Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh giác với những liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư tự xưng

Theo Phương Anh/Zing| 05/10/2018 15:24

Những phương pháp “tự xưng” và khuyên dùng “đại trà” có thể kể đến là các loại nấm, tảo, hay vô số thực phẩm chức năng bổ trợ tăng cường hệ miễn dịch.


Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đang được nhiều người Việt Nam tìm kiếm và mong muốn sẽ trở thành cứu cánh cho bệnh nhân giai đoạn cuối. Tuy nhiên, theo TS.BS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ nội trú khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản, liệu pháp miễn dịch chỉ là tên gọi chung. Thực tế, chúng được chia làm 3 nhóm. Bác sĩ Quý ví von các nhóm này là chính phái, tà giáo và lưng chừng trời.

Nhóm tà giáo

Là những phương pháp miễn dịch “tự xưng” và khuyên dùng “đại trà”. Ta có thể kể từ các loại nấm, tảo, hay vô số thực phẩm chức năng quảng cáo là bổ trợ tăng cường hệ miễn dịch, các phép luyện công kỳ bí hơn như tăng thân nhiệt, tắm tia xạ radon liều thấp ở suối nước nóng (onsen) để tăng sức đề kháng. Thực chất, những phương pháp này không hề có số liệu hay qua kiểm chứng trên người để các bác sĩ khuyên dùng.

Trong số này, một ví dụ điển hình là vắc xin Maruyama ở Nhật được đề xướng và bắt đầu “thử nghiệm lâm sàng” từ cách đây 40 năm, sử dụng ở trên 350.000 người nhưng vẫn chưa có báo cáo nào. Hiện chúng vẫn còn tiếp tục được bán nhỏ giọt qua đường truyền miệng. Vì những loại điều trị miễn dịch lừa đảo này mà cho tới vài năm gần đây phương pháp miễn dịch chính thống vẫn còn mang tiếng xấu và bị rất nhiều bác sĩ, bệnh nhân hoài nghi.

Nhiều bệnh nhân Việt Nam đang kỳ vọng vào phương pháp điều trị ung thư mới được trao giải Nobel Y học. Ảnh: Altsantiri.


Nhóm chính phái

Đây là những loại thuốc có bằng chứng rõ ràng cụ thể qua thử nghiệm lâm sàng nghiêm chỉnh như nivolumab, pembrolizumab (kháng PD-1), hay ipilimumab (kháng CTLA-4)…(gọi chung là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, immune checkpoint inhibitor). Các thuốc này thường đã qua pha 3 của thử nghiệm lâm sàng, được công nhận rộng rãi và có tên trong hướng dẫn điều trị (guidelines) của Mỹ, Nhật, châu Âu, cụ thể ở đúng loại ung thư, đúng giai đoạn bệnh và đúng thời điểm sử dụng (thứ tự phác đồ). Giải Nobel Y học năm nay thật ra dành cho phát kiến liên quan tới những loại thuốc nói trên.

Nhóm chính phái này còn có vắc xin Sipuleucel-T dùng trong ung thư tuyến tiền liệt và một số loại CAR-T cell therapy đặc biệt như Tisagenlecleucel trong ung thư máu cấp tính dòng lympho (ALL) hoặc Axicabtagene ciloleucel trong ung thư lympho tế bào B lớn (large B-cell lymphoma).

Lưu ý, phác đồ chưa cập nhật nên nhiều thuốc chưa có thường quy ở Việt Nam. Những phương pháp như CAR-T cell therapy (điều trị bằng tế bào T) cũng rất đắt tiền và chỉ định ở một số dạng bệnh cụ thể (không phải đại trà) ở nước ngoài.

Nhóm lưng chừng trời

Đây là những phương pháp đang trong thử nghiệm lâm sàng nghiêm túc tại các bệnh viện và trung tâm ung thư chính quy. Vì thử nghiệm có thể ra kết quả thành công hoặc thất bại (so với một mục tiêu cụ thể định trước), nên những phương pháp này không đáng để bị xếp vào nhóm tà giáo, nhưng cũng chưa thể xếp vào nhóm chính phái, vì không có số liệu để khẳng định đã qua hết kỳ sát hạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với những liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư tự xưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.