Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu máy xạ trị ung thư: Phải sớm đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện

Thu Trang| 22/01/2018 06:42

(HNM) - Do bệnh nhân đông nên dù đã được đầu tư xây dựng ba cơ sở, nhưng Bệnh viện K trung ương vẫn “oằn mình” vì quá tải.


Thức đêm chờ… xạ trị

Mắc ung thư hạ họng, ông Lương Xuân Sơn (quê Thanh Hóa) cho biết, ông phải thực hiện xạ trị 1 lần/ngày. Có hôm may mắn được xạ trị vào ban ngày nhưng cũng có hôm phải thực hiện vào ban đêm. Do lượng bệnh nhân vào ban đêm tại Khu xạ trị kỹ thuật cao rất đông nên dù xạ trị chỉ mất 15 phút/người và được bác sĩ hẹn thực hiện vào lúc 23h thì việc ông Sơn rời khỏi bệnh viện lúc 2-3h sáng là "rất bình thường"…

Bệnh nhân được xạ trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.


Không còn lạ với cảnh thức suốt đêm cùng chồng bị ung thư phổi chờ xạ trị, bà Ma Thị Hạnh (ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi tuần tôi đưa chồng đi xạ trị 5 lần. Có lần phải xạ trị vào 4-5h sáng, hai vợ chồng cũng phải thức cả đêm xếp hàng chờ tới lượt. Không chỉ có bệnh nhân mà bác sĩ cũng rất vất vả do lượng bệnh nhân quá đông trong khi máy, thiết bị còn hạn chế".

Anh Đỗ Đức Doanh, kỹ thuật viên của Khoa Xạ trị (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) cho biết, phải làm việc thâu đêm với nhân viên y tế, kỹ thuật viên của bệnh viện giờ đã là chuyện rất bình thường. Thậm chí, có lúc xảy ra sự cố, bệnh nhân đến lượt xạ trị nhưng máy hỏng nên thời gian đợi của bệnh nhân lại kéo dài thêm 1-2 tiếng để sửa máy. “Ngày nào chúng tôi cũng chỉ mong máy vận hành ổn định để bệnh nhân và cả bác sĩ đỡ vất vả”, kỹ thuật viên Đỗ Đức Doanh cho biết.

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, tình trạng nêu trên không phải mới xuất hiện mà đã kéo dài một thời gian do bệnh viện không đủ trang thiết bị y tế trong khi bệnh nhân ngày một tăng. Năm 2016, bệnh viện tiếp nhận hơn 265.000 lượt người khám và điều trị, đến năm 2017 đã tăng 47% với hơn 390.000 lượt người. Hiện nay, bệnh viện có 7 máy xạ trị. Năm 2017, bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị có chức năng xạ phẫu hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, Khoa Xạ trị kỹ thuật cao tại cơ sở 3 Tân Triều chỉ được trang bị 3 máy xạ trị trong khi phải cần thêm ít nhất 3 máy nữa mới tạm đáp ứng nhu cầu. “Mỗi ngày, khoa phải tiến hành xạ trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Do không đủ thiết bị nên việc điều trị phải chia làm 3 ca gồm sáng, chiều và đêm. Mỗi ca phải làm việc liên tục từ 8 đến 10 giờ để điều trị cho hơn 300 người, gấp 6 lần tiêu chuẩn vận hành do nhà sản xuất quy định”, PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Hài hòa lợi ích người bệnh

Dù quá tải ở Khoa Xạ trị nhưng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, chất lượng điều trị vẫn phải bảo đảm đúng theo quy định. Để khắc phục tình trạng trên, hiện Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương để bệnh viện mua thêm máy xạ trị từ nguồn xã hội hóa. Dự kiến, khoảng tháng 3 hoặc tháng 4-2018, bệnh viện sẽ có thêm từ 3 đến 4 máy xạ trị để phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính tới phương án sớm thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, phương pháp xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiên tiến và hiện đại đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Tại Châu Á, gần đây nhất có Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp dụng. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp này. Đặc biệt, với phương pháp này, thời gian xạ trị được rút ngắn hơn rất nhiều. Nếu trước đây, một khối u ở phổi xạ trị gia tốc thông thường phải mất 4-5 tuần thì với phương pháp mới, chỉ một lần với khoảng thời gian vỏn vẹn... 10 phút. Việc ứng dụng phương pháp mới trong điều trị ung thư sẽ giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi, giảm tải bệnh viện, tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, khó khăn trong việc triển khai kế hoạch này hiện nay là giá thành 2 hệ thống này khá cao, khoảng 150 triệu USD (tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng) nên phải huy động cả nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phương án Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện, đó là trong khi ngân sách còn hạn chế thì phải bảo đảm nhu cầu của người bệnh. Khi thành lập được Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được trang bị và áp dụng phương pháp chữa trị xạ trị tiên tiến này. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu phương án xã hội hóa để kêu gọi các nhà đầu tư. Hy vọng trong thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng trên, giải quyết nhu cầu xạ trị của bệnh nhân ung thư. Cùng với việc đầu tư thiết bị, Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều chương trình tập huấn về quản lý sử dụng trang thiết bị y tế, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên cả nước. Hiện Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế xây dựng các quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý sử dụng, các quy định kiểm định, kiểm soát chất lượng để giúp các cơ sở y tế làm tốt công tác an toàn trang thiết bị y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu máy xạ trị ung thư: Phải sớm đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.