Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn "khoảng trống"

Thu Trang| 10/12/2018 07:08

(HNM) - Một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số của nước ta hiện nay là tỷ lệ nạo, phá thai ở vị thành niên, thanh niên rất cao. Điều đó cho thấy, chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vẫn còn

Những con số đáng buồn

Tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2018 diễn ra tuần qua tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm tuổi từ 10 đến 24) chiếm khoảng trên 22% dân số. Sức khỏe sinh sản của đối tượng này là một trong những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục nhưng tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng.

Cán bộ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội hướng dẫn tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.


Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan dẫn chứng, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), tình trạng phá thai ở Việt Nam đang ở mức báo động với 250.000-300.000 ca mỗi năm. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ năm 2017, cứ 1.000 ca phá thai có 15 trường hợp ở độ tuổi vị thành niên. Cứ 100 ca phá thai ở phụ nữ tuổi 15-49 thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. “Đây là các con số báo cáo chính thức, còn trên thực tế tại các phòng khám tư, cơ sở nạo, phá thai “chui”, số liệu có thể còn cao hơn rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nói.

Còn theo bác sĩ Vũ Ngân Hà, Phó Trưởng khoa Phụ ngoại (Bệnh viện Phụ sản trung ương), tỷ lệ nạo phá thai độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, ước tính số ca nạo phá thai trung bình 1 năm khoảng 5.000 ca, trong đó có khoảng 18-20% ở tuổi vị thành niên. Ước tính, trung bình mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai.

Trước thực tế trên, bác sĩ Vũ Ngân Hà cảnh báo, ở tuổi dưới 18, tử cung các bé gái chưa hoàn thiện, nguy cơ trước mắt khi nạo phá thai là gây đụng giập, thủng tử cung, chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng. Còn về lâu dài sẽ gây viêm nhiễm, gây viêm dính toàn bộ vùng niêm mạc tử cung, thậm chí gây viêm ngược lên ổ bụng, viêm vùng tiểu khung, viêm buồng trứng, vòi trứng… sẽ dẫn tới vô sinh và vĩnh viễn không thể có thai.

Trách nhiệm của người lớn

Ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho rằng, một trong những nguyên nhân của nạo phá thai bừa bãi là do vị thành niên, thanh niên Việt Nam thiếu thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như thiếu người cung cấp thông tin về chủ đề này. Các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội thường e ngại, né tránh khi đề cập đến sức khỏe sinh sản, tình dục, đặc biệt hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung cấp phương tiện kế hoạch hóa gia đình với vị thành niên, thanh niên còn quá mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu. Tại không ít địa phương, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn.

Cũng theo ông Mai Xuân Phương, xưa nay, trong gia đình hay trường học chỉ chú trọng giáo dục con gái “giữ mình” mà không giáo dục trẻ em nam có trách nhiệm trong yêu đương và quan hệ tình dục. Chính vì vậy, người lớn cần phải giáo dục về giới tính, về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho con trẻ từ sớm.

Hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị lực lượng làm công tác dân số ở các cấp đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên. Để vị thành niên, thanh niên có đầy đủ kiến thức về thể chất cũng như tinh thần, tự tin bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của gia đình. Bởi chỉ khi vị thành niên, thanh niên có đầy đủ kiến thức; hiểu rõ vai trò, trách nhiệm khi trở thành bố - mẹ; khi đủ “chín” để vun vén, chăm lo cho những đứa trẻ ra đời, lớn lên với đầy đủ tình yêu thương và trách nhiệm xã hội mới là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam về sức khỏe sinh sản ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 24, trong tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu, 83% đã từng nghe nói về bao cao su và 63,4% hiểu đúng mục đích của việc dùng bao cao su. Tuy nhiên, chỉ có 26% biết sử dụng bao cao su đúng cách. Rào cản phổ biến nhất để mua bao cao su là xấu hổ (chiếm 76%) và có cảm giác đang làm điều sai trái khi mua bao cao su (chiếm 18%)...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn "khoảng trống"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.