Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại

Cù Xuân Trường| 18/08/2014 05:34

(HNM) - Ngày 15-8, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014, nhiều vấn đề "nóng" như đổi mới công tác tuyển sinh; phân tầng, xếp hạng các trường đại học; phát triển đội ngũ giảng viên... đã được bàn thảo.



Trước đó, hàng loạt hội nghị, hội thảo liên quan đến đổi mới giáo dục đại học đã được tổ chức trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm. Trong một hội thảo như vậy, GS Ngô Bảo Châu đưa ra nhận định: "Chỉ những người sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại mới có khả năng hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng và những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não tương lai...". Trên nhiều góc độ, câu nói này rất đáng để suy nghĩ. Khi khả năng nghiên cứu khoa học không phải là lựa chọn hàng đầu trong quá trình tuyển dụng, khi nghiên cứu khoa học không được xem là hoạt động bắt buộc đối với mỗi giảng viên, khi sinh viên không được sống trong môi trường sáng tạo để tự trang bị cho mình kinh nghiệm tự học, phương pháp nghiên cứu... thì hệ quả sẽ thế nào?

1. Nghiên cứu khoa học trong các trường đại học đã trở thành vấn đề "nóng" từ nhiều năm trước, nhiều cảnh báo đã được đưa ra, nhiều giải pháp ở những cấp độ khác nhau đã được thực hiện, nhưng hiệu quả mang lại không bao nhiêu. Có thể thẳng thắn nhận định: Trình độ nghiên cứu khoa học ở nhiều trường đại học đã có những bước lùi, không đáp ứng được đòi hỏi tự thân của mỗi nhà trường cũng như việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu các nhà giáo - nhà khoa học đã nỗ lực giành được trong nhiều năm qua, mà điều quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn thẳng vào một thực tế: Nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở nước ta hiện nay đang "có vấn đề"...

Chúng ta không thiếu nhân tài! Điều đó không sai, nhưng có một thực tế là số lượng giảng viên ở các trường đại học tham gia (được tham gia) nghiên cứu không nhiều. Tất nhiên có lý do. Ở trình độ thạc sĩ có thể hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy nhưng để nghiên cứu và bảo đảm nghiên cứu có chất lượng các đề tài khoa học phải cần đến học vị cao hơn (cũng có nhà nghiên cứu xuất sắc dù học vị không cao, nhưng không nhiều). Thế nhưng, những người hội tụ được điều kiện và khả năng nghiên cứu tại nhiều trường đại học (đủ điều kiện để được duyệt thực hiện đề tài) lại thường có học hàm, học vị và cả thành tích nghiên cứu... nên phải đảm nhiệm số giờ giảng nhiều hơn, có người dạy tới 1.000 - 1.500 tiết/năm. Với số giờ giảng như vậy, thời gian và sức lực dành cho nghiên cứu hầu như không còn. Chính điều này đã góp phần biến nhiều nhân tài khoa học thành "thợ giảng".

Một vấn đề nữa, hiện nay, nhiều trường đại học đã thực hiện cơ chế xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu và đấu thầu đề tài, nhưng những người thực hiện (muốn thực hiện) thường đưa ra hướng nghiên cứu vốn là thế mạnh của mình. Còn những vấn đề thực sự cần thiết xuất phát từ nhu cầu của nhà trường hay xã hội... thì như chuyện "cha chung...". Chưa kể nhiều giảng viên theo đuổi hướng nghiên cứu khác xa với chuyên môn đang đảm nhiệm nên không thể bổ sung kết quả nghiên cứu cho giảng dạy. Một thực tế nữa, đã có nhiều viện nghiên cứu được hình thành trong trường đại học, nhưng người giảng dạy vẫn cứ giảng dạy, người nghiên cứu vẫn cứ nghiên cứu, còn kết quả nghiên cứu có thể phục vụ công tác giảng dạy hay không lại là câu chuyện khác... Tóm lại là mạnh ai nấy làm.

Rất đáng nói là theo quy định của nhiều trường đại học, giảng viên phải thực hiện một số lượng giờ nghiên cứu nhất định, từ đó quy ra bao nhiêu bài báo, đề tài… Nói cách khác là khoán. Kiểu khoán như vậy đã tạo ra những kiểu làm khoa học "không giống ai" với mục đích cuối cùng là "hoàn thành kế hoạch". Cùng với việc áp dụng triệt để những cái "có sẵn" nhằm giảm thiểu chi phí, việc copy - paste đã trở thành "chuyện thường ngày" trong hoạt động nghiên cứu. Kết quả của những việc làm phản khoa học ấy là vô số công trình, đề tài khoa học na ná như nhau. Giá trị khoa học, hàm lượng chất xám không bao nhiêu. Sau khi nghiệm thu được xếp vào tủ kính hoặc đút vào ngăn kéo. Cách làm khoa học như vậy vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, vừa làm hỏng tư duy của các nhà nghiên cứu và gây ra không ít hệ lụy...

Theo thống kê mới đây, trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 350 bài báo của các nhà nghiên cứu Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Và theo một xếp hạng đánh giá gần đây, chỉ số sáng tạo tri thức của Việt Nam xếp thứ 76/141 quốc gia, chỉ số kinh tế tri thức xếp hạng 106/145 quốc gia (xếp hạng này được đánh giá qua các chỉ số về chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm tri thức và công nghệ, sự tinh tế của thị trường khoa học công nghệ...). Những con số nêu trên nói lên điều gì? Các nhà khoa học nghĩ gì về thực trạng nghiên cứu tại các trường đại học hiện nay?

