Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩ về chuyện “cấm - quản”

Lê Huy Anh| 11/03/2013 05:46

1. Tuần qua, báo chí ồn ào về chuyện xử lý mũ bảo hiểm rởm, rồi chuyện này lan rộng ra dân chúng. Buổi sáng chủ nhật, nghe được câu chuyện của hai khách trung niên trong quán cà phê gần khu vực phố cổ Hà Nội về chuyện phạt hay không phạt người đội mũ bảo hiểm rởm. Một người nói, khá hùng hồn: "Không đội mũ rởm là đúng rồi, nhưng tại sao lại nghĩ chuyện phạt người sử dụng? Dân mua mũ, đâu phải ai cũng phân biệt được mũ nhái với mũ thật, lỗi đâu phải hoàn toàn ở họ!".



Người ngồi đối diện góp câu hỏi: "Nói thật, ở đây có chuyện không ổn về mặt quản lý. Quy định đội mũ bảo hiểm đã có bao năm nay, cũng chừng ấy năm có chuyện mũ rởm, mũ nhái được bày bán ngang nhiên. Mấy ông có trách nhiệm quản lý thị trường, tiêu diệt hàng lậu làm gì mà để ra nông nỗi ấy?". Hai ông khách to tiếng "việc thiên hạ", người bàn bên xúm vào. Một vị giở tờ báo trên tay, như đổ thêm dầu vào lửa: Các bác nghe nhé (đọc), chỉ trong hai ngày 7 và 8-3, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ gần 6.000 mũ bảo hiểm rởm… "Hề hề, biết bao tiền của theo mũ nhái, mũ rởm đi gặp bà hỏa rồi" - "ông góp chuyện" kết luận.

Ngồi nghe, bải hoải vì những điều trái khoáy vẫn có đất sống, có khi còn "sống khỏe, sống dai". Chỉ riêng với mô tô xe máy thôi đã có bao thứ phải xem kỹ lại về mặt quản lý, cụ thể ra là việc thực hiện quy định liên quan đến mũ bảo hiểm, gương chiếu hậu, xe chính chủ và xe chưa sang tên đổi chủ, lệ phí, phụ tùng thay thế xịn hay rởm… Trong quá trình thực hiện quy định chung, có những điều do người sử dụng phương tiện không nghiêm túc, nhưng cũng có quá nhiều bất cập từ phía có trách nhiệm bảo đảm cho quy định đã được ban hành phát huy tác dụng trong thực tế. Chuyện mũ bảo hiểm, suy cho cùng, chính sự tắc trách của những cơ quan tham gia quản lý thị trường đã dẫn tới tình trạng hiện nay, như người ta nói là bao tiền của đi tong chỉ vì không làm nghiêm từ đầu đối với hành vi mua - bán - sử dụng mũ rởm, mũ nhái, nói gọn là không bảo đảm chất lượng, không an toàn, không hợp pháp. Không có con số thống kê cụ thể lượng tiền đổ ra sông bể và hệ lụy xấu từ việc sử dụng mũ kém chất lượng nên bao năm qua chưa thấy xót xa chăng? Số tiền bỏ ra cho gần 6.000 chiếc mũ không hợp quy mới bị thu hồi nói trên, mà chắc chắn đó chỉ là con số nhỏ nhoi mà cơ quan chức năng chợt bắt được, còn số mũ rởm đang tồn tại trên thị trường là bao nhiêu thì không có ai biết được!

Chuyện nói trên, suy nghĩ đầy đủ thì có phải là do đã có quy định cụ thể, rõ ràng nhưng quản lý không nghiêm mà ra? Bệnh "cấm mà không quản", đúng hơn là "quản" không đủ nghiêm, phải chăng chỉ rõ ở chuyện chiếc mũ, chuyện cán bộ công chức có dùng rượu bia trong giờ làm việc hay không? Muốn trả lời câu hỏi này, thử nhớ lại những gì đã xảy ra, liên quan đến quy định kinh doanh dịch vụ văn hóa, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bản quyền tác giả - tác phẩm văn học, niêm yết giá… Bây giờ "ra quân quyết liệt" với mũ bảo hiểm không đúng quy định, đến bao giờ thì ra quân dẹp nạn đĩa lậu, sách lậu, in ấn lậu…?

2. Từ bệnh "cấm mà không quản", hay không "quản" được, lại nghĩ sang một loại bệnh quản lý khác, gần đây thi thoảng lại thấy xuất hiện. Bệnh đã nói ở phần trên có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do ý thức trách nhiệm với việc được giao còn kém, giải pháp hạn chế, nhưng có vẻ như không sánh được với một loại bệnh khác, ở một thái cực khác trong lĩnh vực quản lý: bệnh "không quản được… thì cấm". Đó là một kiểu tư duy tình thế điển hình, thể hiện sự bất lực ở mức độ nhất định.

