vệ tại một bệnh viện tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.