Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không được phép biến chuyện bất thường trở thành bình thường!

Cù Xuân Trường| 07/04/2014 05:54

(HNM) - Hàng nghìn xe chở dưa hấu ùn tắc kéo dài hàng chục cây số tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - câu chuyện buồn về quả dưa hấu có giá không bằng một chén nước trà...

(HNM) - Hàng nghìn xe chở dưa hấu ùn tắc kéo dài hàng chục cây số tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - câu chuyện buồn về quả dưa hấu có giá không bằng một chén nước trà. Tuyến ống dẫn nước sông Đà - một trong hai dự án được Bộ Xây dựng trao tặng Cúp vàng xây dựng Việt Nam (năm 2010) - xảy ra sự cố khiến cả trăm nghìn người dân Thủ đô rơi vào cảnh thiếu nước... Có nhiều chuyện bất thường xảy ra trong những ngày vừa qua, và điều đáng nói là dường như nó đã trở thành bình thường! Vì sao? Vì những sự việc bất thường ấy đang được lặp đi, lặp lại và rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Liệu có thể xây dựng một xã hội văn minh khi con người ta phải sống chung với quá nhiều điều không bình thường như một lẽ… bình thường? Và nữa, sau những sự việc bất thường đang trở thành bình thường là gì?

1- Trước hết nói về câu chuyện tuyến ống dẫn nước sông Đà. Diễn biến vụ việc thế nào, mức độ ảnh hưởng tới đâu, có lẽ không cần nhắc lại vì Báo Hànộimới đã cập nhật thông tin cùng bạn đọc trong những ngày vừa qua. Vấn đề đặt ra là, từ tháng 2 năm 2012 đến nay, tuyến ống dẫn nước dài 46km đưa vào sử dụng mà đã có tới 6 lần vỡ đường ống. Rõ ràng không thể coi đây là câu chuyện bình thường.

Theo Tổng Công ty cổ phần Vinaconex (đơn vị chủ quản), tất cả sự cố đều xuất hiện đột ngột vào thời điểm điều kiện vận hành ở trạng thái ổn định thường xuyên - tóm lại là trong điều kiện bình thường. Và tất cả sự cố đều có chung nguyên nhân: Do địa chất công trình, độ lún của nền đường chưa ổn định, rồi tác động của tải trọng đất khi tôn nền lẫn tải trọng của thiết bị thi công tại những khu đô thị mới vượt quá thiết kế ban đầu nên... Còn chất lượng ống dẫn nước, theo thông tin từ nhà sản xuất thì đều đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Công trình thủy Hoa Kỳ các quy định của Bộ Y tế về vật tư dùng cho ống dẫn nước sạch, độ bền, độ nén... được kiểm tra chặt chẽ...

Như vậy, những nghi ngại về chất lượng thi công và vật liệu cho công trình cũng chỉ là… nghi ngại mà thôi, các sự cố đều có nguyên nhân khách quan. Nói cách khác là "bất khả kháng". Thực tế, cuộc khảo sát của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sau sự cố vỡ đường ống vào ngày 1-4 cũng không làm rõ điều gì cốt yếu (chưa thể kết luận ngay), ngoài nhận định rằng: vỡ 6 lần liên tiếp trong hai năm là không bình thường. Thế nhưng liệu có thể xem là bình thường khi cảnh báo của giới khoa học về việc thi công trên nền đất yếu đã được đưa ra ngay từ năm 2006? Vì sao cho đến ngày hôm nay, chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào ngoài việc "sống chung" với sự cố? Vì không đủ kinh phí để đụng vào những đường ống tiềm ẩn nhiều nguy cơ đã được chôn sâu tới 6m trong lòng đất thì hướng khắc phục... "làm tuyến đường ống mới" - liệu có bình thường ?

Khi chưa có đường ống mới và không biết đến bao giờ mới có đường ống mới, rất có thể những sự cố "bất khả kháng" sẽ tiếp tục diễn ra và các "thượng đế" sẽ phải chấp nhận sự cố đường ống nước sông Đà như là "chuyện thường ngày ở huyện". Và, tình trạng thiếu nước (dù sống giữa Thủ đô), trong những khu chung cư (dù tráng lệ) cũng sẽ là chuyện bình thường.

2- Câu chuyện thứ hai xoay quanh những quả dưa hấu phải đem ra trôi sông, dùng làm thức ăn gia súc, hoặc vận chuyển tới cửa khẩu để bán tống bán tháo với giá như cho. Đây không thể nói là chuyện bình thường dù đã diễn ra từ năm này sang năm khác. Sức ép từ cuộc sống, từ thị trường bao giờ mới cất khỏi đôi vai những người một nắng hai sương, chân lấm tay bùn? Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm gì khi người nông dân bỏ công, bỏ của vào cánh ruộng của mình mà cứ như "đánh bạc" với sự may rủi?

