Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để chết oan vì… rượu!

Thu Trang| 18/02/2017 07:51

(HNM) - Kết quả kiểm nghiệm các mẫu rượu được lấy từ vụ ngộ độc tập thể tại Lai Châu, làm 8 người tử vong và gần 50 người nhập viện vừa được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố, khiến nhiều người giật mình.


Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thúy Anh


Còn nhớ, năm 2013, vụ việc 6 người chết tại Quảng Ninh do uống rượu “29 Hà Nội” đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng rượu của những cơ sở sản xuất thủ công. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bình quân mỗi năm có tới hàng trăm ca ngộ độc rượu nhập viện. Ngay tại thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đã có 4 nạn nhân tử vong do ngộ độc methanol được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tim, tổn thương thận, não.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, methanol là chất cồn công nghiệp, nhiều người đã sử dụng để hòa tan với nước, tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng. Loại rượu này uống vẫn có độ cồn, vẫn tạo cảm giác say, nhưng uống vào dễ bị ngộ độc, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa, thậm chí tử vong.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 40-50 làng nghề nấu rượu truyền thống, phân bố khắp Bắc - Trung - Nam. Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, ngày 12-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013). Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, sau hơn 4 năm Nghị định có hiệu lực, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc quản lý rượu truyền thống là một việc không dễ, bởi lẽ, nhiều hộ nấu rượu không biết đến quy định này, trong khi lực lượng chức năng mỏng, không đủ khả năng để quản. Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, muốn bảo đảm các thông số đúng tiêu chuẩn: Hàm lượng methanol, ethanol..., thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử, nhưng để đầu tư được hệ thống này phải đầu tư tới vài chục triệu đồng. Với quy mô nhỏ, lại sản xuất không thường xuyên, nên không hộ dân nào đầu tư được hệ thống này. Trong khi đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng mới dừng lại ở các cơ sở kinh doanh rượu đã được cấp phép.

Để tránh ngộ độc, ngoài việc người dân phải hạn chế uống rượu, không sử dụng rượu trôi nổi, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay và tận gốc đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không có giấy phép, không công bố chất lượng; đồng thời cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu truyền thống, giảm thiểu nguồn cung cấp rượu, đặc biệt là loại kém chất lượng dễ gây nguy hiểm cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để chết oan vì… rượu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.