Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trí thức và vấn đề quốc gia hưng thịnh

Cù Xuân Trường| 25/02/2013 05:43

(HNM) - Trên tấm bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442 có khắc dòng chữ: "... Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...".

Theo triết học duy vật cổ phương Đông, "nguyên khí" là vật chất nguyên sơ cấu thành vạn vật. Ở góc độ lịch sử, xã hội, nguyên khí là sức sống của mỗi quốc gia. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" có thể hiểu: Hiền tài là nhân tố đầu tiên và cơ bản để quốc gia tồn tại, phát triển. Nhà bác học Lê Quý Đôn nhận định: "Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng". Đất nước muốn hưng vượng phải nhờ vào trí thức.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí thức. Người xưa quan niệm trí thức là đấng hiền tài, học nhiều, hiểu rộng. Theo Đại từ điển tiếng Việt, trí thức là người chuyên làm việc, lao động trí óc. GS Cao Huy Thuần (Đại học Picardie - Pháp) định nghĩa: "Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người ấy là trí thức bất kỳ họ là ai". Còn triết gia lừng danh người Pháp J.P.Sartre nói: "Nếu ai đó chế tạo ra quả bom nguyên tử, thì người đó là bác học, chỉ khi nào ông bác học ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm ấy, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ta là trí thức"… Nói tóm lại, trí thức là tầng lớp tinh hoa của xã hội, là những người sáng tạo ra những giá trị tinh thần và vật chất của xã hội.

Xem xét "lẽ hưng phế" của nhiều triều đại, có thể nhận thấy một "mẫu số" chung: Nếu vương triều nào biết trân trọng hiền tài, quốc gia sẽ hưng thịnh, nếu coi trọng bạo quyền, đất nước sẽ hỗn loạn, phân ly. Nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn Nguyễn Trãi đã từng viết "Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có", nước Việt ta từ xa xưa đến nay không thiếu nhân tài. Vấn đề chỉ là cách trọng dụng nhân tài ở từng thời kỳ có khác nhau mà thôi. Khi hiền tài được trọng dụng, hiền tài sẽ có, trí thức sẽ nhiều. Hơn nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm, xây nền tự chủ, dựng cơ đồ, các bậc tiền nhân đã để lại nhiều bài học lớn về việc sử dụng nhân tài. Chuyện vua Trần trọng dụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân, xả thân vì nghiệp lớn; chuyện nhà giáo Chu Văn An dâng "Thất trảm sớ", rồi treo ấn từ quan… đều gắn với lẽ hưng vong và được truyền tụng đến muôn đời sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn sâu rộng và sáng suốt đã cảm hóa, thuyết phục được nhiều nhân sĩ, trí thức lớn như: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Hữu Thọ… từ bỏ cuộc sống nhung lụa, bất chấp hiểm nguy, lên chiến khu, vào bưng biền hòa mình vào cuộc kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước và gây dựng nền tảng mới cho nền khoa học nước nhà. Khi thành lập Chính phủ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Công thư đăng báo "Tìm người tài đức", bởi Bác sợ rằng "không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những người tài đực không thể xuất thân". Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyển chọn và sử dụng người tài dựa vào thành ý và minh tâm để "nguyên khí" quốc gia thật sự hưng thịnh.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại khoa học công nghệ, nhiều năm qua, đặc biệt là sau "đổi mới", đội ngũ trí thức Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể về số lượng, trong đó nhân lực khoa học công nghệ khoảng 60.500 người với 5.293 tiến sĩ, 11.081 thạc sĩ… có nhiều người nổi tiếng trong nước và thế giới. Thế nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng nền học vấn của quốc gia vẫn đang ở một mặt bằng chưa cao so với thế giới, chất lượng đào tạo trong các hệ thống nhà trường, kể cả trường đại học còn nhiều hạn chế về nội dung kiến thức, phương pháp tư duy. Trong khi việc nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển theo xu hướng liên ngành, đòi hỏi tính tổng hợp, thì Việt Nam đào tạo vẫn theo chuyên ngành, thậm chí chuyên ngành hẹp… Do vậy, trình độ khoa học - công nghệ của nước nhà chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đất nước vươn ra "biển lớn" trong xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển rực rỡ của nền kinh tế tri thức. Về đội ngũ trí thức Việt Nam, GS.TS Phạm Đức Dương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á nhận định: Năng lực của lớp người lớn tuổi phần lớn đã bị vượt qua, còn lớp người ít tuổi hơn, có tâm huyết lại thiếu điều kiện để được đào tạo. Hiện nay do cách đào tạo "đại trà" của ta, nhất là lớp người có trình độ sau đại học, số lượng thì nhiều nhưng năng lực làm việc chưa tương xứng với học hàm, học vị mà họ đã có…

