Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lòng nhân ái phải được nhân lên!

Cù Xuân Trường| 30/09/2013 05:40

(HNM) - Bài viết "Người Việt hung hãn" của một nhà phê bình văn học trên một tờ báo gần đây, dù với lời xin lỗi "tất cả những người Việt hiền lành vì cái tựa bài viết" nhưng vẫn để lại cho không ít người suy nghĩ về tính cách Việt Nam, con người Việt Nam để rồi loay hoay với câu hỏi: Có thật người Việt hung hãn không hay chỉ có một bộ phận người Việt Nam đang đánh mất nhân cách của chính mình?... Điều khiến nhiều người suy nghĩ nhất đó là lòng nhân ái. Lòng nhân ái đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam đang và sẽ đi về đâu trong bộn bề sức ép của đời sống hiện đại?



Theo Steve Godier, lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người. Nhân ái chính là cái gốc của con người, là nền tảng của luân lý xã hội nên có giá trị chung với toàn nhân loại. Tuy nhiên, lòng nhân ái được nảy sinh trong những điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội khác nhau sẽ có sự khác nhau trong quan niệm cũng như cách thức biểu hiện của mỗi dân tộc. Lòng nhân ái của người Việt Nam bén rễ từ thuở hồng hoang dựng nước gắn với sự cố kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh gian khó với thiên tai địch họa để hình thành những đặc trưng riêng như một giá trị văn hóa rất cơ bản trong hệ giá trị của người Việt Nam. Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, lòng nhân ái thấm sâu trong các quan hệ từ gia đình đến làng xóm và cộng đồng xã hội. Cũng chính vì lẽ đó lòng nhân ái Việt Nam có nhiều điểm khác so với các dân tộc trên thế giới.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, một trong những nội hàm quan trọng của lòng nhân ái Việt Nam là chữ " tình" và cũng có thể cho rằng đây là nhân sinh quan trong cuộc sống của người Việt. Nói cách khác, người Việt trọng "tình nghĩa" hơn "lễ nghĩa" - trọng cái sâu sắc trong tình cảm của mỗi con người. Trong quan hệ gia đình, lòng nhân ái thể hiện ở việc cha mẹ bao bọc, che chở con cái từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, con cái lo cho cha mẹ lúc bóng cả xế chiều, anh em như chân với tay. Trong quan hệ xóm giềng, nhân ái là "chín bỏ làm mười", "nhường cơm, xẻ áo", "lá lành đùm lá rách"… Người Việt nặng tình hơn lý và nhiều lúc duy tình nên có người còn cho rằng: Tình nghĩa là "quan tòa" lương tâm để xét xử những mối bất hòa trong quan hệ gia đình và xã hội. Lòng nhân ái được thể hiện một cách bình dị nhưng có sức mạnh lớn lao làm thức tỉnh lương tâm, cải biến con người.

Ngạn ngữ có câu: Lòng nhân ái là vũ khí cao thượng nhất. Trong chiến tranh, lòng nhân ái đã trở thành sức mạnh bởi nó làm cho sức mạnh của đoàn quân xâm lược trở nên vô nghĩa. Với giặc Minh xâm lược từng "nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ", "Trúc Lam Sơn không ghi hết tội", Lê Lợi, Nguyễn Trãi vẫn "mở lượng hiếu sinh". Lòng nhân ái Việt Nam đã chuyển thành lòng bao dung, lòng vị tha cao thượng và ngày càng rộng mở. Trong từng bối cảnh, với từng cấp độ, những biểu hiện của lòng nhân ái đã trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử, một nền tảng của luân lý xã hội. Lòng nhân ái là một giá trị văn hóa lớn tạo nên nét độc đáo của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, một giá trị đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Dẫn giải như vậy không phải để chứng minh người Việt có hung hãn hay không mà chỉ để khẳng định lòng nhân ái là một truyền thống đẹp trường tồn cùng dân tộc. Lòng nhân ái thể hiện bằng cung cách ứng xử của mỗi con người hay nói cách khác biểu hiện bằng văn hóa ứng xử trong từng trường hợp cụ thể. Trong xã hội hiện đại, chúng ta có thể cảm nhận và ghi nhận những biểu hiện lấp lánh của lòng nhân ái Việt Nam qua nhiều chương trình hành động "Uống nước nhớ nguồn", "Xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa", "Phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng", "Gây quỹ vì người nghèo", "Hiến máu nhân đạo", "Trái tim cho em", "Nối vòng tay lớn"… nhưng cũng bắt gặp không ít những biểu hiện vô cảm, những hành động phi nhân tính.

