Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm tối trong xuất bản!

Lê Đức Hải| 18/03/2013 06:04

(HNM) - Mấy ngày qua, còn chưa hết xôn xao về chuyện hai cuốn sách tham khảo dành cho trẻ mầm non của Nhà xuất bản (NXB) Dân trí và NXB Đại học Sư phạm in hình cổng trường học cắm cờ Trung Quốc, thì dư luận lại tiếp tục bị


Thậm chí, cuốn "Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ" (do NXB Mỹ thuật cấp phép xuất bản năm 2009, phát hành năm 2010, đơn vị liên kết xuất bản là Công ty Ðinh Tỵ) còn trình bày một lá cờ Trung Quốc để minh họa cho câu "Lá cờ của nước chúng ta có ngôi sao năm cánh". Chưa hết, tập sách "Tiếng Hoa dành cho trẻ em" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) còn in hình bản đồ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đáng lưu tâm là cuốn sách này được xuất bản lần đầu từ năm 2008, sau khi bị dư luận phản đối gay gắt thì đơn vị xuất bản đã cho thu hồi, tiêu hủy toàn bộ; tuy nhiên trong lần tái bản giữa năm 2011, hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp vẫn tồn tại trong nội dung sách!

1. Sau khi dư luận bức xúc phản ứng, có một số người trong cuộc biện bạch rằng đó chỉ là những "tai nạn nghề nghiệp". Song, liệu có thật những vụ việc trên chỉ là tai nạn nghề nghiệp và những "búa rìu" xung quanh những chuyện lình xình này có phải là "quy chụp", "nâng quan điểm" hay không?

Sẽ không có gì đáng nói, nếu đó là những cuốn sách biên dịch, nội dung đơn thuần nói về Trung Quốc nên in cờ Trung Quốc cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đây lại là những cuốn sách tham khảo, phát hành rộng rãi cho trẻ em Việt Nam để nhận biết kiến thức thông qua những hình ảnh trực quan, sinh động. Thế nên cần phải khẳng định đó không phải là những tai nạn nghề nghiệp, bởi những "sự cố nho nhỏ" như thế đã để lại hậu quả khôn lường, thiệt hại không thể đong đếm bằng giá trị vật chất. Và để xảy ra những chuyện nghịch lý, phi lý như thế, lỗi đầu tiên thuộc về sự thiếu ý thức của một bộ phận doanh nhân, những người trực tiếp ký hợp đồng liên kết xuất bản và cả những người tham gia vào quy trình xuất bản, từ khâu biên dịch, in ấn… cho đến lưu hành những ấn phẩm đó. Đó là sự non yếu về trình độ quản lý, nghiệp vụ, nhận thức chính trị cũng như ý thức tự tôn dân tộc, nhất là trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là: Việc liên kết, xuất bản những ấn phẩm này mang lại lợi ích gì cho cộng đồng dân tộc cũng như nền kinh tế đất nước? Chưa thấy lợi gì, nhưng rõ ràng việc xuất bản, lưu hành những ấn phẩm có yếu tố ngoại lai đó đã đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết Trung ương V, bởi đó đâu phải là những "tinh hoa văn hóa" hay "kho tàng tri thức" của nhân loại, cần thiết phải phổ biến, trang bị cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non của nước nhà. Bên cạnh đó, dư luận cũng băn khoăn rằng: Phải chăng chúng ta thiếu một đội ngũ trí thức làm công tác biên soạn có đủ tầm, đủ tâm để có thể cho ra đời những cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo kiến thức cho trẻ em mang nội dung giáo dục tình yêu quê hương đất nước, phù hợp với thuần phong mỹ tục, đậm đà bản sắc dân tộc và phản ánh chân thực những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, đến nỗi phải liên kết, mua bản quyền xuất bản những cuốn sách của nước ngoài với mớ kiến thức vay mượn như thế? Và liệu độc giả - ở đây là các em bé ở độ tuổi nhi đồng, như những tờ giấy trắng thơ ngây - tiếp thu được những kiến thức "bổ ích" và "lý thú" gì từ những cuốn sách này? Sẽ ra sao nếu kiến thức đầu tiên về lá quốc kỳ của các em lại không phải là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh? Không khó để nhận ra nguy cơ một bộ phận thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ lệch lạc bởi một thế giới quan sai lệch về chủ quyền đất nước cũng như lịch sử dân tộc - những giá trị được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, do biết bao nhiêu xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt đã đổ xuống để gìn giữ, dựng xây. Và có thể thấy, không chỉ do yếu kém về trình độ, ý thức, mà sự ra đời của những ấn phẩm đó còn có nguyên nhân từ lối làm ăn chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận!

2. Sau khi bị báo chí phê phán, một số NXB đã cho thu hồi những cuốn sách có "vấn đề" đang trôi nổi trên thị trường; đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có công văn yêu cầu hàng loạt NXB kiểm tra, rà soát nội dung các ấn phẩm đã xuất bản, thu hồi, loại bỏ các ấn phẩm có nội dung không phù hợp với mục tiêu, chương trình giáo dục đào tạo theo quy định. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh: "Đặc biệt lưu ý đối với các sách dịch, sách mua bản quyền, sách liên kết xuất bản. Tuyệt đối không xuất bản và phát hành các loại xuất bản phẩm không đúng với pháp luật, không phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam".

