Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao kiến thức chuyên môn cho bác sĩ điều trị đái tháo đường

Gia Phong| 26/08/2017 15:14

(HNMO) - Trong chương trình Đào tạo quốc tế về đái tháo đường (iSTEP-D) diễn ra ngày 26-8 tại Hà Nội, GS-TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho rằng, tỷ lệ bệnh đái tháo đường tại nước ta đã tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm.

Hiện Việt Nam là một trong những nước có người mắc đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân chiếm khoảng 5,4% dân số (nghĩa là có 5 triệu người mắc đái tháo đường). Thế nhưng, trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng, nước ta vẫn thiếu bác sĩ nội tiết điều trị đái tháo đường.

GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam phát biểu tại chương trình Đào tạo quốc tế về đái tháo đường iSTEP-D.


Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), hơn 52% bệnh nhân đái tháo đường ở nước ta chưa được chẩn đoán và có đến 52,7% bệnh nhân chết bị bệnh này trước năm 60 tuổi. Thậm chí, có hơn 50% bệnh nhân chưa nhận thức được tình trạng nghiêm trọng của bản thân. Nhiều người phát hiện ra bệnh khi có biến chứng tim mạch, thần kinh, suy thận, mù lòa, cụt chi… Để cải thiện tình hình chẩn đoán bệnh đái tháo đường nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời theo từng giai đoạn cần có sự chuẩn hóa trong hướng dẫn điều trị cả nội và ngoại trú không chỉ cho các bác sĩ chuyên khoa nội tiết mà cho cả đội ngũ cán bộ y tế.

Để nâng cao kiến thức chuyên môn cho bác sĩ chuyên khoa về đái tháo đường, chương trình iSTEP-D do Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam và công ty Sanofi phối hợp thực hiện trong giai đoạn 2017-2018 đã tổ chức các lớp đào tạo dành cho 600 bác sĩ. Dự kiến sẽ có 8 khóa đào tạo trên toàn quốc về hai chủ đề chính là quản lý tăng đường huyết nội viện và quản lý tăng đường huyết ngoại viện. Chương trình có 4 trung tâm đào tạo gồm: Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội). “Chương trình đào tạo này dành cho bác sĩ chuyên khoa nội tiết và không chuyên khoa nội tiết. Mục tiêu là nhằm hỗ trợ các bệnh viện lớn ở Việt Nam xây dựng các phác đồ điều trị nội trú và củng cố chất lượng điều trị ngoại trú, từ đó cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Nhờ đó, việc kiểm soát tăng đường huyết nội viện không chỉ được thực hiện ở các khoa nội tiết chuyên về điều trị đái tháo đường mà được áp dụng ở tất cả các khoa điều trị khác”, GS.TS Thái Hồng Quang chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho rằng, nhiều bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh đều chưa có phác đồ và mục tiêu điều trị bệnh đái tháo đường thống nhất. Vì vậy, chương trình iSTEP-D sẽ giúp cho các bác sĩ có một dàn bài cũng như phác đồ và tiêu chí điều trị đúng định hướng. Sau khi được đào tạo xong và trở về bệnh viện, từ những kiến thức được học, các bác sĩ sẽ thiết kế những hướng điều trị phù hợp với cơ sở y tế của mình.

Gắn bó với chương trình đào tạo này ngay từ những ngày đầu tiên, bác sĩ Bùi Thị Minh Thu (Bệnh viện 354, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với chương trình đào tạo này. Chương trình vừa mang tính cập nhật những kiến thức mới trong điều trị bệnh đái tháo đường, vừa có tính cụ thể hóa, vừa có tính thực hành cao, dành cho các bác sĩ đa khoa cũng như bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Nhờ đó, giúp các bác sĩ tiếp cận điều trị tốt hơn, tư vấn và tiếp cận bệnh nhân dễ dàng hơn".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kiến thức chuyên môn cho bác sĩ điều trị đái tháo đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.