Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển quốc gia

Lê Hoàng Anh| 10/09/2012 06:21

(HNM) - Nói tới quy hoạch, nhiều người cho rằng đó là những vấn đề mang tính vĩ mô, là chuyện của những nhà lãnh đạo cao cấp, là công việc của các nhà khoa học, hoạch định chính sách… Tuy nhiên, chưa hẳn đã vậy.

Trong thực tế, hiểu một cách đơn giản nhất, quy hoạch là sự sắp xếp các phần việc để đạt được một mục tiêu nào đó; có nghĩa là những dự kiến, dự định, dự trù, phương kế… cho những mục tiêu nhất định. Theo góc độ đó, trong từng khoảng thời gian, giai đoạn, từng cá nhân, từng gia đình đều có những mục tiêu riêng, từng đơn vị, cơ quan có những định hướng để phấn đấu, vươn tới…; và mỗi quốc gia đều có sách lược, chiến lược phát triển. Quy hoạch suy cho cùng chính là kế hoạch để thực hiện chiến lược phát triển.

Nếu vạch ra những kế hoạch xa vời, không sát với thực tế, tức là không có căn cứ, không có tính thực tiễn thì người ta thường cho rằng đó là những định hướng, những mục tiêu viển vông bởi không thể làm được, không thể thực hiện được. Điều đó lại càng nguy hiểm hơn đối với mỗi cơ quan, đơn vị… và cao hơn nữa là đối với mỗi quốc gia. Ở các quốc gia trên thế giới, tổng thống, bộ trưởng, các quan chức cấp cao, khi vận động tranh cử hoặc được giao đảm nhiệm những công việc quan trọng đã đưa ra những lời hứa - nói cách khác là những dự định trong tương lai. Sau một khoảng thời gian, những dự định đó không trở thành hiện thực và họ đã bị bãi miễn chức vụ hoặc được giao công tác khác. Như vậy xét cho cùng cũng là do những kế hoạch, dự định, mục tiêu, chiến lược… của họ không khả thi, không thể trở thành hiện thực. Do đó có thể thấy kế hoạch của mỗi cá nhân, mỗi gia đình…, hay chiến lược, hoạch định của mỗi quốc gia có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành bại của quá trình phát triển. Và tầm nhìn, tính khả thi, hiệu quả chính là các yếu tố làm nên sự thành công của từng kế hoạch, quy hoạch.

Trong mỗi mái ấm gia đình, nếu kế hoạch của từng cá nhân đặt ra gắn kết với kế hoạch của các thành viên khác và phù hợp với điều kiện chung của gia đình thì nhất định sẽ thúc đẩy từng "tế bào của xã hội" phát triển. Với mỗi quốc gia, quy hoạch của từng ngành, địa phương, lĩnh vực, chính là những miếng ghép nằm trong một tổng thể chiến lược. Sự khoa học, tính hợp lý trong xây dựng quy hoạch của từng ngành, địa phương, lĩnh vực quyết định mức độ đồng bộ, hài hòa của tổng thể chiến lược quốc gia và quyết định hiệu quả của quá trình phát triển. Từ đó để thấy, việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch là đặc biệt quan trọng dù đối với từng gia đình, từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương và cao nhất là xây dựng chiến lược quốc gia. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy hiện nay là đội ngũ những người làm công tác quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về năng lực, trình độ, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều đó làm nhiều quy hoạch bung ra theo kiểu "trăm hoa đua nở", manh mún, tự phát, thiếu tính tổng thể, không khai thác được thế mạnh của từng ngành, địa phương, thiếu những nghiên cứu bài bản. Mặt khác, mỗi một quy hoạch đều đòi hỏi nhiều lĩnh vực cùng tham gia để có được tiếng nói chung khi mà mọi khía cạnh tác động tới đời sống xã hội đều có sự tính toán và đề cập. Ví dụ như trong quy hoạch đô thị không chỉ là việc thiết kế, xây dựng các khu dân cư mà còn là hạ tầng đô thị, giao thông đô thị, kinh tế đô thị… rồi môi trường, văn hóa, xã hội… Trong quy hoạch hệ thống chợ không chỉ là việc xây dựng các ki ốt hoặc chia lô cho người kinh doanh, buôn bán mà còn phải xem xét vị trí giao thông, đặc điểm dân cư, tâm lý mua bán… Với từng quy hoạch hiện nay có thể thấy sự phối kết hợp giữa các lĩnh vực, các ngành chức năng trong xây dựng quy hoạch còn rất lỏng lẻo nên xuất hiện tình trạng "mạnh ai nấy làm".

