Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm - một điểm trừ

Lê Huy Anh| 21/01/2013 06:11

(HNM) - Tuần vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại họp bàn về quản lý lễ hội. Giới truyền thông cũng đưa tin, từ hôm qua 20-1-2013, Thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chính thức có hiệu lực… Đó chỉ là hai trong số nhiều sự kiện, vấn đề đáng chú ý được bàn thảo nhiều vào đầu năm mới.

Vấn đề quản lý lễ hội năm nào cũng được đưa ra bàn, thường vào dịp đầu năm dương lịch, trước mùa xuân hội hằng năm. Thông tư 30, về cơ bản là bổ sung quy định nhằm điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân liên quan đến một lĩnh vực kinh doanh gây bức xúc từ lâu, không phải chuyện mới, cũng không phải văn bản duy nhất về lĩnh vực này. Cả hai vấn đề nói trên, quản lý lễ hội và quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, năm nào cũng được nhắc đến, điểm tốt cũng có, nhưng so với "tồn tại" thì không thấm vào đâu. Số vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố vẫn gây lo ngại và công tác tổ chức, quản lý lễ hội vẫn để lọt nhiều hành vi gây phản cảm.

Hết một năm công tác, nhiều ngành làm tổng kết, hội thảo, hội nghị, âu cũng là lẽ thường, có nhiều cuộc đúng là cần thiết. Điều gây ngạc nhiên là ở nhiều lĩnh vực, không chỉ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch hay y tế, có những mảng miếng, vấn đề yếu kém, hạn chế tồn đọng qua nhiều năm, kỳ cuộc tổng kết, hội nghị, hội thảo nào cũng nhắc đi nhắc lại những mặt yếu kém ấy. Chuyện "một xô nước rửa hàng trăm cái bát" chẳng phải gần đây mới có. Những gánh hàng ăn ngay bên cống rãnh đã là "chuyện thường ngày". Cầu, đường mới xây xong đã lún, nứt không phải chuyện hiếm gặp. Thương mại hóa lễ hội là điều được cảnh báo từ lâu. Hình ảnh điểm đến không được chăm chút kỹ lưỡng, việc khách du lịch nước ngoài đến một lần không muốn trở lại đã được "đặt lên bàn" nhiều năm qua. Vấn nạn giao thông giờ là chuyện "chán chẳng buồn nói"…

Quản lý xã hội, quản lý ngành đúng là chuyện lớn. Người giữ trọng trách quản lý giỏi hay không giỏi thường có liên quan trực tiếp đến chất lượng công tác ngành, thông qua việc ra chỉ thị, ban hành quy định, đề ra đường hướng phát triển và tổ chức thực hiện mục tiêu, phương hướng đã định. Người giỏi những việc ấy cần có nhiều phẩm chất, trong đó có tầm nhìn xa, trông rộng, như người ta nói gọn là "phải có tầm". Ngoài những phẩm chất cần có, lại phải trông nhờ vào hệ thống văn bản pháp quy được ban hành bởi cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Luật không nghiêm, không đủ sức bao quát thì người tài, đức cũng có lúc phải bó tay, thậm chí có khi sa vòng lao lý.

Nhưng, những tồn dư dai dẳng kiểu như đã nói ở trên có thật liên quan quá nhiều đến tầm nhìn, cái tầm của nhà quản lý hay hệ thống luật dù hệ thống ấy còn cần bổ khuyết nhiều điều cho phù hợp thực tế cuộc sống đang vận động không ngừng? Chưa hẳn là như vậy.

Tầm nhìn, dù hiểu cách nào cũng được xem là điều cần có của người lãnh đạo. Lãnh đạo cấp càng cao thì càng phải có tầm nhìn xa, trông rộng. Tuy thế, khi đã xác định được tầm nhìn chiến lược đúng rồi thì thành công chưa chắc đã có, bởi, như phân tích của giới nghiên cứu, tầm nhìn khả thi cần có lộ trình, giải pháp triển khai khả thi, bao hàm cả sự điều chỉnh chi tiết, thành công phụ thuộc vào chất lượng triển khai thực hiện - thường đòi hỏi thời gian.