Một trong những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản, theo Điều 10 Luật Xuất bản hiện hành, là: "Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân". Tuy nhiên, việc để lọt lưới nhiều cuốn sách tham khảo dành cho trẻ em có nội dung sai lệch đã cho thấy vẫn còn những "lỗ hổng" lớn trong quản lý xuất bản. Thực tế cho thấy, thời gian qua ở nước ta công tác này được thực hiện khá lỏng lẻo, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của từng khâu biên tập, chế tài xử lý còn thiếu và yếu. Theo quy định hiện hành thì cơ quan quản lý nhà nước (Cục Xuất bản) cấp phép cho NXB theo đầu sách chứ không thẩm định nội dung, tức là không có "tiền kiểm". NXB sẽ phải chịu trách nhiệm (trước pháp luật) về nội dung các ấn phẩm của mình. Về lý thuyết thì quy trình xuất bản khá nghiêm ngặt, trước hết là bản thảo qua biên tập viên đọc, biên tập lại, rồi qua tay trưởng ban đọc duyệt, sau đó là tổng biên tập đọc duyệt, ký bản bông rồi mới đến giám đốc NXB ký quyết định xuất bản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những cuốn sách có "vấn đề" là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm từ khâu thẩm định, ký kết mua bản quyền cho đến quy trình xuất bản. Ấy là chưa kể có tình trạng NXB gần như "bán cái" cho đối tác liên kết, phó mặc họ muốn làm thế nào thì làm. Và rồi, không ít đối tác liên kết của các NXB lại làm sách theo kiểu "mì ăn liền", thiếu chuyên nghiệp. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm quy định gần như là "chuyện thường ngày" trong hoạt động xuất bản ở nước ta. Không chỉ có những cuốn sách "nhạy cảm" kể trên, mà chuyện sách in lậu, sách có nhiều "sạn", có "vấn đề" về nội dung (phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, "đạo" văn…) vẫn diễn ra tương đối nhiều và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Do không "tiền kiểm" mà chỉ "hậu kiểm" nên dẫn đến tình trạng cơ quan quản lý chỉ phát hiện sai sót khi sự đã rồi, sách vi phạm đã lưu hành trôi nổi trên thị trường. Việc kiểm tra, xử lý lúc này chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết được "phần ngọn" của vấn đề, chứ không giải quyết được triệt để vấn nạn. Thế nên vi phạm vẫn ngày càng gia tăng đến mức báo động, bởi những lỗ hổng trong luật pháp và chế tài xử lý không đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng "nhờn luật".

3. Việc một số cuốn sách, đáng nói là đều có xuất xứ từ nước láng giềng, có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, liên tiếp xuất hiện trên thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo dành cho thiếu nhi ở nước ta, nói lên điều gì? Xâu chuỗi với chuyện nhiều loại văn hóa phẩm, hàng tiêu dùng ít gây chú ý như đèn lồng, sổ tay, chậu hoa sứ, quả địa cầu… (cũng xuất xứ từ Trung Quốc) có in hình bản đồ vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đã và đang lặng lẽ tràn vào nước ta, để thấy rằng đây là những việc làm có chủ đích. Những loại hàng hóa, ấn phẩm nho nhỏ còn để "lọt lưới" như thế, vậy thì đối với những loại văn hóa phẩm đặc biệt, nhất là phim truyền hình đang được nhập khẩu tràn lan, phát sóng ồ ạt trên các đài truyền hình quốc gia, ngành và các đài địa phương, liệu có thể kiểm soát nổi về nội dung nếu chúng ta không kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý?

Đáng nói ở đây là, một bộ phận doanh nhân và người tiêu dùng của nước ta lại hết sức mơ hồ về nhận thức chính trị, bị lợi ích kinh tế chi phối mà không nhận ra rằng, việc kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng những sản phẩm hàng tiêu dùng, văn hóa phẩm có nội dung như thế vô hình trung đã tiếp tay cho hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Bởi những lẽ đó mà việc để "lọt lưới" nhiều cuốn sách tham khảo dành cho trẻ em có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam không phải là chuyện "tai nạn nghề nghiệp" đơn thuần. Thế nên, bên cạnh việc chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý hoạt động xuất bản thì để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cũng như những chuyện vô lý, phi lý tương tự, các cơ quan chức năng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng như dư luận quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng một vấn đề nhạy cảm mà lâu nay chúng ta chưa thông tin đầy đủ, thậm chí có lúc, có nơi còn né tránh. Phải có chiến lược tuyên truyền về chủ quyền biển đảo sâu rộng, dưới mọi hình thức để tạo ra sức đề kháng cho nhân dân trước những toan tính vi phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như sự "ngây thơ" vô tình hay có chủ ý của một bộ phận các đơn vị xuất bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm tối trong xuất bản!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.