Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu i-ốt tại Việt Nam

Thu Hằng| 15/12/2018 14:12

(HNMO) - Sau 13 năm thoát khỏi tình trạng thiếu i-ốt, tỷ lệ người dân mắc các bệnh do thiếu hụt i-ốt có xu hướng gia tăng, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại tại nước ta.


Vai trò của i-ốt

I-ốt là một vi chất rất cần thiết cho phát triển của cơ thể, cần cho sự tổng hợp hormone tuyến giáp. Các hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ và kiểm soát chức năng các tổ chức cơ thể.

Thường xuyên sử dụng muối i-ốt giúp phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra


Nhu cầu i-ốt hằng ngày của một người bình thường nằm trong khoảng 100-300 μg/ngày, còn ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần 250 μg/ngày. Nếu cơ thể tiếp nhận ít hơn con số trên thì gây ra các rối loạn do thiếu i-ốt.

Theo các chuyên gia y tế, các rối loạn do thiếu hụt i-ốt làm suy giảm chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, gây ra những hạn chế về hoạt động trí tuệ, thể lực mà không lường trước được. Ảnh hưởng tới tương lai giống nòi của một dân tộc, làm giảm kinh tế và xã hội.

Thiếu i-ốt là vấn đề y tế có tính chất toàn cầu, hậu quả của nó gây ra rất nặng nề như làm tăng tỷ lệ sảy thai, đẻ non, thai chết lưu, tử vong chu sinh, gây ra đần độn, chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng giáp, bướu cổ...

Các rối loạn do thiếu i-ốt

Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Tuấn Vũ – Phó Trưởng phòng phụ trách chỉ đạo tuyến Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, thiếu i-ốt không chỉ có bướu cổ đơn thuần mà thiếu i-ốt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tăng trưởng của con người, từ bào thai, sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn trong quần thể.

Thiếu hụt i-ốt – một nguyên nhân dẫn đến bướu cổ


Thiếu i-ốt có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ.

Trong thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào hormone giáp trạng của người mẹ ngấm qua nhau thai sang con. Hormone này rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nếu thiếu i-ốt thì sự phát triển của bào thai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của đứa trẻ.

Thiếu i-ốt ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi mẹ thiếu i-ốt nặng thì trẻ sinh ra có thể đần độn vì tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, lác mắt. Các hậu quả này sẽ tồn tại vĩnh viễn suốt cuộc đời trẻ vì hiện nay y học chưa chữa được.

Trong giai đoạn cơ thể trẻ phát triển, nếu thiếu i-ốt sẽ gây bệnh bướu cổ, bệnh đần độn - chậm phát triển trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, thiếu i-ốt sẽ dẫn tới giảm hoạt động tuyến giáp, được đặc trưng bởi dấu hiệu rụng lông, táo bón, vàng da, sợ lạnh, tăng cholesterol...

Ở tuổi dậy thì, nếu thiếu i-ốt cũng thường gây bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, thiểu năng giáp. Khi bị thiểu năng giáp, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng cảm thấy buồn ngủ, lao động rất nhanh mệt mỏi, không linh hoạt, tinh thần trì trệ, khả năng lao động giảm sút...
Người lớn thiếu i-ốt sẽ gây ra bướu cổ với các biến chứng của nó như mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động.

Việt Nam thuộc top quốc gia thiếu i-ốt nhất thế giới

Theo báo cáo gần đây của Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong số những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của việc thiếu i-ốt.

Trước đây, chương trình phòng chống rối loạn thiếu i-ốt từ năm 1994 đến năm 2005 của Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả tích cực khi thực hiện thành công chiến lược tăng cường cung cấp i-ốt vào toàn bộ muối cho toàn dân.

Kết quả là hơn 90% số hộ gia đình được sử dụng muối i-ốt đầy đủ trong giai đoạn 2005-2006. Tổng thể kết quả của chương trình đã giúp giảm tỷ lệ bệnh bướu cổ của trẻ em và tăng tỷ lệ i-ốt trong cơ thể người Việt Nam trên mức tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, kết quả khả quan này đã không được duy trì kể từ khi chương trình Quốc gia Phòng chống các Rối loạn do thiếu i-ốt bị rút khỏi chương trình Mục tiêu Quốc gia về Y tế vào năm 2005, việc thúc đẩy và hỗ trợ pháp lý cho muối tăng cường i-ốt và các hoạt động liên quan cũng đã ngừng lại.

Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết trung ương năm 2013- 2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 9,8%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%. Trong một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng mới đây cũng chỉ rõ: chỉ 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt; còn lại người dân sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh… Ngay tại Hà Nội, độ bao phủ của muối i-ốt cũng chỉ còn gần 30%, cho thấy thực trạng sử dụng muối i-ốt trong cộng đồng sụt giảm đến mức đáng lo ngại.

Nguyên nhân của tình trạng trạng trên được nhận định là do tâm lý chủ quan trong cộng đồng khi các loại bệnh liên quan đến thiếu i-ốt tạm lắng.

Để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ mai sau, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, theo đó, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.

Phòng ngừa thiếu hụt i-ốt

Cơ thể con người không tự tổng hợp được i-ốt mà hoàn toàn phải cung cấp từ bên ngoài, chủ yếu từ lương thực, thực phẩm, một phần qua không khí và việc bổ sung i-ốt phải thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ trong một lần, một lúc, một giai đoạn.

Các loại thực phẩm giàu i-ốt


Do lượng i-ốt ngày càng nghèo đi từ các nguồn cung cấp tự nhiên mà nhu cầu lại cần thường xuyên và liên tục, cho nên vấn đề sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có i-ốt (đủ tiêu chuẩn phòng bệnh) là nguồn bổ sung i-ốt cần thiết.

Vì vậy để phòng ngừa các rối loạn do thiếu i-ốt, người dân nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hằng ngày và chú ý bổ sung lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể bằng những loại thực phẩm giàu chất i-ốt như các loại hải sản (tôm, cua, cá, ghẹ…), rong biển, tảo biển, các loại rau xanh đậm (rau dền, rau đay, mồng tơi, rau ngót…), i-ốt cũng hiện diện trong các loại trái cây tươi, trong thịt và trong sữa.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc sử dụng muối i-ốt thường xuyên và lâu dài là biện pháp đơn giản nhưng đặc biệt hiệu quả để phòng chống rối loạn do thiếu i-ốt. Đây là giải pháp an toàn, không gây bất kỳ hậu quả nào cho cá nhân và cộng đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu i-ốt tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.