Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự chung tay của cả cộng đồng!

Thu Trang| 13/03/2017 05:41

(HNM) - Dù nhận thức rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, song quá trình triển khai, vẫn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng.

Khám cả ngày lẫn đêm

Theo kế hoạch, đợt khám sức khỏe và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân đợt đầu tiên được Hà Nội triển khai từ ngày 1 đến 10-3. Sau đó, Hà Nội rút kinh nghiệm để thực hiện đồng loạt trên toàn thành phố. Thế nhưng, sau 10 ngày thực hiện, có nơi chỉ đạt 70%-80% kế hoạch đặt ra. Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định kéo dài thời gian đợt đầu triển khai đến hết ngày 12-3.

Quận Long Biên là đơn vị đầu tiên triển khai. Để tạo điều kiện cho người dân, Trung tâm Y tế quận Long Biên đã tăng cường thêm các đoàn khám ở nhiều địa điểm. Tuy nhiên, sau 10 ngày triển khai cũng chưa hoàn thành được mục tiêu khám và lập hồ sơ cho 100% người dân. Ông Phạm Như Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết, những đối tượng chưa được khám và quản lý hồ sơ là những người đi làm xa nên việc khám và lập hồ sơ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, còn có cả những người dù biết mình bị bệnh mạn tính, song muốn giấu bệnh nên không đến khám.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long chia sẻ, dù chính quyền địa phương rất tích cực tuyên truyền, đến “gõ cửa từng nhà”, thậm chí tổ chức khám sức khỏe cả ngày lẫn đêm (khám đến 21h), nhưng người dân chưa mặn mà với việc khám sàng lọc và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Theo ông Long, những ngày đầu triển khai, người dân đến khám rất đông. Thế nhưng, sau khi khám xong nhiều người cho rằng, nếu chỉ được khám sơ bộ ban đầu như: Khám lâm sàng, khám ngoại khoa, đo huyết áp, các chỉ số cân nặng, tai mũi họng, vận động cơ xương khớp…, mà không có xét nghiệm chuyên sâu thì... không nhất thiết phải tham gia.

Trả lời về vấn đề người dân được lợi gì với hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, các bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam từng có các đợt khám tình nguyện cho bà con các vùng khó khăn. Nhờ đó, có địa phương, đoàn đã phát hiện khoảng 40% người trung niên, cao tuổi bị tăng huyết áp. Do hạn chế trong tiếp cận dịch vụ y tế, hầu hết họ không biết mình cần điều trị. Nếu được theo dõi sức khỏe thường xuyên, các bệnh lý mạn tính đó sẽ được phát hiện kịp thời, cấp thuốc điều trị, giúp giảm các tai biến, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài những thông tin cơ bản về cá nhân, cập nhật diễn biến bệnh tật, hồ sơ quản lý sức khỏe còn có những ghi chú về tình trạng dị ứng, mẫn cảm thuốc hay thực phẩm; bệnh lý bẩm sinh hay các yếu tố di truyền khác sẽ giúp bác sĩ tiếp nhận đầy đủ, từ đó bảo đảm chính xác, an toàn hơn khi đưa ra phác đồ điều trị.

Các cấp ủy đảng, chính quyền phải vào cuộc tích cực

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, sau khi thống nhất đợt khám điểm đầu tiên, ngành Y tế Thủ đô sẽ xây dựng định mức chi phí đối với một ca khám, một người khám để báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ cân đối nguồn chi, phần nào sử dụng ngân sách, phần nào sử dụng BHYT.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, người dân vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa về việc khám, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, nên nhiều người chưa đi khám. Trong khi việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, đặc biệt là lập sổ sức khỏe điện tử có ý nghĩa rất lớn. Đây chính là giải pháp lâu dài giảm chi phí về y tế cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Để công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe được kịp thời, không bỏ sót đối tượng, trong đợt triển khai tới cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể cùng cộng đồng trách nhiệm, thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cho nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở.

Để phục vụ khám và lập hồ sơ cho 10 xã, phường, vừa qua, Sở Y tế đã phải huy động sự tham gia của các bác sĩ tại các bệnh viện đa khoa trên địa bàn. Để triển khai đồng loạt, vấn đề nhân lực y tế sẽ gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ huy động tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực y tế hiện có tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tham gia. Mỗi quận, huyện thành lập 3-5 đoàn, tùy theo số lượng người khám. Mỗi đoàn khám gồm 30 người (11 bác sĩ; 11 điều dưỡng, kỹ thuật viên; 6 người nhập dữ liệu; 2 người đón tiếp). Hà Nội quyết tâm đến hết tháng 9-2017 sẽ hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 100% người dân trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần sự chung tay của cả cộng đồng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.