Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên thông kết quả xét nghiệm y tế: Khởi động trong băn khoăn

Thu Trang| 02/08/2017 06:53

(HNM) - Sau khi quyết định lùi lại một tháng để tiến hành kiểm tra thiết bị, đánh giá độ chính xác, tin cậy của các phòng xét nghiệm, ngày 1-8, 38 bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế bắt đầu triển khai thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm y tế.

Chất lượng máy, hóa chất và chuẩn thiết bị y tế là những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả xét nghiệm chuẩn. Ảnh: Bá Hoạt


Băn khoăn của "người trong cuộc"


Tại khu vực Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai luôn là nơi tập trung đông bệnh nhân. Ông Bùi Quang Phú (72 tuổi ở Văn Lâm, Hưng Yên) chia sẻ: "Đối với người bệnh, mỗi lần đi khám bệnh sợ nhất phải xét nghiệm nhiều lần, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền bạc. Khi biết thông tin các bệnh viện triển khai liên thông kết quả xét nghiệm, những người bệnh như tôi cảm thấy rất mừng".

Thế nhưng, tại các bệnh viện dù đã triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm, song chính các bác sĩ cũng còn không ít băn khoăn. Theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Trưởng đơn vị phẫu thuật Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều xét nghiệm vẫn cần làm lại để bảo đảm tính chính xác, nhất là khi bác sĩ ở tuyến cuối luôn là người đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân. Vì cùng một loại máy, nhưng ở 2 nơi sẽ cho kết quả chưa chắc giống nhau hoàn toàn. Hơn nữa, bệnh nhân chuyển từ các tỉnh khác về Hà Nội, chỉ sau vài tiếng, các chỉ số và tình trạng bệnh có thể thay đổi nên kết quả xét nghiệm sẽ không còn giá trị.

Để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, thời gian qua, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng của phòng xét nghiệm ở tất cả các lĩnh vực: Huyết học, vi sinh, sinh hóa… và nâng cấp, hoàn thiện theo chất lượng ISO 15189 mà Bộ Y tế đề ra. Xét nghiệm nào đã được công nhận thì duy trì chất lượng; xét nghiệm nào chưa đạt phải nâng cấp, cập nhật. Bác sĩ Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, một số xét nghiệm như: Vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan, thận… nếu đã có rồi, người bệnh sẽ không phải xét nghiệm lại. Bởi những chỉ số này sẽ kéo dài rất lâu, chứ không phải một sớm một chiều thay đổi được. Việc công nhận kết quả xét nghiệm liên thông không cứng nhắc, mà áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, với những bệnh nhân chuyển đến, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà có thể công nhận kết quả xét nghiệm trong khoảng thời gian nào đó, làm giá trị tham chiếu. Quá trình điều trị, nếu bệnh nhân nặng hơn thì phải xét nghiệm lại.

Còn tại Bệnh viện Da liễu trung ương, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 5.000 xét nghiệm. Hiện bệnh viện đã triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm với hệ thống xét nghiệm được chuẩn hóa theo các tiêu chí của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bác sĩ Trịnh Xuân Vinh, Trưởng khoa Khám bệnh cho rằng, đối với những kết quả xét nghiệm từ các bệnh viện khác chuyển đến phải có chất lượng chuẩn, tương đương nhau. Như vậy, các bác sĩ lâm sàng sử dụng các xét nghiệm của cơ sở bạn mới thực sự cảm thấy yên tâm.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E trung ương cho biết, hiện bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của các bệnh viện khác. Song, bên cạnh những xét nghiệm có thể được công nhận từ các cơ sở y tế khác cũng có những xét nghiệm bắt buộc phải làm lại để bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Cải thiện chất lượng thầy thuốc lâm sàng

Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giảm thời gian và chi phí cho người bệnh. Ảnh: Tuấn Vũ


Để triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 65 xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh; trong đó quy định cụ thể thời gian các xét nghiệm có giá trị để sử dụng. Tuy nhiên, trong danh mục này chỉ có duy nhất xét nghiệm về định lượng HbA1c trong máu có thời gian tồn tại lâu nhất là 60 ngày (khoảng 2 tháng), tiếp đến là 4 xét nghiệm có giá trị sử dụng trong vòng 7 ngày (định lượng Cholesterol toàn phần, định lượng Acid Uric, định lượng HDL-C, định lượng LDL-C), 14 xét nghiệm được sử dụng trong 5 ngày (định lượng sắt chưa bão hòa huyết thanh (UIBC), sàng lọc kháng thể bất thường…); còn lại, hầu hết các xét nghiệm chỉ tồn tại được từ 1 đến 2 ngày. Muốn sử dụng kết quả xét nghiệm cho việc liên thông, công nhận, khi người bệnh được chuyển viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải sao lưu kết quả xét nghiệm gửi kèm theo hồ sơ, giấy chuyển viện đối với các xét nghiệm trong danh mục.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có từ 2 đến 3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm. Trong tháng 8-2017, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lưu ý, phòng xét nghiệm y học được liên thông, công nhận kết quả theo nguyên tắc đạt cùng mức chất lượng. Ngoài ra, phòng xét nghiệm đạt mức chất lượng thấp công nhận kết quả của phòng xét nghiệm đạt mức cao hơn. Đối với các phòng xét nghiệm đã đạt ISO 15189, chỉ áp dụng liên thông các xét nghiệm có trong danh mục mà Bộ Y tế ban hành và đã được công nhận chất lượng. Bác sĩ lâm sàng là người quyết định việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông công nhận hay cần thiết chỉ định xét nghiệm lại, tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.

Theo ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, thầy thuốc lâm sàng vừa là người có khả năng đánh giá được chất lượng xét nghiệm, vừa đại diện cho người bệnh “thụ hưởng” chất lượng đó. Song, chính thầy thuốc cũng có thể không đánh giá được chất lượng xét nghiệm, nếu thiếu kiến thức và là người lạm dụng xét nghiệm. Do đó, muốn liên thông kết quả xét nghiệm đạt hiệu quả, phải cải thiện cả chất lượng thầy thuốc lâm sàng cũng như cải thiện “cơ chế làm việc” của thầy thuốc.

Theo lộ trình, đến năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì có thể giảm được gần 5 triệu lượt xét nghiệm/năm. Nếu tính mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng sẽ tiết kiệm được khoảng 237 tỷ đồng/năm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên thông kết quả xét nghiệm y tế: Khởi động trong băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.