Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung nâng cao chất lượng giống nòi

Xuân Lộc| 06/07/2017 06:39

(HNM) - Hôm nay (6-7), Sở Y tế Hà Nội tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7 với chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.


Đối mặt với nhiều thách thức

Đánh giá kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Thủ đô thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thành phố luôn quan tâm và coi trọng công tác nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã kiên trì chỉ đạo công tác dân số, đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số. Nếu như năm 2012, số sinh con thứ ba trở lên tăng cao (gần 12.000 trẻ), thì đến năm 2013-2014 đã giảm xuống còn hơn 9.000 trẻ và 6 tháng đầu năm 2017 là hơn 3.500 trẻ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai tăng từ 74,5% (năm 2011), lên 76% trong 6 tháng đầu năm 2017.

Tư vấn sức khỏe sinh sản tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng


Cùng với đó, chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã đã mang lại kết quả rõ rệt. Năm 2012, tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 40,36%, đến năm 2014 tăng lên 67%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2012 là 20,21%, đến năm 2014 là 47,6%.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã thực hiện sàng lọc trước sinh đạt 73,2% và sàng lọc sơ sinh cho hơn 77% số trẻ sinh ra. Nhiều trường hợp phát hiện thiếu men G6PD (trẻ không đủ men này các tế bào hồng cầu khó hoạt động bình thường), suy giáp trạng bẩm sinh đã được điều trị kịp thời.

Đặc biệt, hiếm có địa phương nào như Hà Nội, khi tất cả quận, huyện, thị xã đều được triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chống béo phì ở trẻ em; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Hàng chục nghìn người được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù vậy, công tác dân số của Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Tính đến hết tháng 6-2017, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao: 114 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi bình quân cả nước là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Thậm chí, một số huyện ngoại thành có tỷ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động: Ứng Hòa 132,6 trẻ trai/100 trẻ gái; Mê Linh 127/100; Ba Vì 123,6/100; Sóc Sơn 123,5/100; Sơn Tây 123,2/100; Mỹ Đức 121,9/100.

Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trên thực tế, thanh niên và vị thành niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thử thách liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Thế nhưng, do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân dẫn đến tình trạng vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS…

Đưa chính sách dân số đến gần với người dân

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xác định rõ những bước đi trong năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020. Công tác truyền thông sẽ là “cầu nối” để những chính sách, mục tiêu mà ngành đặt ra đến được với người dân một cách thiết thực và hiệu quả. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao hiệu quả quản lý dân số sẽ tiếp tục là những mục tiêu chủ yếu trong thời gian tới.

“Các loại hình đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề sẽ là những biện pháp được “ưu ái” nhất vì “dễ đi vào lòng người””- ông Tạ Quang Huy chia sẻ.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, chiến dịch dân số cần thay đổi các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên thấp, cần tăng cường các chiến dịch nâng cao chất lượng dân số. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên cao, cần lồng ghép kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vào các buổi tuyên truyền để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu.

Cùng với đó, bảo vệ quyền của thanh niên, vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp nền giáo dục có chất lượng, kỹ năng sống, tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện là hết sức cần thiết cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nâng cao chất lượng giống nòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.