Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng lấy sai phạm để xóa tinh thần thiện nguyện

Cù Xuân Trường| 25/08/2014 05:40

(HNM) - Ngày 22-8-2014, Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo số 803-TB/TU về kết luận của Thường trực Thành ủy đối với công tác quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề.

Theo đó, Thường trực Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố phải chấn chỉnh, xử lý vi phạm, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, tránh để xảy ra vụ việc tương tự. Về các đối tượng đang được chăm sóc tại chùa Bồ Đề, trong trường hợp nhà chùa tiếp tục có nguyện vọng nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan chức năng xem xét cụ thể, cho phép nhà chùa nuôi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần các đối tượng phải được chăm sóc tốt. Trước mắt, UBND thành phố cần chỉ đạo phân loại để đưa các đối tượng tái hòa nhập tại cộng đồng và đưa về nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội thành phố. Thường trực Thành ủy cũng chỉ đạo Công an thành phố tiếp tục điều tra, sớm kết luận vụ việc có dấu hiệu mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để có phương án xử lý hợp tình, hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật...

Trước đó, theo thông tin chính thức được UBND quận Long Biên (tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức), cơ quan chức năng của quận đã tiến hành kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa Bồ Đề và đã kết luận: Do số lượng đến nương nhờ tại chùa ngày càng nhiều nên cơ sở vật chất không bảo đảm, người chăm nuôi các đối tượng không có kỹ năng nghiệp vụ, chùa không có kinh nghiệm quản lý, chưa nắm bắt rõ các quy định của pháp luật... Các cơ quan quản lý nhà nước chưa hướng dẫn sâu sát, chưa kiên quyết đối với một số việc liên quan đến nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại chùa..., tạo ra sơ hở để kẻ xấu lợi dụng trục lợi cá nhân... Liên quan đến vụ việc này, cơ quan chức năng của thành phố đã khởi tố Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (theo Bộ luật Hình sự).

Nhắc lại như vậy để thấy rõ quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội là hết sức công minh. Trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và của nhà chùa đến đâu trong việc bảo trợ những số phận bất hạnh, đã được đoàn thanh tra liên ngành làm rõ. Cơ quan thực thi pháp luật của thành phố cũng đã xác định những hành vi bất nhân, lợi dụng lòng nhân ái, lợi dụng "cửa Phật" để vi phạm pháp luật và trục lợi, từ đó xử lý theo quy định của pháp luật những cá nhân vi phạm... Thời gian tới, công việc điều tra vẫn được tiến hành để tiếp tục làm sáng tỏ những nghi vấn đang "tạo sóng" trong dư luận, trách nhiệm của một số cá nhân khác đang được làm rõ và tiếp tục sẽ xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai.

Về sự việc ở chùa Bồ Đề, hiện vẫn còn có những quan điểm khác nhau, những cách nhìn, đánh giá khác nhau, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Để đánh giá chính xác, khách quan một sự việc dù đứng trên quan điểm nào, cũng nên đặt sự việc trong tiến trình vận động để có cái nhìn khách quan và hành xử đúng mực.

Như chúng ta đã biết, ngày 22-8, thành phố đã tổ chức chuyển 17 trẻ em và 15 người già từ chùa Bồ Đề đến Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội tại xã Thụy An, huyện Ba Vì. Một bé có HIV được chuyển sang Trung tâm bảo trợ số 2. Những con người đáng thương chuyển đến nơi ở mới trong tiếng nấc nghẹn của nhiều ni sư, bảo mẫu lâu nay đã gắn bó với họ. Nỗi trăn trở dường như đang đeo bám tất cả: "Người trong cuộc", nhà quản lý và cả những người đã tạo nên "cơn sốc" dưới mái chùa danh tiếng... Trong lớp lớp thông tin dày đặc của giới truyền thông (có lúc làm người ta hoang mang lo sợ) là những khoảng lặng. Với một xã hội mà "thương người như thể thương thân" đã trở thành đạo lý, thành lẽ sống, thì câu chuyện liên quan đến chùa Bồ Đề trên một số tờ báo đã đăng tải thật sự là một cú sốc. Đặc biệt, với những người đã gửi gắm tinh thần thiện nguyện ở nơi cửa chùa cho những hoạt động trợ giúp cộng đồng, càng sốc hơn. Thế nhưng, lắng lại sau những cuộc "truy đuổi sự thật", những "tuyên ngôn nhân ái" là không ít trắc ẩn, không ít vấn đề, kể cả trách nhiệm công dân của những người cầm bút, trách nhiệm của các cơ quan chức năng.

Trong số những đứa trẻ đáng thương nương nhờ chùa Bồ Đề, Kiều Tâm Anh là một trường hợp đáng thương nhất. Cháu Tâm Anh bệnh ly thượng bì bóng nước - một căn bệnh di truyền hiếm gặp trên thế giới. Vài ngày tuổi, trên da bé đã xuất hiện những con giòi và có lẽ vì vậy mà mẹ đẻ của cháu đã không vượt qua nổi sự thật đau đớn nên từ bỏ đứa con mang nặng đẻ đau. Những năm ở chùa Bồ Đề, Tâm Anh chỉ biết khóc và chịu đựng những vết thương hành hạ. Theo như một số cơ quan báo chí thông tin, một nhóm thiện nguyện đã nhiều lần "xin" đưa bé đi chữa bệnh nhưng... không được, họ buộc phải cầu cứu cơ quan chức năng và ngày 21-8 Tâm Anh đã được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An - Ba Vì. Câu chuyện 10 thùng sữa và 5 phút gặp bé Tâm Anh đang lan nhanh trên báo mạng, gây không ít bức xúc. Tuy nhiên, cũng có thể đặt câu hỏi: Nếu năm 2012, chùa Bồ Đề không mở lòng từ bi với hài nhi tật nguyền đựng trong chiếc làn nhỏ, do một bà lão nhân ái nhặt được ở chân cầu Thanh Trì đưa đến chùa, liệu có câu chuyện của bé Tâm Anh ngày hôm nay? Những năm qua có bao nhiêu đứa trẻ bị chính người thân yêu nhất bỏ rơi mà nhà chùa đã phải đưa tay cứu vớt, nuôi dưỡng? Nếu hàng trăm số phận bất hạnh ấy bị vô tâm đẩy ra xã hội, đối mặt với những cái xấu, cái ác thì điều gì sẽ đến? Trong những cái gọi là công - tội mà một số người đang sôi sùng sục để phán xét, thì công bằng mà nói, những thân phận đáng thương đã được ở chùa Bồ Đề đều nợ nơi đây một món nợ tâm thức.

