Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những day dứt phía sau một phiên tòa

Cù Xuân Trường| 13/01/2014 05:47

(HNM) - Vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm trong hai ngày 7 và 8-1-2014 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước.


Cái đặc biệt của phiên tòa thu hút sự chú ý... đặc biệt của dư luận có thể thấy rất rõ ràng. Trước hết, đó là tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Thứ hai, bị cáo chủ mưu phạm tội Dương Tự Trọng nguyên là một Đại tá, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, Cục phó một cục quan trọng của Bộ Công an, người đã có nhiều chiến công trong cuộc đấu tranh chống tội phạm nguy hiểm. Thứ ba, hầu hết các bị cáo đều là cán bộ có chức sắc của Công an Hải Phòng. Thứ tư, người làm chứng - Dương Chí Dũng (anh ruột bị cáo Dương Tự Trọng), nguyên là Cục trưởng Cục Hàng hải, trước đó là Chủ tịch HĐQT một Tổng Công ty lớn của Nhà nước, đã bị kết án tử hình vì tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản". Thứ năm, ngay tại phiên tòa, trong vai người làm chứng, Dương Chí Dũng đã khai người mật báo thông tin việc ông ta sẽ bị khởi tố, bị bắt tạm giam để sau đó ông ta bỏ trốn là một Thứ trưởng Bộ Công an - điều thật này thật sự gây chấn động dư luận. Cũng tại phiên tòa, xét thấy việc để lộ thông tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn là rất nghiêm trọng (vụ án tại Vinalines đang được điều tra, thông tin thuộc dạng tuyệt mật theo quy định của pháp luật), Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự để điều tra về tội danh "cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Một "nút thắt" được mở ra cho một vụ án mới với nhiều tình tiết phức tạp.

Có thể nói, việc HĐXX quyết định khởi tố điều tra vụ án "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" liên quan đến một vị Thứ trưởng Bộ Công an ngay tại phiên tòa cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật được thể hiện trong nguyên tắc "mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" - đây là một yếu tố quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đồng thời điều đó cũng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy công quyền, sâu xa hơn là để bảo vệ sự tồn vong của chế độ, bảo vệ nhà nước pháp quyền XHCN "của dân, do dân và vì dân".

Tuy nhiên, lắng lại sau phiên tòa không chỉ là những bản án nghiêm khắc, những quyết định quyết đoán, mạnh mẽ, đúng pháp luật của HĐXX, mà còn có cả những ấm lạnh, những day dứt trong thâm tâm mỗi con người, dù ở cương vị người xét xử hay bị cáo, người thân của những kẻ phạm tội, hay những người chỉ đơn giản là quan tâm đến vụ án này. "Nhân nào, quả ấy", "gieo gió ắt gặp bão" - đó là quy luật tất yếu. Nhưng câu chuyện phạm tội của anh em trong gia đình họ Dương danh giá, có truyền thống trên đất Cảng, với bản án tử hình cho người anh Dương Chí Dũng và bản án 18 năm tù cho người em Dương Tự Trọng, làm cho không ít người trong chúng ta day dứt. Họ đã từng có nhiều năm rèn luyện, phấn đấu, đã có nhiều đóng góp cho xã hội, thế mà vì lòng tham, sự tha hóa, bị cuốn chặt trong vòng xoáy kim tiền, vì sự coi thường pháp luật... mà phạm tội nghiêm trọng.

Dương Chí Dũng là người có học vị (làm luận án tiến sĩ tại Đại học Thương mại). Người xưa nói "Nhân bất học, bất tri lý" (người không học không biết được lý lẽ), một người có học, lại từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Vinalines, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam..., lẽ nào không biết những lý lẽ cơ bản nhất của đạo làm người? Một người có thâm niên trong công tác quản lý lẽ nào không ý thức được trách nhiệm của mình trước xã hội? Ông Dương Chí Dũng biết rõ hơn ai hết ụ nổi 83M mà Vinalines mua vốn quá cũ kỹ, không còn khả năng hoạt động và giá cao gấp nhiều lần giá thực tế trên thị trường, thế mà cứ mua qua môi giới, không qua mời thầu, không theo chỉ đạo của người có thẩm quyền. Có người nói: Tham nhũng do cơ chế hay cơ chế tạo ra tham nhũng. Nhưng không phải như vậy, bởi thực tế không có luật pháp nào có thể bao quát hết những vấn đề phát sinh từ thực tế cuộc sống và không luật pháp nào có thể bịt hết các kẽ hở. Cũng có người nói rằng tham nhũng phát sinh từ quyền lực hay có quyền lực mới có tham nhũng. Có lẽ cũng không phải vậy, bởi thực tế có rất nhiều người giữ vị trí quan trọng trong xã hội nhưng sống thanh liêm, và có không ít người không có quyền lực nhưng vẫn có những hành vi tham nhũng (tham nhũng vặt). Tham nhũng trước hết là do con người, phát sinh từ lòng tham, từ dục vọng, từ sự ích kỷ. Khi lòng tham đã lấn át lòng tự trọng, lòng nhân ái; tiền bạc lấn át giá trị đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, thì sẽ rơi vào vòng xoáy đầy mê hoặc của sự tha hóa. Để rồi bằng mọi cách, họ vơ vét, trục lợi, thậm chí trục lợi trên nỗi cơ cực của những người lao động mà họ gọi là đồng bào.

