Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa dịch vụ y tế chất lượng đến với người dân

Thu Trang| 17/01/2018 07:27

(HNM) - Trong năm 2018, ngành Y tế tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tai biến y khoa, quá tải bệnh viện, giá thuốc chữa bệnh… nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.

Thái độ phục vụ ân cần của cán bộ y tế tạo sự hài lòng cho người bệnh . Ảnh: Anh Tuấn


-Thời gian qua, ngành Y tế đã có nhiều biện pháp nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Bộ trưởng có cảm thấy hài lòng về những gì đã đạt được trong năm qua?

- Đến nay, việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ, mức độ hài lòng của người bệnh đối với thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt 89,8%. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện bị quá tải. Cùng với đó là tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ trong một số bệnh viện, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

- Vậy, Bộ trưởng trăn trở nhất về vấn đề gì?

- Đó là bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người thầy thuốc. Năm 2017 đã gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Chúng tôi kiến nghị xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. Chúng tôi kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường biện pháp tuyên truyền, giáo dục, chỉ đạo cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.

- Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện đã đạt hiệu quả hay chưa?

- Sau 5 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tải, tình trạng quá tải đang từng bước được giải quyết. Cụ thể, khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh, tiết kiệm được trung bình 27,2 triệu ngày công lao động/năm cho xã hội. Còn với khu vực nội trú, tỷ lệ giường bệnh tăng từ 24,7 giường bệnh/vạn dân lên 32,7 giường bệnh/vạn dân… Dù vậy, số lượt điều trị nội trú và ngày điều trị trung bình tại tuyến tỉnh, tuyến huyện lại có xu hướng tăng, tình trạng quá tải ở tuyến trung ương vẫn còn ở một vài bệnh viện lớn. Bộ Y tế phấn đấu năm 2018, 100% bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố cam kết không để người bệnh nằm ghép từ 2 người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện; đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải.

- Ngành Y tế đã, đang và sẽ làm gì để hạn chế tai biến y khoa?

- Người bệnh trong các cơ sở y tế phải trải qua nhiều thủ thuật, phẫu thuật, sử dụng các thiết bị nguy hiểm, thiết bị xâm lấn, các hóa chất độc cũng làm tăng nguy cơ sai sót. Trong cấp cứu người bệnh, thời gian là điều rất quan trọng, nhân viên y tế cần hành động nhanh, do vậy, sự cố y khoa cũng dễ xảy ra. Quy trình khám chữa bệnh phức tạp, nhiều đầu mối, ngắt quãng, nhiều cá nhân tham gia trong khi hợp tác, trao đổi thông tin giữa nhân viên y tế chưa đầy đủ và kịp thời… cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa. Hiện nay, chúng ta chưa có hệ thống giám sát, thống kê về tai biến y khoa trên toàn quốc, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó tập trung hướng dẫn quy định liên quan đến nhận diện, phân loại, báo cáo sự cố và một số nguyên tắc cơ bản trong xử lý, xác định nguyên nhân, phòng ngừa sự cố y khoa.

- Năm 2017, Bộ Y tế triển khai đấu thầu thuốc quốc gia lần đầu tiên. Xin Bộ trưởng cho biết về kế hoạch tổ chức thương thảo giá thuốc và đấu thầu quốc gia trong thời gian tới đây để giảm giá thuốc, vật tư y tế?

- Năm 2017, việc lần đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc quốc gia đã giúp giá thuốc giảm trung bình 17%, trong đó, mức giảm cao nhất là 30% và thấp nhất là 4%. Ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng việc đấu thầu, đồng thời thực hiện đàm phán giá đối với các nhà cung cấp dược phẩm để tiếp tục giảm giá thuốc. Hiện Bộ Y tế đang chuẩn bị đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, thành lập Hội đồng đàm phán giá thuốc; thẩm định kế hoạch đàm phán giá thuốc đợt 1 gồm 8 mặt hàng thuốc biệt dược gốc. Dự kiến đợt đàm phán này sẽ hoàn thành trong quý I-2018. Bộ Y tế phấn đấu tiếp tục giảm giá thuốc trong năm 2018.

- Năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Xin Bộ trưởng chia sẻ một số ý tưởng về việc phải làm gì để y tế Việt Nam phát triển?

- Để y tế Việt Nam phát triển, cần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ từ phía các cơ sở y tế cũng như giảm rào cản cả về địa lý, tài chính, văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế và bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2018 là năm bản lề, quyết định trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016-2020). Vì vậy, Bộ Y tế đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã, quản lý sức khỏe đến từng người dân....

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa dịch vụ y tế chất lượng đến với người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.