Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong trào thi đua yêu nước và chiến lược xây dựng con người

Đức Huy| 07/07/2014 05:53

(HNM) - Kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, lại đang toan tính đưa thêm nhiều "lãnh thổ di động" nữa vào Biển Đông, người Việt đã có sự phản ứng tức thì.



Giữa những bộn bề lo toan thường nhật là một góc trời biển Hoàng Sa, Trường Sa bao la thường trực trong lòng người. Lo lắng, giận dữ, nỗi băn khoăn không dứt rằng, Việt Nam phải làm gì để giữ vững chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà không làm phương hại đến nền hòa bình - điều khó khăn lắm, đã phải đổ bao xương máu chúng ta mới có được như ngày hôm nay.

Tuần qua, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, làm việc với các ngành, địa phương về nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ lãnh thổ, giải quyết bằng các giải pháp hòa bình, không nhân nhượng và phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Có nhiều việc phải kiên quyết tiến hành một cách hiệu quả nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ Tổ quốc.

Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra tại những cuộc gặp gỡ giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhân dân, như nhiệm vụ chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhiệm vụ đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; nhiệm vụ phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, tránh lệ thuộc; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy tinh thần yêu nước chân chính trong mọi tầng lớp nhân dân…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần đó lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Câu nói ấy là sự đúc kết chính xác tinh thần yêu nước của người Việt Nam, bất kể là người trong nước hay đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, bất kể trong thời hiện đại hay cách nay hàng nghìn năm. Mỗi khi Tổ quốc cần, người Việt sẵn sàng hiến dâng cả máu xương của mình.

Người Việt là vậy, khi vận mệnh Tổ quốc bị đặt trong thử thách mới thấy rõ lòng yêu nước nồng nàn không gì sánh nổi. Mấy chục ngày qua, bao câu chuyện cảm động cho ta thấy điều đó. Những cảnh sát biển, kiểm ngư theo tàu ra khơi cùng ngư dân đối mặt với thử thách, giao lại vợ yếu con thơ cho hậu phương. Những bé trai, bé gái mới qua tuổi nhận mặt chữ đã biết xếp hình Tổ quốc ngay trên sân trường mình. Lớp lớp thanh niên tình nguyện ra đảo xa, muốn làm điều gì đó để thỏa ước nguyện góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bao người chật vật mưu sinh, đủ ăn còn khó mà vẫn sẵn lòng chắt chiu ủng hộ tiền của để cán bộ, chiến sĩ có thêm điều kiện bám biển giữ chủ quyền…

Giờ đây, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, giữa cơ hội và thách thức song hành, thử thách lòng yêu nước và tinh thần phụng sự Tổ quốc của người Việt Nam. Tình hình trong nước, thế giới và khu vực đang có những diễn biến mới tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn: Sự tụt hậu xa hơn về kinh tế; tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận không hề nhỏ; tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng trở nên phổ biến… Trên bình diện thế giới, tình hình chung và khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang, nảy sinh mâu thuẫn do tranh chấp tài nguyên, chủ quyền biển đảo, mâu thuẫn sắc tộc… Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy đây là lúc mà mọi người con đất Việt cần sát cánh bên nhau cùng nhìn về một hướng, mỗi người một việc làm thiết thực, có ích để đóng góp cho sự nghiệp chung. Lúc này, thi đua yêu nước là việc làm cần thiết, tất cả góp sức tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để giải quyết thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội của đất nước.

Tất cả đặt ra yêu cầu tập trung thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đã đề ra, là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới gắn liền với yêu cầu xây dựng đất nước, hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", loại bỏ nguy cơ lệ thuộc về mọi mặt, tăng cường sức mạnh nội lực nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đòi hỏi thấm nhuần tinh thần "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, đá có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", là bảo vệ bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, là tạo dựng một nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Xét trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi lòng yêu nước của toàn dân tộc cần phải được thể hiện một cách cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm, hành động theo chuẩn mực đạo đức và luật định, sôi nổi nhưng tỉnh táo. Nói vậy là bởi những gì diễn ra gần đây, tiêu biểu như "sự kiện Vũng Áng" cho ta thấy lòng yêu nước không thể đặt nhầm chỗ, cho thấy yêu cầu cấp bách của việc xây dựng con người, xây dựng và bảo vệ hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đất nước đứng trước thử thách nặng nề, đã có những biểu hiện cho thấy sự lợi dụng tình thế khó khăn để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm hại an ninh quốc gia, mưu lợi riêng một cách phi pháp. Vẫn thấy có biểu hiện thờ ơ với vận mệnh dân tộc, lảng tránh nghĩa vụ đối với Tổ quốc hoặc có hành động không phù hợp vào lúc này, khi mà đất nước cần sự cộng đồng trách nhiệm hướng tới mục tiêu chung.

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Kể từ đó, cả nước dấy lên tinh thần tham gia phong trào thi đua yêu nước, người người hăng hái góp sức cho công cuộc kiến thiết đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Gần bảy chục năm qua, hàng nghìn phong trào, sáng kiến nhằm phát huy tinh thần yêu nước, tạo động lực phát huy sức mạnh toàn dân đã ra đời, góp phần làm nên thắng lợi Việt Nam. Kháng chiến chống thực dân, đế quốc, cả nước quên mình với phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Hũ gạo kháng chiến", "Phụ nữ ba đảm đang", "Tuổi nhỏ, chí lớn", "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", "Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm"… Đến thời bình, ta lại phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới", "Đền ơn đáp nghĩa", "Thanh niên lập nghiệp", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và bây giờ là "Tất cả vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu"… Khó có thể kể ra đầy đủ hiệu quả từ những phong trào thi đua sôi nổi ấy đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế hiện nay đòi hỏi một phong trào thi đua yêu nước phù hợp với tình hình mới, được triển khai thành những chương trình, kế hoạch cụ thể, được thực hiện một cách bài bản, hướng tới mục tiêu cụ thể, thiết thực, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được.

Sự thịnh vượng của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào khối tài sản dự trữ hay điều kiện tài nguyên, mà còn tùy thuộc vào chất lượng nguồn lực con người. Bởi thế, muốn phong trào thi đua yêu nước đem lại hiệu quả to lớn thì phải quan tâm nhiều hơn nữa đến chiến lược xây dựng con người mới trong thời đại Hồ Chí Minh, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, đầu tư cho văn hóa xứng đáng với vai trò trụ cột của văn hóa đối với sự phát triển bền vững, thấm nhuần quan điểm xây dựng văn hóa chính là xây dựng con người. Đó là con người Việt Nam theo hệ giá trị mang tính phổ quát, lấy "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm" làm đầu, không vì việc riêng bé mọn mà làm phương hại đến lợi ích quốc gia.

Năm 1972, trở về từ chuyến thăm Hà Nội sau những ngày Thủ đô bị bom B-52 tàn phá khủng khiếp, một nữ nghệ sĩ có quan điểm chống chiến tranh tại Việt Nam đã nói rằng: "Các bạn đã chiến thắng và sẽ chiến thắng hoàn toàn bởi các bạn biết đặt con người, chứ không phải lợi nhuận ở trung tâm mọi việc". Giờ đây, trước những thử thách lớn lao đặt ra đối với việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược, hơn lúc nào hết, lòng yêu nước chân chính của con người Việt Nam cần được phát huy, thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực, thông qua những phong trào thi đua để góp sức tạo ra sức mạnh tổng hợp, tăng cường nội lực quốc gia, tạo điều kiện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phong trào thi đua yêu nước và chiến lược xây dựng con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.