Thật nguy hiểm khi trong một gia đình mà mục tiêu của mỗi thành viên một kiểu không nằm trong một kế hoạch chung. Và điều đó càng nguy hiểm hơn đối với chiến lược phát triển của một quốc gia khi mà quy hoạch của các ngành, địa phương, lĩnh vực không nằm trong một tổng thể chung. Ấy là chưa muốn nói tới tâm lý ganh đua theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", địa phương của "anh" có sân gol, nhà máy xi măng, doanh nghiệp luyện thép…, tỉnh "tôi" cũng phải "xin" phê duyệt từng ấy quy hoạch; huyện "anh" xây chợ đầu mối, có khu - cụm công nghiệp, làng nghề…, huyện "tôi" cũng không thể thua kém. Thế mới có chuyện không biết nên vui hay nên buồn khi theo quy hoạch giai đoạn 2012-2020 chúng ta sẽ có 26 cảng hàng không và 10 sân bay quốc tế. Nếu mục tiêu này thành hiện thực, tính trung bình 5 tỉnh, thành phố sẽ có 4 cảng hàng không và 6 địa phương sẽ có 1 sân bay quốc tế. Khéo khi ấy máy bay chỉ kịp lấy đà cất cánh xong là chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng. Liệu việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào quy hoạch như vậy có là hiệu quả hay lại theo "vết xe" của quy hoạch xây nhà máy xi măng, nhà máy đường, doanh nghiệp luyện thép? Hay như chuyện xây mới các chợ dân sinh, cải tạo, nâng cấp một số chợ hiện có. Hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối xuất hiện nhằm có một bộ mặt mới về văn minh đô thị. Song tiếc rằng hiệu quả không như mong muốn khi nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu, người bán không vào, người mua không tới còn số lượng chợ tạm, chợ "cóc" lại không giảm. Nguyên nhân là do công tác lập quy hoạch, lựa chọn vị trí, địa điểm xây dựng chợ chưa hợp lý; công tác điều tra xác định nhu cầu thị trường chưa chính xác; chưa dự báo được tình hình phát triển khi lập dự án; vị trí quy hoạch chợ chưa thuận lợi đối với nhu cầu mua bán của người dân; đường giao thông khó khăn, hạ tầng không đồng bộ… Đây cũng chính là lý do dẫn đến hoạt động thực tế của người dân không như mong muốn của những người làm công tác quy hoạch.

Tồn tại thực trạng trên còn do công tác quản lý thực hiện quy hoạch có nhiều bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất từ trung ương tới địa phương; việc phân cấp là cần thiết nhưng lực lượng ở cơ sở nhiều khi chưa đủ năng lực để đảm đương công việc… Đặc biệt, còn rất thiếu những nhạc trưởng đóng vai trò kết nối các dự án, các quy hoạch. Bên cạnh đó, như nhận xét của một số chuyên gia nước ngoài, chúng ta còn có một số quy hoạch xây dựng theo "quy trình ngược" - có quy hoạch chi tiết, mảng miếng rồi mới làm quy hoạch tổng thể. Trên đây chính là những nguyên nhân dẫn tới việc chồng chéo quy hoạch, dàn trải đầu tư, quy hoạch nhiều nhưng chất lượng thấp, các quy hoạch không đồng bộ trong một tổng thể, tính dự báo và tính định hướng phát triển kinh tế - xã hội còn chưa thể hiện rõ, thiếu tầm nhìn, hiệu quả dẫn đến một số quy hoạch bị phá vỡ, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh sau một thời gian ngắn thực hiện…

Hiện nay, nhiều ngành, địa phương, lĩnh vực đang tập trung lập những quy hoạch, hoạch định phát triển tới năm 2020, thậm chí là tầm nhìn năm 2030, 2050. Như đã nêu, kế hoạch có một vai trò đặc biệt đối với mỗi cá nhân, gia đình; tương tự như vậy tầm nhìn, tính khả thi, hiệu quả của từng quy hoạch có ý nghĩa quyết định đối với chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Vậy nên việc xây dựng quy hoạch cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức kể cả về mặt nguồn lực cũng như nhân lực. Xây dựng được những quy hoạch tốt sẽ góp phần hạn chế sự lãng phí to lớn về của cải vật chất cũng như những xáo trộn không đáng có trong xã hội đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển đất nước cũng như của từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.