Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 hành động Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng cần làm để phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Mai Hoa| 26/07/2017 13:42

(HNMO) - Trong buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế tổ chức sáng 26-7 tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã


5 hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng này bao gồm:

Thứ nhất, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Thứ hai, hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Thứ ba, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Thứ tư, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Thứ năm, khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Trao đổi với báo giới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hằng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước bị sốt xuất huyết nặng nề, bệnh luôn là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em. Từ năm 1980 trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về nước. Năm 2017, số mắc/100.000 dân tại nhiều nước ở khu vực Châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecuador (49), Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20).

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ số mắc/100.000 dân là 56,7, thấp hơn so với một số nước và tỷ lệ tử vong (0,029) thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Giai đoạn từ năm 2000 đến 2015 (có Chương trình mục tiêu quốc gia), tình hình dịch đã giảm, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc, gần 100 trường hợp tử vong. Trong 7 tháng đầu năm 2017 ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Số mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%) so với tổng số trường hợp mắc bệnh của cả nước, do đây là khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm qua. Khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%), tuy nhiên, gần đây có gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối Hà Nội đứng thứ 3 cả nước).

Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt bọ gậy ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.

Để các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị các địa phương bên cạnh các chiến dịch lớn phun hóa chất diệt bọ gậy quy mô lớn, cần tổ chức các chiến dịch nhỏ theo từng khu vực để tổng vệ sinh 2 tuần/lần, thực hiện 5 hành động để phòng chống dịch theo chỉ dẫn của Bộ Y tế, đồng thời nhấn mạnh: "Việc phòng chống hiệu quả bệnh này phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiêu diệt bọ gậy, khống chế không để tăng số ca mắc sốt xuất huyết".

Tại buổi trao đổi thông tin, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng chia sẻ các giải pháp trong điều trị, khám chữa bệnh sốt xuất huyết, trong đó yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối duy trì đường dây nóng hỗ trợ kỹ thuật, hội chẩn từ xa từ bệnh viện tuyến trên với các bệnh viện tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương nhấn mạnh: Thứ nhất, giám sát tình hình bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi khẳng định không có hiện tượng biến đổi về chủng, gen gây bệnh.

Thứ hai, hóa chất Cục Y tế dự phòng cung cấp vẫn còn nhạy cảm, có tác dụng tốt trong tiêu diệt ổ muỗi, chỉ xuất hiện kháng nhẹ ở một vài điểm lẻ tại Tân Triều và Hai Bà Trưng (Hà Nội). Thuốc chỉ có tác dụng với ổ muỗi trưởng thành, muốn chống sốt xuất huyết triệt để, người dân phải thường xuyên liên tục diệt bọ gậy hằng ngày, không để bất cứ dụng cụ chứa nước nào không có nắp đậy kín trong gia đình. Bên cạnh đó, người dân có thể kết hợp sử dụng tinh dầu sả - tuy không diệt được muỗi nhưng có thể xua muỗi. Một số trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết chủ yếu do bội nhiễm (nhiễm khuẩn đường ruột, xuất huyết não...).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 hành động Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng cần làm để phòng, chống dịch sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.