Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thuốc thử” cần thiết đối với từng cán bộ

Lê Hoàng Anh| 14/01/2013 06:42

(HNM) - Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Như vậy, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên trong cả nước chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành kế hoạch về thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt.

1. Trước hết có thể thấy tinh thần nghiêm túc của lãnh đạo thành phố trong thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng bộ thành phố Hà Nội phải luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) để các đảng bộ khác học tập và làm theo. Mặt khác, sự gương mẫu ở đây còn thể hiện ở chỗ việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện từ những cương vị lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố để làm gương cho cấp dưới và cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Hà Nội cũng cho thấy sự nhất quán của lãnh đạo thành phố trong "lời nói" và "hành động" trước dư luận và nhân dân Thủ đô khi kế hoạch về công tác này vừa được ban hành cuối tháng 12-2012 và đặt ra mục tiêu thực hiện trong quý I-2013.

2. Thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), phương châm của Hà Nội là chọn việc trọng tâm, trọng điểm, việc liên quan trực tiếp đến đời sống người dân… đưa ra giải pháp cụ thể và giải quyết dứt điểm. Có như vậy thì hiệu quả của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này mới có thể lan tỏa nhanh chóng trong đời sống xã hội, tạo nên những bước chuyển rõ nét. Và vấn đề được lựa chọn ở đây là việc lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào chức danh chủ chốt, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của thành phố và một số sở, ngành quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đó là một bước đột phá đúng và trúng những hạn chế, thậm chí có thể nói là yếu kém hiện nay. Do đó, theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, phải xác định đây là việc làm mới, khó nhưng nếu tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất quan trọng.

3. Lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là một việc không mới, đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Đây chính là sự "nối dài" của quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên định kỳ hằng năm, hoặc vào cuối mỗi nhiệm kỳ 5 năm mà các tổ chức cơ sở Đảng vẫn làm. Tuy nhiên, có thể thấy việc thực hiện công việc đó còn nhiều bất cập; nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên còn mắc bệnh hình thức; tiêu chí đánh giá chưa cụ thể; chưa có tiêu chí riêng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý… Từ đó để thấy, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần này của Hà Nội có nhiều nét tươi mới. Những vấn đề đưa ra để đánh giá rất cụ thể, trong đó tập trung vào hai tiêu chí cơ bản có tác dụng qua lại, tạo nên uy tín của người cán bộ. Đó là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cá nhân cán bộ. Cùng với đó, hình thức bỏ phiếu kín sẽ giúp cho phương thức đánh giá cán bộ bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan.

4. Thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm không phải không có những suy nghĩ băn khoăn. Cụ thể là nếu làm không chặt chẽ thì cũng có thể bị lợi dụng, lồng ghép động cơ cá nhân, làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ… Bên cạnh những mặt tích cực, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể làm ảnh hưởng tới sự nhiệt tình, hăng hái của những cán bộ dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong các công việc. Tuy nhiên, có thể thấy những khía cạnh trên đã được xem xét thấu đáo và kỹ lưỡng. Để đánh giá một cách chính xác và đầy đủ nhất đối với một con người thì cần có sự tổng hợp, phân tích và xem xét từ nhiều khía cạnh, nhiều nguồn. Cũng về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Muốn xem xét, đánh giá cán bộ được đúng đắn, chẳng những phải xem xét cách công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ… Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác như thế nào, phải biết ưu điểm của họ mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem xét công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay".

5. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là kênh thông tin quan trọng để đánh giá chính xác cán bộ. Kết quả đó cũng chính là cơ hội giúp cho những đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố nhìn nhận mình, hiểu rõ hơn về uy tín, trách nhiệm của bản thân đối với công việc, với tập thể nơi mình phụ trách. Với mỗi cá nhân, đặc biệt là với các cán bộ lãnh đạo - kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm là một thực tế cần đối diện, qua đó có thể hiểu vai trò, vị trí, tầm ảnh hưởng của bản thân cũng như sự đánh giá của tập thể đối với cá nhân. Các cụ ngày xưa thường dạy "nhân vô thập toàn", mỗi người đều có những mặt mạnh mặt yếu, nhưng quan trọng là bản thân nhìn nhận được đâu là lợi thế để phát huy, đâu là tồn tại để khắc phục, từ đó có những sự điều chỉnh cần thiết và kịp thời. Ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt, việc nhìn nhận những "gạch đầu dòng" nêu trên càng có ý nghĩa khi sự chỉ đạo, điều hành hàng ngày có tầm ảnh hưởng và tác động lớn tới đời sống xã hội.

6. Theo Kế hoạch số 78-KH/TU ngày 27-12-2012 của Thành ủy Hà Nội, tiếp theo việc lấy phiếu tín nhiệm 20 cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của thành phố sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo của 7 sở, ngành gồm: Nội vụ, Kế hoạch - Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm Hà Nội sẽ mở rộng việc lấy phiếu tín nhiệm đến cấp quận, huyện và các đảng bộ trực thuộc. Từ năm sau, đây sẽ là công việc thực hiện thường xuyên. Điều đó cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Điều đó giúp cho đội ngũ cán bộ từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo chủ chốt của thành phố cho tới cơ sở luôn phải tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu. Thật đáng mừng ngay sau khi kết thúc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của thành phố, một số đơn vị mà điển hình là Công an TP Hà Nội đã khẩn trương đăng ký việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Điều đó thể hiện sự lan tỏa của một chủ trương đúng đắn cũng như thể hiện mối quan tâm của xã hội đối với vấn đề này.

7. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém". Tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ tư (khóa XI) vừa qua, Đảng ta đã chỉ ra những thành tựu và yếu kém trong công tác cán bộ, trong đó nguyên nhân căn bản của tình trạng yếu kém là việc đánh giá cán bộ chưa chính xác. Đây cũng chính là lý do thời gian qua Hà Nội xác định công tác cán bộ là khâu đột phá. Một thực tế phải thừa nhận là tới hàng chục phần trăm cán bộ phải "cầm tay chỉ việc", không biết mình phải làm việc gì, bắt đầu từ đâu… Điều lạ là ai cũng biết nhưng không ai nói ra. Thái độ e dè nể nang, ngại động chạm, cách sống "dĩ hòa vi quý", nếp nghĩ "đóng cửa bảo nhau" vẫn phổ biến, dẫn đến công việc trì trệ, hiệu quả thấp, cán bộ yếu kém vẫn "bình chân như vại" còn quần chúng nhân dân thì dần mất niềm tin vào các cơ quan công quyền. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chắc chắn sẽ là một giải pháp có trọng lượng để giải quyết thực trạng trên.

*

*           *

Theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, trong các nguồn lực phát triển của mỗi quốc gia (bao gồm điều kiện tự nhiên, tài nguyên, tài chính và nhân lực) thì nguồn lực con người là quan trọng nhất. Nhận rõ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng và đang là "điểm nghẽn" cho sự phát triển, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nêu: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Và trong bốn loại nhân lực chất lượng cao thì xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là yếu tố quyết định chất lượng các nguồn nhân lực khác. Việc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Hà Nội là cách làm đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thuốc thử” cần thiết đối với từng cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.