Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ một, lãi mười!

Thu Trang| 05/03/2018 06:42

(HNM) - Hơn 879.000 hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử được thiết lập, hơn 115.000 mẫu xét nghiệm tầm soát sớm ung thư đại trực tràng được triển khai trong năm 2017 tại Hà Nội.

Ứng dụng công nghệ thông tin từ y tế cơ sở phục vụ hoạt động thăm khám, điều trị một cách hiệu quả. Ảnh: Bá Hoạt


Đồng bộ từ cộng đồng đến bệnh viện

Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi phát hiện mắc ung thư đại trực tràng, ông X.T (63 tuổi, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đã qua đời. Theo người nhà kể lại, cách đây 2 năm, ông T thường bị đau bụng, ợ hơi, đầy bụng. Thế nhưng, vì chủ quan nên ông không đi khám bệnh. Cho đến khi cơ thể thường xuyên mệt mỏi, đi ngoài ra máu, nôn, sút cân không rõ nguyên nhân..., ông T mới chịu tới bệnh viện thì đã quá muộn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông bị ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối, đã di căn sang gan và phổi.

Theo ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, ung thư đại trực tràng đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới với khoảng 8.000 bệnh nhân được phát hiện mỗi năm. Dự kiến, đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên hơn 13.000 trường hợp.

Đây cũng là bệnh ung thư đứng thứ hai trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới với khoảng hơn 6.000 ca mắc/năm. Dự kiến, đến năm 2020, số phụ nữ được phát hiện ung thư đại trực tràng vào khoảng 11.000. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm bằng phương pháp tầm soát ung thư định kỳ, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%.

“Với các bệnh ung thư, càng phát hiện sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả và tiết kiệm được chi phí”, ông Trần Văn Thuấn khẳng định.

Bệnh viện K trung ương đã ghi nhận không ít bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng cách đây hơn 20 năm và hiện vẫn sống khỏe mạnh nhờ được phát hiện bệnh từ trong “trứng nước” và tuân thủ phác đồ điều trị. Tuy nhiên, đáng buồn là tỷ lệ phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm rất thấp, chỉ từ 5,3% đến 17,2%.

Trước thực tế trên, hơn 1 năm qua, Hà Nội đã triển khai tầm soát sớm ung thư đại trực tràng cho hơn 115 nghìn người dân trên 40 tuổi tại địa bàn 104 xã, phường của 8 quận, huyện (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình, Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn và Thanh Trì). Kết quả cho thấy gần 6% mẫu xét nghiệm dương tính.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, đây là chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện đồng bộ từ cộng đồng đến bệnh viện. Chương trình được triển khai tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), dự kiến tầm soát cho gần 2 triệu người dân từ 40 tuổi trở lên - độ tuổi được khuyến cáo nên tầm soát ung thư đại trực tràng kể cả khi đang khỏe mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hưng, những kết quả xét nghiệm ban đầu có thể không giúp khẳng định chắc chắn là người được xét nghiệm có mắc ung thư hay không, nhưng là gợi ý để các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu như nội soi đại trực tràng, sinh thiết polyp… và đưa ra chẩn đoán chính xác, giúp người dân kịp thời nắm bắt tình hình bệnh. Tầm soát ung thư, vì thế, là một cách đầu tư vào y tế dự phòng để giảm chi phí điều trị của người dân.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Một trong những yêu cầu quan trọng Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới (Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) đặt ra là phát triển bền vững, cân đối giữa điều trị với dự phòng, giữa y tế chuyên sâu và y tế công cộng.

Nghị quyết cũng đã xác định mục tiêu, lộ trình để tiến tới bao phủ bảo hiểm, mọi người dân đều được theo dõi, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngay cả khi chưa có bệnh, và khi có bệnh thì được chữa trị sớm nhất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, cần mạnh dạn, sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ y tế cơ sở, tiến tới tất cả thông tin về sức khỏe của từng người được lưu giữ an toàn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu chi một đồng cho y tế dự phòng thì sẽ tiết kiệm được mười đồng trong điều trị. Việc ngành Y tế Thủ đô tổ chức xét nghiệm tầm soát sớm ung thư đại trực tràng cho người dân và thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử là nhằm đạt được lợi ích trên. Khi có hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe, người mắc các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và điều trị ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, hạn chế biến chứng và các bệnh viện tuyến trên sẽ không bị quá tải. Chưa kể, quản lý tốt dữ liệu thì hồ sơ theo dõi sức khỏe còn giúp giảm chi phí điều trị do phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, có thể hạn chế việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao - chi phí lớn.

Rõ ràng, việc tầm soát sớm bệnh, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả phòng chống bệnh từ tuyến y tế cơ sở, mà còn tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả đầu tư cho y tế dự phòng, nói không quá, thực sự là bỏ một, lãi mười!

Theo Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, mảng y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cần mức đầu tư ít nhưng cho “lãi” nhiều. Thế nhưng, thời gian qua, chiến lược phát triển của ngành Y tế bị cuốn theo các hoạt động của lĩnh vực y học điều trị, tức là tập trung quá nhiều cho hệ thống điều trị. Hướng đi này mới chỉ giúp giải quyết phần ngọn chứ chưa giải quyết được gốc của vấn đề.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ một, lãi mười!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.