Nhân quả là quy luật tất yếu của đời sống. Cái ác, cái xấu tất phải trả giá. Với Dương Tự Trọng, chúng ta lại có những day dứt khác. Nhiều người đã sử dụng hai từ "giá như", nhiều đồng nghiệp cũng tiếc nuối cho một sự nghiệp lẫy lừng của một cán bộ công an có biệt tài phá án. Thậm chí, có người gọi vụ án Dương Tự Trọng là "đại án nhân tâm". Tuy nhiên xét cho cùng thì đó chỉ là sắc thái tình cảm thuần túy. Đứng ở góc độ pháp lý và cả góc độ tình người thì phải cần phân tích thấu đáo nhiều mặt.

Dương Tự Trọng là một cán bộ công an một thời được mệnh danh là "khắc tinh của tội phạm", từng cảm hóa nhiều tay "anh chị" bỏ cuộc sống tội phạm trở về với vợ con, xã hội, nay lại phải đứng trước vành móng ngựa, phải cúi đầu trước bản án nghiêm khắc cho chính bản thân mình. Một phút sai lầm đã phạm tội nghiêm trọng, điều đó quả là đáng tiếc cho Dương Tự Trọng. Chữ "tình" không thể thiếu trong cuộc đời này, nhưng chữ "tình" cũng kéo theo nhiều tai họa nếu đi ngược lại pháp luật, xâm hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội. Cho nên, chữ "tình" kia cũng có ba bảy đường!

Thực tế, cái tình luôn có trong cái lý, "trong tình có lý, trong lý có tình". Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng vậy, cũng phải đưa ra những quyết định cho riêng mình, trong đó có những quyết định quan trọng. Trước mỗi vấn đề thực tế, có nhiều cách giải quyết khác nhau, nhưng thế nào thì cũng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và không vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật. Là một cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, lại được rèn luyện nhiều năm trong lực lượng công an, lẽ nào Dương Tự Trọng không hiểu "pháp bất vị thân" (luật pháp không thiên vị một ai). Vì sao Dương Tự Trọng vẫn "đốt tiền" đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài? Có đơn giản là chữ "tình"? Sai lầm lớn nhất của anh em họ Dương chính là việc đặt niềm tin vào sức mạnh của đồng tiền, vào những mối quan hệ để rồi không chỉ họ trượt dài phạm tội mà cả những bạn bè quen biết cũng phải ra trước vành móng ngựa. Nếu nói cho hết nhẽ thì cần đặt ra câu hỏi: Nếu vì "tình" và thật sự chí tình thì liệu Dương Tự Trọng có đẩy đồng đội đến chỗ phạm tội và đẩy anh mình tăng thêm mức độ phạm tội hay không?

Sự tha hóa và bị chi phối bởi tiền bạc đã đẩy anh em họ Dương vào vòng lao lý, làm sụp đổ thanh danh gia đình, gây đau khổ cho người thân, để lại những đắng đót đến đau lòng cho xã hội. Phía sau vụ án này là những bài học thấm thía về đạo đức và bản lĩnh làm người. Đạo đức của người cán bộ lãnh đạo chính là tính trung thực và lòng trung thành tuyệt đối với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đạo đức sẽ giúp con người vượt qua sự tha hóa, nhưng bản lĩnh sẽ nhận diện sự việc một cách thấu đáo, quyết định một cách chính xác... Bản lĩnh vừa là nhân cách vừa là tài năng, nó thể hiện đức tính tự quyết định một cách độc lập trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Với cán bộ lãnh đạo, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý, việc giữ gìn nhân cách, nâng cao bản lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Phiên tòa sơ thẩm đã qua đi, sẽ còn có những phiên tòa tiếp theo như quy định của luật pháp. Người thân của những người phạm tội, và cả chúng ta vẫn còn day dứt khôn nguôi về đạo đức cán bộ, đạo đức làm người. Làm người với ý nghĩa chân chính của khái niệm này, là không ngừng rèn luyện dù ở vị trí nào. Nếu không, chỉ cần buông thả, chỉ cần để cho lòng tham chi phối, chỉ cần coi thường pháp luật thì sẽ bị sa ngã, không gì níu giữ được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những day dứt phía sau một phiên tòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.