Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7-4: Giật mình với bệnh trầm cảm

Thu Trang| 07/04/2017 06:29

(HNM) - Mỗi năm thế giới có hơn 350 triệu người bị trầm cảm, trong đó khoảng 1 triệu người tự tìm đến cái chết.

Riêng tại Việt Nam, khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%; từ 36.000 đến 40.000 người tự sát do căn bệnh này. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: Số người mắc bệnh ngày càng gia tăng báo động và việc điều trị gặp không ít khó khăn. Đó là lý do WHO đã chọn “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện” là chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm nay (7-4)...


Bác sĩ Vũ Thy Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân bị bệnh trầm cảm. Ảnh: Phan Huyền


Mắc trầm cảm dễ… tự sát

Trung bình mỗi ngày tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân đến khám tâm thần, trong đó có 50 người mắc trầm cảm. Riêng năm 2016, tại đây điều trị gần 19.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân liên quan stress của Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ, hội chứng trầm cảm là rối loạn phổ biến, thường gặp ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp, về hưu… Đáng chú ý, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm gấp 2 lần nam giới...

Từ một người hoàn toàn khỏe mạnh, tính cách vui vẻ, hòa đồng, em N. (21 tuổi, là sinh viên) bị rơi vào giai đoạn trầm cảm nặng và có ý định tự sát. 6 tuần trước khi nhập viện, bạn trai N. nói lời chia tay. Cú sốc tình cảm cộng với những áp lực học hành khiến N. mệt mỏi, không muốn đến trường, chán ăn, hay khóc, cáu gắt, mất ngủ triền miên. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ thể N. bị suy nhược, sụt cân nhanh. Nghe con tâm sự muốn được chết để không phải đau khổ, mẹ N. đã đưa em đến bệnh viện. Còn bệnh nhân H. (79 tuổi ở Hà Nội) từng nhập viện tới 4 lần vì bệnh trầm cảm kéo dài, mới đây, được cấp cứu trong tình trạng cơ thể suy nhược, mất nước do tuyệt thực. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân H. buồn chán, khóc rất nhiều và xin lỗi người nhà vì đã làm khổ họ...

Đó là hai trường hợp hiện đang được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần. Ở đây còn có một số bệnh nhân trầm cảm từng tự cứa tay, cứa chân hoặc cuốn dây điện vào cơ thể rồi cắm điện để… tự tử.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo có chủ đề “Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện” nhân Ngày Sức khỏe thế giới (7-4) vừa diễn ra tại Hà Nội cho hay, hiện ở Việt Nam có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta khoảng 36.000 - 40.000 người. Theo dự báo của WHO, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu. Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, bệnh nhân trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều ở lứa tuổi trẻ (16 - 27 tuổi) và người già (60 - 65 tuổi). Có đến 36,5% bệnh nhân từ 45 tuổi trở lên bị trầm cảm có ý định hoặc hành vi tự sát. Phần lớn bệnh nhân tự tử do cảm thấy vô dụng, tội lỗi, không đáng sống. Và đa số bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính, tái diễn.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Tuy trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhưng hiện có rất ít người được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho rằng, trầm cảm là một bệnh lý phức tạp với 13 thể trầm cảm. Có nhiều thể giống hệt chấn thương, nhưng có thể giống bệnh nội khoa… Thậm chí có những lúc, chính người trong nghề cũng không phân biệt được, phải hội chẩn nhiều lần mới biết chính xác rối loạn trầm cảm hay không và ở mức độ nào. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn mặc cảm nên khi có biểu hiện bệnh, thay vì đến chuyên khoa tâm thần kiểm tra sức khỏe, họ lại đến khám tại các chuyên khoa khác. Chung quan điểm này, TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, thực tế có tới 80% số bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa, họ thường đến các bác sĩ nội, bác sĩ đa khoa để khám. Thực tế này khiến cho phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị khiến hiệu quả điều trị hạn chế.

Theo TS Dương Minh Tâm, một vấn đề khó khăn nữa, đó là điều trị trầm cảm phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng phụ không mong muốn, khiến không ít bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị. Trong thực tế điều trị, hơn 50% số bệnh nhân có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%. Tuy nhiên, rối loạn trầm cảm có thể chữa được và giúp bệnh nhân tái hòa nhập với xã hội, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời với sự hợp tác tốt của người bệnh, gia đình và cộng đồng.

TS Dương Minh Tâm cho rằng, để phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa. Khi gặp bệnh nhân trầm cảm, với những bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần nhận biết được sớm các dấu hiệu để tư vấn và giới thiệu họ đến khám tại các cơ sở điều trị chuyên khoa tâm thần. Còn đối với các bác sĩ chuyên ngành tâm thần, trước một bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, cần phải đánh giá được mức độ nặng, nhẹ của bệnh để đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Bản thân người bệnh cũng nên chủ động trò chuyện với những người thân khi thấy mình có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

"Nếu soi vào 10 dấu hiệu trầm cảm mà các bác sĩ cảnh báo (buồn chán, trống rỗng, không tập trung (hay quên), mệt mỏi không muốn làm việc, cảm giác tội lỗi, mất ngủ, cáu gắt, giảm thích thú, sụt cân và nghĩ về cái chết), nhiều người dễ giật mình, bởi có thể mình cũng có tới 4 - 5 dấu hiệu. Vì vậy, nếu có từ hai trong số các dấu hiệu điển hình của trầm cảm, kéo dài liên tục trong 2 tuần trở lên, cần đi khám chuyên khoa tâm thần".

TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7-4: Giật mình với bệnh trầm cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.