Về xây dựng hệ thống pháp luật cũng vậy. Việt Nam đang trong quá trình hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống luật, đã có bước tiến dài về mặt này trong thời gian gần đây. Năm 2012, Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ này và dự kiến riêng trong năm 2013, theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bao gồm 56 dự án luật và 3 dự án pháp lệnh. Đó là số nhiều. Nhưng, luật đúng, có tính bao quát, phù hợp với sự vận động nhưng hiệu quả phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm thực hiện luật có nghiêm túc hay không. Ở ta, trước nay vẫn thường có chuyện “lách” luật, cơ quan thanh tra hiếm có nơi nào tự nhận là “lực lượng đủ”: cho yêu cầu, nhiệm vụ giám sát. Trong thực tế, sự yếu kém đáng kể nhất thuộc về ý thức, trách nhiệm thực thi luật pháp. Rất nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành, dù chưa thực sự kín kẽ nhưng vẫn đủ sức tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi đối với số đông. Với Thông tư 30 của ngành y tế, như đã dẫn ở trên, ý nghĩa quan trọng nhất là bổ sung quy định cho phù hợp thực tế chứ không có ý nghĩa tạo nền tảng pháp lý ban đầu cho việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, bởi trước đó đã có nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực này. Những hội thảo, hội nghị bàn giải pháp chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội cũng vậy, ý nghĩa quan trọng nhất là xem lại việc thực hiện quy định, mục tiêu năm qua ở mức nào; có yếu kém thì xác định trách nhiệm thuộc về ai, bộ phận nào chứ không cần tốn quá nhiều thời gian tìm giải pháp, bởi đơn giản là giải pháp cơ bản đã có rồi, chỉ là do không thực hiện đến nơi đến chốn nên mới xảy ra việc không hay. Nó cũng như việc loay hoay tìm tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bàn tính mãi chưa chắc đã ra được điều hay hơn sự đúc kết của một nhà giáo rằng "Người Hà Nội phải biết sợ, biết nể, biết nhịn, biết ngượng". Thử hỏi, người có đủ "bốn điều người Hà Nội cần có" ấy có thường ứng xử thiếu văn minh hay không?

Một khi định hướng đúng đã có, hệ thống luật pháp cần có về cơ bản đã hình thành, giải pháp không thiếu mà hiệu quả công tác quản lý vẫn còn có sự bất cập, tất nhiên phải đặt dấu hỏi đối với các bộ phận chịu trách nhiệm triển khai thực hiện giải pháp, giám sát việc thực hiện luật pháp. Đã có nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý việc tổ chức lễ hội còn hạn chế, một phần là do thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh, lực lượng thanh tra mỏng… Nói vậy có một phần đúng, nhưng chưa đủ. Về cơ bản, cần phải khẳng định nguyên nhân chính nằm ở trách nhiệm của các lực lượng tham gia tổ chức lễ hội, giám sát việc thực hiện các quy định chung chưa có được ở mức cần thiết. Nạn chặt chém, bói toán, cờ bạc núp bóng trò chơi có thưởng thường thấy, có thể thấy rõ ở nhiều lễ hội mà không bị xử lý, hoặc xử lý nửa vời nên mới tái diễn năm này qua năm khác. Hàng quán bốc mùi, thực phẩm bẩn tràn lan, hàng giả, hàng nhái như thể sờ đâu cũng thấy, công trình kém chất lượng thi thoảng lại bị "bêu danh"… Những chuyện đó vẫn có, thậm chí là có nhiều, nguyên nhân đâu phải là Nhà nước có quan điểm dung túng, đâu phải luật pháp cho phép hành vi sai trái, đâu phải các ngành không có giải pháp, mà chủ yếu là do cơ quan quản lý nhiều cấp không làm hết trách nhiệm được giao, các giải pháp đã có không được triển khai đồng bộ mà thôi.

Năm mới Quý Tỵ đã gần kề, năm dương lịch 2013 đã gần qua tháng đầu tiên, đang là lúc các ngành, địa phương đánh giá chất lượng công tác năm cũ, đề ra định hướng mục tiêu, nhiệm vụ cho năm công tác mới. Với những gì đã diễn ra, thẳng thắn mà nói là còn nhiều điều chưa tốt như mong muốn, vấn đề là phải đổi mới công tác triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nói chung. Việc họp hành, đề ra quy định mới là cần thiết, nhưng điều cần hơn là đánh giá nghiêm túc hiệu quả công tác của các cá nhân, bộ phận liên quan đến trách nhiệm triển khai thực hiện những phần việc cụ thể, từ đó có biện pháp thưởng, phạt nghiêm minh. Nhiều giải pháp hay đã có, nhưng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương, chỉ khâu nào đó lỏng lẻo là cả quy trình đổ bể. Việc đánh giá đúng trách nhiệm ở từng khâu không chỉ giúp tránh hiện tượng "cào bằng thành tích", khen - chê đúng người đúng việc, thực hiện công bằng, mà còn có ý nghĩa phổ biến cái đúng, cái tốt trên diện rộng.

Dịp này sang năm, mong hội nghị tổng kết các ngành, địa phương chỉ ra cụ thể sự hay sự dở, trả lời được câu hỏi "vì sao đúng", "vì sao sai", tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự đúng - sai, hay - dở đó. Chứ nếu cứ loay hoay đánh giá chung chung, nhận xét chung chung, phân trách nhiệm chung chung thì rất khó triển khai thực hiện định hướng một cách đúng đắn, rất khó đạt được hiệu quả cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm - một điểm trừ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.