Trong "Người Việt hung hãn", tác giả viết: Tôi phải xin lỗi ngay tất cả những người Việt hiền lành vì cái tựa bài viết này. Nhưng hằng ngày tham gia giao thông trên đường, chứng kiến nhiều cảnh va chạm và bản thân cũng từng là nạn nhân hoặc chủ nhân của những vụ va chạm xe cộ, tôi không thể nói khác hơn là trong mỗi người chúng ta đều tiềm tàng một sự hung ác chỉ chực bùng lên. Bất luận đúng sai thế nào chưa biết khi có va quệt, đụng độ trên đường, mỗi bên đều sẵn sàng sửng cồ, nóng mặt, nặng lời với nhau, đổ lỗi cho nhau và tệ hại nhất là xông vào nhau đánh đấm, hành hung, mặc cho giao thông vì thế bị ách tắc, mặc cho cơ thể vì thế bị tổn thương và trầm trọng nhất là có thể mạng sống con người bị cướp đi không phải vì chính sự đụng độ mà là do hai bên đụng độ quyết "ăn thua đủ" với nhau…

Không chỉ vậy, lướt các trang báo mạng, nhiều người hoang mang đến kinh hoàng với những biểu hiện phi nhân tính thực sự gây sốc như: "Băng nhóm truy sát như phim trên phố Sài Gòn", "Vợ quỳ khóc xin, nhóm côn đồ vẫn chém chết chồng", "Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, vác dao chém hàng xóm"… Như vậy, có phải "sự hung ác chỉ chực bùng lên" trong mỗi con người hay "sự hung ác" đang lây lan nhanh chóng trong đời sống xã hội với những biểu hiện ngày càng tàn nhẫn, đáng sợ hơn?

"Thiện" và "ác" song hành trong mỗi con người, cùng tồn tại trong lòng xã hội. Trong cuộc sống hiện tại có một thực tế là lòng nhân ái đang có biểu hiện suy giảm trong lối sống của không ít cá nhân. Lối sống ích kỷ, hẹp hòi, phi nhân tính đang có chiều hướng lấn át lối sống nhân văn, vị tha, giàu nghĩa tình. Nguyên nhân do đâu? Do mặt trái của cơ chế thị trường đang phát tác hay do quan hệ mật thiết của truyền thống xã hội nông nghiệp xưa kia không còn đậm nét; do nếp sống hiện đại (sống gấp, sống vội) đang làm xơ cứng lối sống tình cảm, làm mất đi những cảnh sinh hoạt thanh bình của làng quê, sự gắn bó con người với thiên nhiên hay sự gắn kết giữa con người với con người không còn bền chặt…? Để rồi, sự mất mát ấy đã tác động trở lại một cách tiêu cực tới lối sống và cung cách ứng xử của người Việt Nam hôm nay.

Có phải người Việt Nam đang ngày càng hung hãn hơn? Đây thật sự là câu hỏi lớn, phải có sự điều tra, nghiên cứu của các cơ quan có trách nhiệm bởi nó tác động sâu sắc đến nền tảng văn hóa và sự phát triển của con người Việt Nam nên cần có sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô. Với tư duy như vậy, vấn đề này cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc như một sự cảnh báo về một môi trường xã hội đang thay đổi với rất nhiều biến động tiêu cực. Văn hóa ứng xử đang xuống cấp trong khi hệ thống pháp luật bộc lộ nhiều yếu kém dẫn đến tình trạng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", "tự xử".

Một nhà sư phạm đã nói: "Nếu những đứa trẻ dửng dưng với những điều đang xảy ra trong trái tim người bạn, bố mẹ hoặc bất cứ người đồng bào nào em gặp. Nếu những đứa trẻ không biết đọc trong ánh mắt người khác trong trái tim người đó sẽ không bao giờ trở thành con người chân chính". Giới trẻ hiện nay đang bị cuốn nhanh vào guồng quay cuộc sống vội vã, khiến họ ít nhiều quên đi những giá trị sống bình dị mà ý nghĩa như sự tri ân, lòng trắc ẩn, tình yêu thương… Do vậy, bên cạnh việc dạy "chữ" thì việc dạy "người" có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bài học đầu tiên để làm người chính là lòng nhân ái, về sự sẻ chia và bài học ấy không thể khô cứng trong những giờ đạo đức với những cuốn sách giáo khoa và đóng khung trong khuôn khổ nhà trường. Một vấn đề nữa để tạo môi trường xã hội cho lòng nhân ái nảy nở sinh sôi thì phải nghiêm trị những biểu hiện hung hãn, độc ác, phi nhân tính và cả những kẻ bao che cho cái "ác".

Người Việt Nam không hung hãn! Câu chuyện là làm thế nào để lòng nhân ái được nhân lên trong mỗi con người để lấn át cái xấu, cái ác. Đó là vấn đề quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lòng nhân ái phải được nhân lên!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.