2. Từ những nhận định nêu trên, có thể thấy, rất nhiều người trong đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học hiện nay không "sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại". Nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên có rất nhiều: Thiếu cơ chế khuyến khích nghiên cứu, thiếu định hướng khoa học, thiếu sự liên kết giữa các trường... Có hai nguyên nhân cơ bản theo GS Ngô Bảo Châu là: Quy trình tạo nguồn và chế độ ưu đãi đối với các nhà khoa học.

Quy trình tạo nguồn phổ biến mà các trường đại học ở Việt Nam đang áp dụng là giữ lại trường các sinh viên giỏi, tiếp tục đào tạo sau đại học, hỗ trợ du học, làm luận văn ở nước ngoài. Có thể nói việc lựa chọn những sinh viên có khả năng, chấp nhận gắn bó với công việc nghiên cứu và giảng dạy (nói "chấp nhận" là bởi khác với nhiều năm trước, những năm gần đây khi cơ hội việc làm mở ra nhiều hơn, người ở lại trường không hẳn đã là những sinh viên xuất sắc nhất - điều này có ảnh hưởng nhất định tới chất lượng tạo nguồn) đưa ra nước ngoài đào tạo là một giải pháp tích cực để duy trì đội ngũ với những nhà khoa học trẻ ít nhiều có trải nghiệm quốc tế. Thế nhưng, theo GS Ngô Bảo Châu, quy trình tạo nguồn này cũng cho thấy nhiều điểm yếu trong xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu. Đó là sự thiếu hấp dẫn của vị trí làm việc, thiếu tính cạnh tranh trong tuyển dụng và thiếu tính linh hoạt trong tổ chức cán bộ.

Nếu các trường chỉ ưu tiên tuyển những đối tượng mình "quy hoạch" mà không quan tâm đến những đối tượng "ngoài luồng" khác sẽ dẫn đến thiếu cạnh tranh. Còn về mặt học thuật, sự thiếu "máu mới" trong tuyển dụng và đào tạo sẽ dẫn đến trì trệ trong nghiên cứu... GS Ngô Bảo Châu nhận định như vậy, đồng thời đề xuất: Quy trình tuyển chọn giảng viên đại học cần có sự thống nhất cho tất cả các trường tiến tới tạo thị trường tuyển dụng thông suốt trong cả nước... Đề xuất này có cơ sở, nhưng có một thực tế, giờ đây giảng viên đại học - nhà nghiên cứu không còn là công việc thật sự hấp dẫn, là lựa chọn số một đối với những người trẻ có năng lực thật sự. Do vậy, vấn đề không chỉ là mở rộng đối tượng tuyển dụng mà quan trọng hơn, phải tạo được "lực hấp dẫn" cho vị trí công việc. Thế nhưng đây lại là vấn đề nan giải nhất.

"Cơm áo" không "đùa" với bất cứ ai. Giảng viên - nhà nghiên cứu không thể "sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại" với đồng lương như hiện nay (quy định chung về thang lương của công chức, viên chức nhà nước). Do vậy, việc yêu cầu họ "hiểu và truyền tải những kiến thức nền tảng, những phát kiến tiên tiến nhất cho lực lượng lao động trí não trong tương lai" có phần thiếu thực tế. Một khi đồng lương không đủ cho cuộc sống tối giản, không thể nói đến "lực hấp dẫn" của các trường đại học đối với những cá nhân xuất sắc. Kinh phí khoa học cho một đề tài cấp trường khoảng 15 - 20 triệu đồng và cho một bài báo khoảng 500.000 - 700.000 đồng, khó có thể đòi hỏi về hàm lượng khoa học. Tư duy và tri thức không thể thăng hoa khi bị ràng buộc bởi "cơm, áo, gạo, tiền". Hết thảy đều biết vậy, thực tế có nhiều trường đại học đã loay hoay đủ kiểu để hỗ trợ cho giảng viên - nhà nghiên cứu, nhưng những cơ chế kiểu "giật gấu vá vai" không giải quyết được vấn đề căn bản.

Để các giảng viên - nhà nghiên cứu có thể "sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại" phải giải quyết hàng loạt vấn đề như quyền tự chủ, cơ chế tài chính của các trường đại học... Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đã thẳng thắn thừa nhận: "Với cơ chế hiện nay, đơn giản chỉ riêng vấn đề lương cho GS Ngô Bảo Châu mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ như tôi cũng không quyết được thì cơ chế tài chính còn rất gian nan". Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, tỷ trọng nghiên cứu tại Việt Nam nghiêng về các viện nghiên cứu chứ không phải các trường là do nhiều năm chúng ta không dành sự quan tâm thích đáng cho các trường trong việc nghiên cứu khoa học...

Người xưa nói "không thầy đố mày làm nên". Không có những giảng viên - nhà nghiên cứu "sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại" thì không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế tri thức. Hàng loạt hội nghị, hội thảo, diễn đàn liên quan đến giáo dục đại học được tổ chức trong thời gian gần đây đã cho thấy sức nóng của đòi hỏi đổi mới. Con tàu giáo dục đại học Việt Nam cần được tiếp đầy đủ nhiên liệu và có một đường ray mới để rút ngắn khoảng cách với thế giới phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sống và thở ở tiền tuyến của tri thức nhân loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.