Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Y tế Thủ đô hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong thời gian tạm đình chỉ

Gia Phong| 30/05/2017 17:50

(HNMO) - Chiều 30-5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã trực tiếp đến Bệnh viện Thận Hà Nội chỉ đạo việc tiếp nhận và điều trị cho 20 bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xuống.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đến thăm và tặng quà bệnh nhân chạy thận được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đến Bệnh viện Thận Hà Nội điều trị.


Tại đây, ông Nguyễn Khắc Hiền đã trực tiếp đến thăm và tặng quà cho từng người bệnh, đồng thời yêu cầu Bệnh viện Thận Hà Nội rà soát lại tất cả điều kiện để có thể tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Nếu bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống không có chỗ ở lưu trú thì phải bố trí, tạo điều kiện chỗ ăn ở thuận lợi cho người bệnh.

Mặt khác, Bệnh viện Thận Hà Nội cần rà soát lại các quy trình chuyên môn, bảo đảm bệnh nhân điều trị được an toàn. “Dù sự việc xảy ra tại Hòa Bình nhưng là bài học kinh nghiệm cho toàn ngành Y tế. Vì vậy, trong ngày 30-5, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn khẩn yêu cầu tất cả các bệnh viện của thành phố rà soát, tập huấn lại toàn bộ quy trình chạy thận, bảo đảm an toàn trong điều trị”, ông Nguyễn Khắc Hiền nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội Hà Huy Thắng cho biết, hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 20 bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống. Những bệnh nhân này đã được Bệnh viện bố trí vào một phòng điều trị với đủ 20 máy chạy thận. Ngoài ra, Bệnh viện cũng bố trí 2 phòng lưu trú cho người bệnh từ Hòa Bình chuyển xuống có chỗ ăn ở tạm thời. Ngày mai (31-5), bệnh viện sẽ tiếp nhận thêm từ 20-30 bệnh nhân được chuyển từ Hòa Bình đến đây.

Cũng theo ông Hà Huy Thắng, hiện Bệnh viện Thận Hà Nội có 450 bệnh nhân đang chạy thận. Để có thể tiếp nhận được các bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống, bệnh viện tăng ca, từ 3 ca/ngày lên 4 ca. Trong đó, những bệnh nhân nhẹ hơn sẽ chuyển sang chạy thận ca 4 (từ 21h tối) để nhường cho bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống được chạy thận vào ban ngày. Ông Thắng cho biết thêm, sức khỏe của 20 bệnh nhân đầu tiên từ Hòa Bình chuyển xuống tương đối ổn định. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân thiếu máu nên Bệnh viện đã lên phương án xử lý (truyền máu, dùng thuốc kích thích tạo máu lâu dài, điều trị tích cực…).

Ngoài ra, Bệnh viện Thận Hà Nội cũng đã liên hệ với hệ thống lọc thận của các bệnh viện trên địa bàn để có thể tiếp nhận đủ 105 bệnh nhân chạy thận từ Hòa Bình chuyển xuống. Hiện Bệnh viện Hòe Nhai cho biết, sẵn sàng tiếp nhận 10-20 bệnh nhân, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn sẵn sàng tiếp nhận 10 bệnh nhân/bệnh viện, Bệnh viện 103 cũng sẵn sàng tiếp nhận một số bệnh nhân…

Cũng theo ông Hà Huy Thắng, dự kiến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải mất 2-4 tuần để khắc phục sự cố nên bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ kế hoạch điều trị cho các bệnh nhân từ Hòa Bình chuyển xuống trong thời gian này. Dự kiến trong tuần này, Bệnh viện Thận Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ về quy trình xử lý khi xảy ra sự cố tai biến trong chạy thận.

Đặc biệt là vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong lọc máu chạy thận nhân tạo. “Sự cố xảy ra với 18 bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là bài học đau xót cho toàn ngành. Chúng tôi cũng sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo để rút kinh nghiệm trong nội dung cuộc họp vào tháng 8 tới của chuyên ngành thận học tại Đà Nẵng”, ông Hà Huy Thắng chia sẻ.

Được biết, cả nước hiện có 20.000 bệnh nhân đang lọc máu, chạy thận chu kỳ một tuần 3 lần, tại 102 cơ sở lọc máu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Y tế Thủ đô hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong thời gian tạm đình chỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.