Đội ngũ trí thức của nước ta nhiều nhưng chưa mạnh. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao, các sản phẩm khoa học - công nghệ nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường. Đó là một thực tế và thực tế ấy có nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân do cơ chế như việc giao, nghiệm thu, đánh giá đề tài khoa học còn nhiều bất cập; việc đầu tư cho khoa học còn chưa thỏa đáng, hay việc nhập khẩu ồ ạt công nghệ, máy móc của nước ngoài… Nhưng cũng có nguyên nhân từ chính đội ngũ trí thức như thiếu tư duy về thị trường, hay việc không ít sản phẩm không chứa đựng hàm lượng "chất xám" gắn nhãn đề tài khoa học để "tiêu tiền chùa"… Và một thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua là có rất nhiều công trình khoa học "sinh ra" chỉ để "cho vào ngăn kéo", không thể hoặc giả rất khó ứng dụng trong thực tế. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu doanh nghiệp phải mua công nghệ với giá cao, chất lượng không đạt yêu cầu thì không thể buộc họ "chung lưng đấu cật" với các nhà khoa học. Và như vậy, thị trường khoa học công nghệ vẫn là câu chuyện xa vời.

Một vấn đề khác, cơ chế hiện nay bó buộc, bất cập, chưa huy động được nguồn "chất xám" của các nhà khoa học, nhưng công bằng mà nói, có rất nhiều người trong đội ngũ trí thức chưa dồn hết tâm sức cho sự hưng thịnh của đất nước. Nhiều nhà khoa học thường kêu ca, phàn nàn về cơ chế nhưng lại không "xắn tay" cùng Nhà nước tháo gỡ vướng mắc của cơ chế hoặc làm những việc thật sự thiết thực cho nền khoa học nước nhà. Có nhà khoa học cho rằng, với cơ chế hiện nay, họ chỉ phát huy được 20-25% khả năng… Thế nhưng tại sao họ không làm nhiều hơn thế? Cơ chế chính sách không thể quyết định được ý thức của con người, vấn đề cốt lõi là bản lĩnh của nhà khoa học và ý thức của họ. Cổ nhân từng nói: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Có nghĩa là ngay cả những người bình thường cũng phải chịu trách nhiệm trước sự hưng vong của đất nước. Các nhà trí thức thì lại càng cần thể hiện rõ trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước.

Một chiếc iPhone 5 chỉ nặng có 112 gram, có giá bán bằng 3 tấn gạo. Người ta có thể cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng, nhưng không thể không so sánh. Trong cuộc cạnh tranh giữa mồ hôi cơ bắp và tri thức, chúng ta càng xuất khẩu nhiều gạo, càng cạn kiệt ruộng đồng. Người Việt cần cơm ăn và có thể không cần những chiếc iPhone 5 nhưng nếu không sản xuất được những chiếc iPhone hay những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao như vậy cũng có nghĩa là Việt Nam đang thua kém so với thời đại. Xuất khẩu nhiều tài nguyên sẽ làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước trong tương lai và cũng có nghĩa là chúng ta đang có lỗi với các thế hệ tiếp nối. Hiện nay, kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa đã và đang đưa nhân loại vào thời đại phát triển mới. Việt Nam không thể đứng ngoài "sân chơi" của thế giới, do vậy, "chấn hưng nguyên khí" là nhiệm vụ cấp bách của cả dân tộc mà giới trí thức có trách nhiệm nặng nề và quan trọng nhất.

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", nhận thức rõ vai trò của hiền tài trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định: "Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc". Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng đề án đến năm 2020 sẽ đào tạo và thu hút được 130 nhà khoa học hàng đầu ở mọi lĩnh vực, 20 tổng công trình sư, 10.000 kỹ sư được đào tạo đạt chuẩn quốc tế… Đảng và Nhà nước đã có định hướng rõ ràng, đã cởi bỏ những trói buộc của cơ chế nhưng vận dụng chính sách thế nào, thực hiện ra sao để phát huy được tiềm lực trí tuệ của cả dân tộc vẫn là bài toán khó. Không ai hết, chính đội ngũ trí thức phải giải bài toán này bằng quyết tâm và sự đồng thuận.

Nguyên nhân của mọi thất bại, của mọi sự yếu kém là do con người không đủ năng lực đảm đương, không đủ tầm bao quát, không đủ tâm trong sáng. Nếu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc để lựa chọn, sử dụng tài năng, đưa ra những chính sách khơi nguồn hiền tài, dung dưỡng nguyên khí, quốc gia sẽ hưng thịnh, đội ngũ trí thức sẽ lớn mạnh không ngừng cùng những thành quả của tri thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trí thức và vấn đề quốc gia hưng thịnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.