Hàng nghìn xe dưa hấu ứ đọng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) kéo theo nhiều hệ lụy không thể xem là câu chuyện bình thường. Nỗi bức xúc của người nông dân đã làm "nóng" nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua. Nguyên nhân do năng lực thiết kế của cửa khẩu Tân Thanh chỉ giải quyết được khoảng 300 xe chở dưa sang biên giới (khoảng 1/3 đến 1/6 lượng xe mỗi ngày), rồi phía Trung Quốc không cho nhập dưa hấu qua những cửa khẩu khác vì điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm và cả chuyện liên quan đến tập quán buôn bán của người Việt, tự phát đưa hàng sang biên giới, trong khi không có mối bán, hợp đồng, nên thường bị ép giá... Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thì cho rằng, thấy năm ngoái dưa hấu được giá, bà con mở rộng diện tích, năm nay dưa lại được mùa nên tiêu thụ khó khăn... Tóm lại, rất nhiều nguyên nhân khách quan, "bất khả kháng" hoặc "tại anh, tại ả, tại cả đôi bên"... và ngành chức năng đã nỗ lực giải quyết...

Được mùa nhưng tay trắng, phải vứt bỏ những sản phẩm là mồ hôi công sức, thậm chí gánh nợ ngân hàng, người nông dân nghĩ gì về những lý giải đã trở thành "điệp khúc"? Và phía sau những "điệp khúc" ấy là gì? Đành rằng trong kinh tế thị trường, việc sản xuất phải theo tín hiệu thị trường, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về vốn, công nghệ và tạo thuận lợi về cơ chế chính sách chứ không thể chỉ cho người dân phải trồng cây gì, rồi mang ra tiêu thụ ở chỗ nọ, chỗ kia như nhận định của một nhà quản lý. Thế nhưng, cũng có thể đặt câu hỏi: Có là bình thường không khi đến thời điểm này cơ quan quản lý nông nghiệp vẫn chưa có thống kê cụ thể về tổng diện tích và sản lượng dưa hấu trên toàn quốc? Không thống kê và thống kê không chính xác thì dự báo thế nào? Người nông dân cần các "công bộc" cung cấp cho họ chí ít là những thông tin về thị trường, thế nhưng công tác dự báo, chính sách dự báo dù đã được đề cập từ nhiều năm trước, nhưng vẫn chưa hình thành ở chính hai bộ có liên quan đến những trái dưa hấu là Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công thương. Cũng không biết khi nào hai bộ này mới có chính sách đầu vào và dự báo đầu ra một cách "chuyên nghiệp" để người nông dân không còn canh cánh nỗi lo "được mùa, mất giá".

Các cơ quan quản lý nhà nước không thể chỉ đổ lỗi hoàn toàn cho người nông dân trong chuyện chạy theo thời vụ, làm theo phong trào, bởi như đã nêu trên. Không chỉ chuyện những quả dưa hấu, nhiều loại nông sản khác như thanh long, vải… cũng chịu cảnh tương tự do những cái thiếu trong công tác dự báo thị trường.

3- Niềm tin hoặc tình cảm của người dân dành cho doanh nghiệp hay các cơ quan công quyền, không bắt đầu từ những điều to tát mà thường gắn với những vấn đề bình thường trong cuộc sống như không bị thiếu nước sạch (người dân thành phố), hay không bị tư thương ép giá (nông dân)... Hết thảy người dân đều mong muốn có được sự bảo đảm từ doanh nghiệp (chất lượng sản phẩm, dịch vụ...) và cơ quan công quyền (cơ chế, chính sách...) để vơi đi những gánh toan lo. Thế nhưng đa số trường hợp, họ phải trở thành "người tiêu dùng thông thái" bất đắc dĩ khi không thể là người thông thái; hay phải tự phải bảo vệ mình, tự lo cho mình trước thái độ thiếu trách nhiệm, thậm chí vô cảm của không ít "công bộc" trong cơ quan công quyền.

Đòi hỏi của người dân không quá lớn, đôi khi chỉ là một lời xin lỗi, một thông tin từ cơ quan quản lý về sự cố để điều chỉnh sinh hoạt, kinh doanh (ví dụ trong trường hợp vỡ ống dẫn nước sông Đà), hay những thông tin về đầu ra sản phẩm để không phải "đánh bạc" với mồ hôi công sức (đối với những nông dân chở dưa hấu từ miền Nam ra cửa khẩu Tân Thanh)... Tại sao những đòi hỏi tưởng như đơn giản lại trở nên khó khăn? Các cơ quan có trách nhiệm không được phép biến những sự việc bất thường trở thành bình thường. Bởi lẽ những bất thường ấy hàm chứa những hệ lụy rất lớn đối với toàn xã hội. Một khi biến chuyện bất thường thành bình thường thì hệ lụy đó càng tăng gấp nhiều lần, và do vậy nó biến thành nguy hại!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không được phép biến chuyện bất thường trở thành bình thường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.