Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt!

Thu Trang| 03/12/2018 07:03

(HNMO) - Theo ghi nhận của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2018, ung thư phổi tại Việt Nam được xếp thứ 2 trong số các bệnh ung thư hiện nay.

Thói quen hút thuốc lá là nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư phổi.


Thủ phạm hàng đầu... khói thuốc

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia cho biết, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả nam và nữ. Theo Globocan năm 2018, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 24 nghìn ca mắc mới và hơn 20 nghìn ca tử vong do căn bệnh này.

Thực tế việc điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K cho thấy, 2/3 số bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện đều ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn. Điều này cũng lý giải vì sao số ca mắc mới gần tương đương với số người tử vong. PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, với giai đoạn muộn, ở người bệnh đã xuất hiện đầy đủ các biểu hiện như: Tức ngực, ho, khó thở…, thậm chí là di căn khiến việc điều trị không đạt hiệu quả cao.

Thế nhưng, để phát hiện sớm ung thư phổi là rất khó. Căn bệnh này thường không có triệu chứng sớm điển hình, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Thêm vào đó, các phương pháp cũ như chụp X-quang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bệnh bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng. Trong khi, đây lại là bệnh tiến triển rất nhanh. Có thể bệnh nhân mới chụp X-quang 6 tháng trước chưa phát hiện dấu hiệu bất thường, nhưng 6 tháng trôi qua đã mắc ung thư phổi giai đoạn muộn.

Điều đáng nói là gần như tất cả trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. PGS.TS Lê Văn Quảng cảnh báo, lứa tuổi mắc ung thư phổi thường ở độ ngoài 50. Tuy nhiên, tại Bệnh viện K cũng ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đơn cử như trường hợp một thiếu niên 15 tuổi phát hiện mắc ung thư phổi 3 năm trước và đã tử vong sau 2 năm điều trị. Trường hợp khác là một phụ nữ đang điều trị ung thư phổi. Dù hai trường hợp này đều không hút thuốc lá nhưng lại thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc thụ động từ người thân…

GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Có tới 85-90% ca mắc ung thư phổi là do hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20-40 lần người không hút thuốc. Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng dần theo số lượng thuốc lá/ngày, thời gian hút thuốc ở cả người hút thuốc chủ động và thụ động.

Nâng cao kiến thức về dự phòng bệnh

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, cho đến việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích, nhất là liệu pháp điều trị miễn dịch - một tiến bộ lớn của y học gần đây đã giúp kéo dài thêm cuộc sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn.

Thế nhưng, việc điều trị bệnh này hiện còn khó khăn. Tỷ lệ bệnh nhân kéo dài được cuộc sống sau 5-6 năm là rất ít. Chính vì vậy, việc nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi hết sức quan trọng, cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung.

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội).


PGS.TS Lê Văn Quảng đưa ra khuyến cáo, đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như: Người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… nên chủ động đi tầm soát ung thư phổi khoảng 6 tháng đến 1 năm/lần.

Còn theo Tiến sĩ Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư phổi không chỉ được khuyến cáo với những người đang hút thuốc mà cả những người đã bỏ thuốc. Bởi ngay cả khi dừng hút, tác hại của thuốc lá vẫn còn tồn tại từ 10 đến 15 năm trong cơ thể. Đó là do hắc ín (hay còn gọi là nhựa thuốc lá) - chính là sự lắng lại của khói thuốc có chứa nhiều chất gây ung thư nhưng lại không thể loại bỏ ngay khỏi cơ thể.

Khi khói thuốc được hít vào phổi, các chất nhựa lắng đọng và bám vào các khoang chứa khí của phổi. Sau một thời gian, những phần bị nhựa thuốc lá bám sẽ gây ra bệnh ung thư và các bệnh về phổi. Để đào thải các chất này khỏi cơ thể phải có thời gian lâu dài. Chính vì vậy, trên thực tế, có trường hợp dù đã bỏ thuốc lá hơn chục năm nhưng vẫn mắc ung thư phổi.

Do đó, không hút thuốc lá là biện pháp tốt nhất để hạn chế ung thư phổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngừng hút thuốc càng sớm càng tốt!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.