Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả

Thu Trang| 02/03/2017 06:52

(HNM) - Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật có ý nghĩa quan trọng đối với người dân...

Cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra công tác khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm.


Thuận lợi cho người dân

Ngay từ sáng sớm, gần 300 người dân đã có mặt tại Trạm y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Công tác chuẩn bị cho ngày đầu triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân khá chu đáo, kỹ lưỡng, từ trang thiết bị đến nguồn nhân lực. Tại tầng 1 được bố trí bàn tiếp đón và đo chỉ số sinh tồn, khám nội; trên tầng 2 bố trí phòng khám tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, khám mắt, siêu âm xét nghiệm, sản phụ khoa…

Trạm trưởng Trạm y tế phường Phúc Đồng Phan Thị Thu Hà cho biết, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trạm y tế có nguồn nhân lực “hùng hậu” gồm 24 y, bác sĩ trực tiếp thăm khám và nhập dữ liệu vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. “Trong mẫu phiếu quản lý sức khỏe cá nhân mà cán bộ y tế nhập dữ liệu vào máy tính để kết nối với hệ thống dùng chung, ngoài các thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh thông thường, còn có cả nhóm máu, tên bố mẹ, tên người chăm sóc chính, mã số khám chữa bệnh và số điện thoại di động. Sau khi khám bệnh lần đầu, người dân có thể về ngay, không cần chờ kết quả, bởi kết quả sẽ được thông báo qua tin nhắn điện thoại” - bà Phan Thị Thu Hà cho biết thêm.

Tại Trạm y tế xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), 28 y, bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm được điều động đến để phối hợp, trực tiếp thăm khám bệnh và lập dữ liệu vào hồ sơ cá nhân. Theo bác sĩ Vũ Thị Hoàng Lan, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cổ Bi, thông qua hệ thống dữ liệu dân cư, trạm đã tham mưu cho huyện lập danh sách gần 5.300 người dân của xã được KSK trong đợt này. Sau đó, toàn huyện sẽ triển khai khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho tất cả người dân còn lại. Đối với những người đã KSK định kỳ trong một năm trở lại đây, nếu còn hồ sơ KSK thì không cần khám lần đầu tại trạm y tế, mà chỉ cần mang hồ sơ đến để cán bộ nhập dữ liệu vào sổ quản lý sức khỏe cá nhân điện tử.

Lần đầu được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, bà Hoàng Thị Tý (ở thôn Vàng 4, xã Cổ Bi) vui mừng cho biết, từ nay mỗi khi phải đến bệnh viện, dù bất cứ ở đâu, chỉ cần đọc mã số cá nhân là bệnh viện có đầy đủ thông tin cơ bản ban đầu, rất thuận tiện cho quá trình khám chữa bệnh.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Khám và lập hồ sơ sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên).


Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp mỗi người dân được quản lý, theo dõi, tư vấn sức khỏe trọn đời, từ khi lọt lòng mẹ đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Trước mắt, việc triển khai tập trung vào các đối tượng: Trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 60 tuổi và lao động tự do. Mỗi xã, phường sẽ bố trí một đoàn bác sĩ khám với các chuyên khoa nội ngoại, sản nhi, mắt, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng và xét nghiệm. “Đối tượng quản lý đa dạng, do đó, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội...” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền bày tỏ mong muốn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, việc lập hồ sơ KSK cho người dân không chỉ giúp phát huy tối đa, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh từ tuyến y tế cơ sở, mà còn tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên được theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng, để mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như: Điện thoại, số chứng minh nhân dân.

Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê khẳng định: Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, có đầy đủ các yếu tố liên quan đến sức khỏe và được kết nối tới các đơn vị y tế, giúp giảm phiền hà cho người bệnh và thuận lợi cho y, bác sĩ. Các y, bác sĩ sẽ nắm được thông tin chỉ số sức khỏe cơ bản, tiền sử bệnh tật, từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phù hợp nhất đối với từng người dân. Ngoài ra, số liệu thống kê sức khỏe dân cư giúp cho ngành Y tế xây dựng được kế hoạch, định hướng sát thực, từ đó triển khai các hoạt động y tế hiệu quả, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo từng vùng, khu vực.

Từ ngày 1 đến 10-3, Hà Nội bắt đầu triển khai KSK và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân tại 10 xã, phường thuộc 5 quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm và Sóc Sơn. Sau đó, thành phố sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên toàn thành phố. Mục tiêu đặt ra, đến tháng 9-2017, Hà Nội sẽ hoàn thành KSK lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.