Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp năm mới: Nhiều việc lớn phải làm!

Nguyễn Hoài Bắc| 18/02/2013 05:38

(HNM) - Chiều cuối năm Nhâm Thìn, khi người người, nhà nhà đều tất bật chuẩn bị đưa tiễn năm cũ, đón chào năm mới, gác lại những lo toan bận rộn của một năm đầy khó khăn vất vả để hướng tới năm mới Quý Tỵ, một thông điệp mới được người đứng đầu Nhà nước phát đi trên sóng truyền hình và phát thanh quốc gia: Năm mới, phải tận dụng mọi điều kiện, cơ hội, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, khắc phục mọi yếu kém, khuyết điểm để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước!

Vấn đề được đặt ra năm 2013 với Đảng, Nhà nước và toàn dân ta lúc này là phải làm nhiều việc lớn, bởi năm nay được coi là năm định hướng và xây dựng nền tảng phát triển kinh tế cho 5-10 năm kế tiếp:

1. Việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992 có thể nói là quan trọng nhất. Hiến pháp sửa đổi lần này buộc các cơ quan soạn thảo và tham mưu cho Nhà nước phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất có thể và được cộng đồng xã hội Việt Nam không chỉ trong nước mà phải cả kiều bào tham gia góp ý. Hiến pháp là bộ khung của nền tảng pháp luật quốc gia, từ hiến pháp chúng ta mới triển khai được các đạo luật chi phối hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh quốc phòng… Để hiến pháp đáp ứng được đòi hỏi phát triển trong giai đoạn mới, yêu cầu của nhân dân, đất nước và phù hợp với sự tiến bộ của thế giới hiện tại và tương lai, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống của nhân dân Việt Nam, hoàn toàn không đơn giản. Muốn đạt được kết quả như mong muốn cần phải có thời gian và cân nhắc cẩn trọng về nội dung, câu từ và văn phong. Chúng ta tuyệt đối không cho phép một hiến pháp mang tính tương đối, tính dự án và chạy đua với thời gian chỉ để kịp… tiến độ. Có như vậy thì khi hiến pháp mới ra đời mới bảo đảm tính xuyên suốt theo chiều dài lịch sử rất nhiều năm sau.

2. Tiếp tục triển khai quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam bao gồm các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Nhìn vào góc độ tái cấu trúc lại hệ thống tài chính ngân hàng mới đầu thì dễ và có vẻ không khó với các nước phát triển và đang phát triển. Nhưng với Việt Nam là một việc làm không dễ mặc dù số lượng các ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối không nhiều, ngoài ra còn có hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Số lượng các ngân hàng đã và đang tham gia hoạt động tại thị trường Việt Nam vào khoảng 60 nhưng tại sao lại khó khăn trong việc tái cấu trúc lại? Bởi vì, Luật Ngân hàng và tín dụng của Việt Nam hiện đang thiếu minh bạch, có nhiều kẽ hở do khách quan và chủ quan gây nên. Khách quan mà nói, hai chữ "ngân hàng" mới được biết đến và phổ cập trong cuộc sống người dân thành thị và nông thôn những năm gần đây. Người Việt Nam mua bán trao đổi chủ yếu bằng tiền mặt và các trường chuyên dạy về quản lý ngân hàng còn rất ít, tài liệu, sách vở giảng dạy thì đơn điệu theo tư duy cũ, dẫn đến những người biên soạn ra Luật Ngân hàng cũng chưa thấu đáo và chưa có tầm nhìn xa về lĩnh vực này. Về chủ quan, chúng ta thừa nhận rằng trong 20 năm qua Nhà nước đã cho phép các cá nhân, các tổ chức đứng ra thành lập ngân hàng cổ phần thương mại mà các ông chủ của các ngân hàng này là những người… có tiền và nhiều tiền hơn nhiều người khác chứ chưa hẳn là những nhà quản lý ngân hàng chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chuyên môn sâu. Không những vậy, họ còn có nhiều mối quan hệ đan chéo nhau trong các cơ quan công quyền dễ dàng làm chính sách có lợi cho họ và những nhóm người tham gia. Hậu quả đã trả lời: Sau 4 năm kinh tế suy thoái và khủng hoảng sâu rộng, nhiều ngân hàng cổ phần thương mại ngập chìm trong nợ xấu, mất khả năng thanh khoản, kéo theo cả nền kinh tế bị nguy hại.

Vì vậy tái cấu trúc lại hệ thống tài chính ngân hàng phải cương quyết và triệt để với phương châm: Đóng cửa, quốc hữu hóa, cho phá sản các ngân hàng yếu kém.

3. Thị trường chứng khoán - một kênh đầu tư hữu hiệu trên thế giới ngày nay, cũng đang đưa đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư nói chung. Riêng với Việt Nam, thị trường này còn rất mới nhưng đại đa số người dân đều biết, "hiểu" và tham gia với câu cửa miệng "lướt sóng" kiếm tiền dễ hơn mơ và cuối cùng thì hầu hết đều sập bẫy của chứng khoán. Thực tế chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có quá nhiều khoảng tối, các công ty niêm yết phần nhiều không phải là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất nhưng đã lợi dụng được kẽ hở của luật pháp để lên sàn và sử dụng các chiêu trò PR sai sự thật dẫn đến nhà đầu tư không có kinh nghiệm và thiếu hiểu biết chơi theo phong trào và ham lời nhanh, bị thua lỗ trầm trọng. Thị trường mất niềm tin, người chơi (nhà đầu tư) mất niềm tin. Cần xác định rằng thị trường chứng khoán là kênh thu hút đầu tư và tái đầu tư cực kỳ quan trọng. Nhà nước và cơ quan quản lý lĩnh vực này phải triệt để loại bỏ các công ty niêm yết không đủ khả năng, thiếu minh bạch thông tin, ra khỏi sàn giao dịch.

