Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng khám, chữa bệnh phải tăng theo

Thu Trang| 04/07/2017 06:51

(HNM) - Hôm nay (4-7), UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố khóa XV xem xét ban hành Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội.


Đây cũng là nội dung Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về việc điều chỉnh 1.930 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình bắt đầu thực hiện từ ngày 1-8. Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, khi viện phí tăng, các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mới mong giữ được bệnh nhân...

Các bệnh viện đã sẵn sàng

Sáng 3-7, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, khi biết thông tin ngành Y tế Hà Nội chuẩn bị triển khai đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhiều bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tỏ ra lo lắng. Ông Nguyễn Tiến Đông (phường Nam Đồng, Đống Đa) chia sẻ: "Tôi là lao động tự do nên không mua BHYT. Sau buổi khám bệnh này, nhất định tôi sẽ tham gia BHYT...".

Ông Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, trung bình một ngày bệnh viện tiếp đón từ 600 đến 700 bệnh nhân và 300 người bệnh điều trị nội trú. Tại đây có đến 84% bệnh nhân ngoại trú và 91% bệnh nhân nội trú có thẻ BHYT. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài như:

Tiểu đường, tiết niệu, thận nhân tạo… đều có thẻ BHYT. Vì vậy, việc điều chỉnh giá viện phí tới đây sẽ không gây xáo trộn nhiều. Cũng theo ông Lê Hưng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do bảo đảm các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: Thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng, tính đủ, đồng thời bảo đảm quyền lợi giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT. Để “đón đầu”, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bệnh viện đã chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện cơ sở vật chất. Bệnh viện đã triển khai thủ tục hành chính (ra viện, vào viện) theo "một cửa", tạo thuận lợi cho người bệnh. Tới đây, bệnh viện tiếp tục triển khai thêm phòng xét nghiệm ngoại trú, giải quyết ngay tất cả xét nghiệm trong ngày…

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến, để chuẩn bị cho đợt điều chỉnh viện phí tới, bệnh viện đã tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa từ những vấn đề nhỏ nhất. Ngoài việc tăng cường đầu tư trang thiết bị, triển khai kỹ thuật cao, nâng cấp cơ sở vật chất, cải tạo Khoa Khám bệnh, bệnh viện cũng bổ sung thêm ghế ngồi, quạt cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã thành lập Tổ Công tác xã hội, tiến tới thành lập Phòng Công tác xã hội nhằm đón tiếp, tư vấn cho bệnh nhân tận tình, chu đáo ngay từ khi làm thủ tục...

Bảo đảm quyền lợi chính đáng

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho rằng, trong mỗi đợt điều chỉnh viện phí, vấn đề người bệnh quan tâm nhất là chất lượng khám, chữa bệnh. Cụ thể là, khám bệnh đúng, chỉ định đúng, chữa bệnh hiệu quả. Không thể để tình trạng, không cần thiết nhập viện cũng cho bệnh nhân nhập viện, hay có thể được xuất viện nhưng vẫn giữ lại...

Tại buổi khảo sát các bệnh viện ngày 3-7, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã yêu cầu các cơ sở y tế trong toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, các bệnh viện phải tự mình đánh giá chất lượng, đổi mới cách làm, cách kiểm tra. Nếu như trước đây bệnh viện mổ hở, bệnh nhân nằm viện 10 ngày, thì cần lên kế hoạch chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật để rút ngắn thời gian nằm viện. Các bệnh viện phải làm sao để quyền lợi của người bệnh tăng lên. Đây là vấn đề rất nhân văn mà Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành Y tế và BHXH Việt Nam hướng tới khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tạo điều kiện để toàn dân tham gia BHYT...

Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, việc điều chỉnh theo hướng tăng giá dịch vụ y tế không chỉ đòi hỏi các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân, mà còn buộc các bệnh viện thực hiện chính sách tự chủ tài chính trong mọi hoạt động.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT, bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội... Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định, nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng khám, chữa bệnh phải tăng theo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.