Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh không lây nhiễm - hệ quả của sử dụng thuốc lá, rượu bia

Tuệ Diễm| 29/05/2017 07:29

(HNM) - Tại hội nghị phòng, chống bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cảnh báo: Bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng kinh tế cho người dân bởi thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tăng.

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài, phổ biến là tim mạch, ung thư, đái tháo đường, huyết áp, phổi mạn tính. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ở nước ta, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc bệnh không lây nhiễm. Mỗi năm nước ta có thêm 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư.


Ngoài tỷ lệ gây tử vong cao, bệnh không lây nhiễm còn để lại những tàn tật lớn như liệt nửa người, mù lòa, suy thận, loét chi, sa sút trí tuệ... Người bệnh mắc bệnh không lây nhiễm bị giảm tuổi thọ, giảm chất lượng sống và tốn kém chi phí điều trị và cũng là gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia. Ông Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, con số thiệt hại liên quan đến các bệnh không lây nhiễm do sử dụng thuốc lá đã chiếm hơn 1 tỷ USD. Trong khi đó theo bác sĩ Lai Đức Trường - Văn phòng WHO Việt Nam: "Các bệnh ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hóa, bệnh phổi tắc mạn tính, tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ đều do nguyên nhân sử dụng thuốc lá. Nhóm bệnh này đang phải chịu chi phí cao để điều trị, trong đó cao nhất là bệnh phổi. Chúng ta mất hơn 8.279 tỷ đồng chi cho chữa trị ung thư phổi, hơn 7.276 tỷ đồng để chữa trị bệnh tắc phổi mạn tính".

Khó khăn phòng bệnh

WHO khuyến cáo, 70% số ca tử vong do nhóm bệnh không lây nhiễm có thể chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, việc phòng ngừa đang gặp nhiều khó khăn do tâm lý chủ quan và tỷ lệ người sử dụng rượu bia, thuốc lá ngày một gia tăng. Theo khảo sát, cả nước có 77% dân số đã và đang sử dụng đồ uống có cồn, 11% số đó sử dụng đồ uống có cồn đến mức nguy hại.

Ông Lokky Wai cho biết, ở các nước phát triển tỷ lệ tử vong sớm vì tim mạch, huyết áp đã giảm đáng kể. "Trong khi đó theo kết quả điều tra năm 2015 của chúng tôi cho thấy ở Việt Nam có trên 2/3 bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường chưa được chẩn đoán, họ chưa hề biết mình mắc bệnh. Chính vì vậy đây là nguyên nhân gây biến chứng tử vong tim mạch, đột quỵ ở Việt Nam quá cao, dẫn đầu tỷ lệ tử vong trong các bệnh", ông Lokky Wai cho hay.

Đáng nói, Việt Nam đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để kiểm soát nhóm bệnh không lây nhiễm và nhiều bệnh tật khác, nhưng việc kiểm tra xử phạt còn nhiều hạn chế. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, đến cuối quý IV-2016, Thanh tra Bộ Y tế mới xử phạt 16 đơn vị không tuân thủ Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, số tiền phạt 136 triệu đồng. Quý I-2017, đoàn kiểm tra liên ngành tại Hà Nội kiểm tra thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại 118 đơn vi, số tiền phạt 60 triệu đồng.

Việc vận động xây dựng môi trường không thuốc lá đang gặp phải nhiều khó khăn. Cả nước mới chỉ có 97 khách sạn, nhà hàng thực hiện quy định cấm hút thuốc lá trong nhà hàng, như khách sạn Caravelle TP Hồ Chí Minh, chuỗi nhà hàng Thái Express, khách sạn Lotus Hạ Long, khách sạn Hữu nghị Hải Phòng. Về việc hạn chế tác hại của đồ uống có cồn, do nước ta chưa có luật về việc này nên các cơ quan liên quan khó tuyên truyền và xử lý các cá nhân vi phạm. Mặt khác, người dân chưa nhận thức đúng về tác hại của rượu, bia khiến cho việc dự phòng bệnh càng khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh không lây nhiễm - hệ quả của sử dụng thuốc lá, rượu bia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.