Nói mãi, vận động chán chê, loay hoay nhiều cách hết năm này sang năm khác mà tình hình không khá lên, thế là nảy ý … cấm tiệt.

Dư luận chê bôi việc A việc B tổ chức lộn xộn, đi ngược thuần phong mỹ tục, phản cảm, thế là nghĩ chuyện cấm cho yên chuyện.

Người đông quá, xe đông quá, thôi thì chịu khó anh đi ngày lẻ tôi đi ngày chẵn nhé…

Trước đây, đã có lúc cán bộ cấp dưới "nghiên cứu" đề xuất lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin ý tưởng cấm kinh doanh dịch vụ karaoke. Lúc đó, phía lộ ra ý tưởng kỳ quặc dường như chỉ căn cứ vào hiện trạng không mấy sáng sủa của loại dịch vụ này và thực tế là lực lượng thanh tra văn hóa khá mỏng, khó kiểm soát tình hình, không nghĩ rằng ý tưởng ấy, nếu thành hiện thực có thể hạn chế quyền tiêu dùng văn hóa hợp pháp của hàng triệu người trong một khoảng thời gian dài.

Cũng có thể hỏi vì sao sợ "mang tiếng" nên ra quyết định cấm loa đài trong khu vực đồi Lim khi tổ chức hội Lim năm 2013 để rồi đến ngày chính hội, ngay hôm sau, lại "thả" do sự phản hồi không thuận của nhiều khách dự hội.

3. Có những điều cấm thực sự cần thiết, vì lợi ích toàn cục, nhưng đã không được tuân thủ, không được kiểm soát triệt để, thậm chí là bị buông lỏng quá mức. Nhưng có những điều cấm - ngay cả khi mới dừng ở ý tưởng hoặc nêu ra để "xin ý kiến" - gây ảnh hưởng không có lợi đối với việc thực hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân ngày một tốt hơn. Những động thái ấy, suy cho cùng đều thể hiện sự yếu kém trong mặt quản lý, trong triển khai thực hiện ở cấp này hay cấp khác.

Định hướng vĩ mô hướng tới việc thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, ý tưởng cấm đoán, như cấm karaoke, đi ngược lại định hướng đúng. Khoa học quản lý đã chỉ ra rằng, nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng có tầm quan trọng đặc biệt. Thiếu sự liên kết nói trên, hoạt động của ngành trở nên thiếu đồng bộ, trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả quản lý nhà nước. Thay vì nghĩ cấm dịch vụ karaoke, tại sao không hoàn chỉnh phương án phối hợp chặt chẽ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa - giữa ngành văn hóa, công an, chính quyền địa phương?

Nguyên tắc quản lý, giải pháp quản lý, ngoài những tiêu chí cần có khác thì quan trọng là phải mang tính khoa học, phù hợp thực tiễn. Quản lý hành chính hay quản lý kinh tế cũng vậy. Tuy thế, ở nước ta, với nhiều vấn đề nổi cộm đã và đang xảy ra, về cơ bản có thể xác định nguyên nhân không nằm ở chỗ ta thiếu định hướng vĩ mô đúng đắn. Hiệu quả triển khai thực hiện phụ thuộc vào tư duy quản lý, giải pháp quản lý, trách nhiệm quản lý ngành, địa phương, và nếu có điều bất cập, một nơi nào trong số đó phải nghiêm túc xem xét lại về trách nhiệm và năng lực.

Với những quyết sách có ảnh hưởng rộng rãi, điều quan trọng nhất, mục tiêu lớn nhất cần hướng tới là phục vụ quyền lợi của nhân dân. Đó là nguồn khởi đầu cho việc hình thành ý tưởng tốt đẹp, phù hợp thực tế và dựa trên nguyên lý của sự phát triển, dẫn dắt tư duy quản lý theo hướng tích cực. Một chính sách hữu dụng và khả thi, một quyết định giảm thiểu hệ lụy tiêu cực chỉ có khi chúng được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh, thực trạng, tầm ảnh hưởng đối với xã hội ở mức nào, và không mâu thuẫn với mục tiêu chung. Có được những chính sách tốt ấy rồi lại cần đặt chúng vào bàn tay quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện công tâm, trách nhiệm và không vụ lợi.

Tư duy "cấm - quản" đúng, phù hợp hay không, suy cho cùng là vấn đề lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội. Trong thực tế, có những quyết định thiếu phù hợp của ngành, địa phương nào đó, dù chỉ là về vấn đề có phạm vi và tầm ảnh hưởng hạn chế mà đã tạo dư luận không hay, có khi còn bị lợi dụng để ám chỉ năng lực quản lý nhà nước nói chung.

Bởi thế, về vấn đề nói trên, nhất định là không thể coi nhẹ được.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về chuyện “cấm - quản”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.