4. Doanh nghiệp tư nhân - hầu như là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đôi khi cũng có vài ba doanh nghiệp lớn kinh doanh chủ yếu trên nguồn vốn của họ. Họ được xác định là một lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế quốc gia. Những doanh nghiệp này tạo được công ăn việc làm cho xã hội, góp phần quan trọng để bảo vệ an sinh xã hội, giữ thế cân bằng trong mỗi gia đình. Muốn doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, điều tiên quyết là luật pháp phải thông thoáng trong việc thành lập và giải thể. Các doanh nghiệp này phải tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác đơn giản và thuận tiện. Nếu cơ chế chính sách của Nhà nước ban hành "trên thông, dưới thoáng" chắc chắn rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ phát triển tốt.

5. Cải tổ doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận và bàn đi bàn lại nhiều lần từ cấp trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này không có cụm từ Doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo cho nền kinh tế - đây đã là một bước đột phá về tư duy của Nhà nước hay chưa? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn đó hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch đề ra vẫn còn hàng chục tập đoàn do Nhà nước quản lý và chi phối. Xét về tổng thể, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước hiện có khoảng 70% làm ăn thua lỗ, còn 30% làm ăn có lãi nằm trong danh mục khai thác tài nguyên khoáng sản xuất khẩu. Nên chăng triệt để cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thu hồi tiền vốn từ các doanh nghiệp này để tái cấu trúc nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng xã hội. Theo thiển ý của người viết bài này, chỉ nên thành lập và giữ một số tập đoàn do Nhà nước quản lý, đó là:

- Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng: Thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về an ninh quốc gia, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự, khí tài và tiếp nhận chuyển giao vũ khí bảo vệ Tổ quốc;

- Tập đoàn đầu tư kinh doanh hải ngoại: Thực hiện nhiệm vụ đầu tư, kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm cân đối nguồn tài nguyên khoáng sản trong nội địa và thế giới, thu lợi nhuận từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để bù đắp cho thiếu hụt tài nguyên và ngoại hối;

- Tập đoàn vận tải công cộng: Nhằm thực hiện nhiệm vụ phục vụ công ích xã hội, không mang tính kinh doanh, để mọi người dân đều có thể thụ hưởng các lợi ích của phương tiện vận chuyển công cộng như xe khách, tàu hỏa, tàu thủy… không phân biệt đối tượng được ưu tiên. Như vậy, sẽ dẫn đến nhu cầu mua sắm phương tiện cá nhân giảm thiểu, giảm ùn tắc giao thông, giảm nhu cầu về sử dụng năng lượng không tái tạo, bảo vệ môi trường xanh sạch.

- Tập đoàn dầu khí quốc gia (đã có): Khai thác kinh doanh có lộ trình nhằm bảo đảm năng lượng cho quốc gia hàng trăm năm sau.

- Tập đoàn phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao: Thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia và xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và toàn cầu; nâng chất lượng cuộc sống của hơn 70% dân số Việt Nam đang phụ thuộc vào nông nghiệp nông thôn…

Từ những phân tích và nhận định trên, chúng ta sẽ nhìn thấy một Việt Nam thực sự giải phóng tư duy để tiếp cận với mặt bằng kinh tế, chính trị toàn cầu đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Mỗi học thuyết kinh tế sinh ra và tồn tại trên các quốc gia và vùng lãnh thổ qua thời gian trải nghiệm và áp dụng vào thực tế cuộc sống đều có những mặt tích cực và tiêu cực. Nếu không thay đổi, đào thải cái lạc hậu, cực đoan để tiếp cận với cái hay, cái mới, cái tiến bộ của nhân loại thì chúng ta sẽ tụt hậu, cuộc sống của người dân vẫn nghèo và sức mạnh quốc gia dân tộc cũng sẽ yếu đi. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, đã được thử lửa qua lịch sử cách mạng của dân tộc, lãnh đạo toàn diện về chính trị, kinh tế, ngoại giao và an ninh quốc phòng…, nay càng triệt để ý thức trách nhiệm cao cả của mình để lãnh đạo toàn diện đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao, để đưa đất nước trở thành quốc gia tốp đầu của khu vực và thế giới.

Muốn đạt được thành quả này, điều tiên quyết chúng ta phải thực sự đi lên bằng nội lực của chính mình, giải phóng tư duy, tái cấu trúc lại nền kinh tế toàn diện, kết hợp với mở rộng ngoại giao kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài và tìm được sự đồng thuận từ các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam và thế giới. Việt Nam sẽ thành công trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là niềm tin không thể thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp năm mới: Nhiều việc lớn phải làm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.