Cả chục năm qua, chùa Bồ Đề đã cưu mang cả trăm người như những người già không nơi nương tựa, trẻ có HIV, thiểu năng trí tuệ... bị chính những người ruột thịt bỏ rơi. Cha mẹ dứt ruột đẻ ra mà đang tâm bỏ rơi đứa con của mình thì chẳng còn gì để nói. Nhưng trong khi đó ở xã hội chúng ta lại có biết bao người dưng dang tay ra đón nhận và chăm sóc, yêu thương những đứa trẻ bất hạnh đó. Đấy là niềm an ủi, là sự lắng đọng của tình người giữa những lo toan, tranh giành đời thường. Và như vậy, những gì mà chùa Bồ Đề làm được những năm qua ít ra cũng là sự lắng đọng của tình người.

Vậy còn cách chăm sóc các bé ở ngôi chùa này thì thế nào? Rõ ràng rất "có vấn đề", đáng chê trách, nhưng không nên đánh đồng việc phát tâm thiện nguyện của những ni sư nhà chùa với trách nhiệm của các trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước. Hơn nữa, ngay trong mỗi gia đình cũng không tránh khỏi những cơn ấm lạnh, những "tiếng bấc, tiếng chì", những xung khắc giữa cha mẹ - con cái, vợ - chồng..., nên không thể đòi hỏi quá nhiều ở những người không "máu mủ ruột rà", không được đào tạo về nuôi dưỡng, chăm sóc người già, trẻ nhỏ với những số phận tật nguyền, nhất là khi chúng ta không phải đối mặt với khó khăn mà họ đang gánh chịu. Và nữa, trong xã hội hay nơi cửa chùa, đều có người tốt, có người xấu, có cái thiện, có cái ác. Thế nhưng, khi xã hội còn có những người bố, người mẹ đang tâm vứt bỏ con mình thì dù ấm ít, ấm nhiều, chùa Bồ Đề vẫn là mái ấm! Thiện tâm của nhà chùa cần được xã hội ghi nhận.

Mặt trái của cơ chế thị trường ngày càng tác động nhiều hơn đến đời sống xã hội; cái tốt, cái xấu đan xen, len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, hiện diện trong mỗi gia đình. Xã hội đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong tiến trình phát triển và chuyện trẻ em lang thang, người già cơ nhỡ tiếp tục là vấn đề mà Nhà nước và xã hội đang rất quan tâm. Trách nhiệm bảo trợ xã hội trước hết thuộc về nhà nước, nhưng xã hội nào cũng vậy, cũng cần những tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân để sẻ chia nỗi nhọc nhằn, cơ cực trong mỗi gánh nặng cuộc đời. Nhân lên tinh thần tương thân tương ái trong xã hội là biểu hiện cao đẹp của tinh thần nhân văn. Nhà chùa - một thiết chế quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, trong lịch sử dân tộc cũng như hiện nay đều trở thành mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh, địa chỉ cho những tấm lòng nhân ái phù hợp với đạo lý dân tộc. Tại Thông báo số 803-TB/TU, Thường trực Thành ủy chỉ đạo: Trong trường hợp nhà chùa tiếp tục có nguyện vọng nuôi dưỡng chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan chức năng xem xét cụ thể, cho phép nhà chùa nuôi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật, với tinh thần các đối tượng phải được chăm sóc tốt. Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội như vậy là phù hợp với tinh thần nhân ái có điều kiện và mọi tấm lòng đều có thể góp phần chia sẻ khó khăn của xã hội.

Chùa Bồ Đề đang bị thử thách trước những hoài nghi về lòng nhân ái, với những trăn trở đến chạnh lòng của không ít người, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng vẫn mở lòng sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh. Trong một trả lời phỏng vấn, Hòa thượng Thích Huệ Trí - Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói: Một tu sĩ, trước hết phải là một công dân tuân thủ pháp luật, bên cạnh việc tu tập, tuân thủ Phật pháp... Trong sự việc chùa Bồ Đề, chúng tôi tôn trọng cách xử lý của pháp luật. Nếu cơ quan điều tra công bố việc vi phạm pháp luật của tu sĩ thì bản thân tu sĩ đó trước hết phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tiếp đến Giáo hội sẽ xử lý theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam...

Nhà nhà tu hành hay ai cũng vậy, đều không thể đứng trên pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được làm rõ và xử lý thích đáng, nhưng rõ ràng trong vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, không thể xóa đi những giá trị của lòng nhân ái. Mỗi người (kể cả người cầm bút) cần nhận diện sự việc một cách khách quan, và điều cần thiết lúc này là không chạy theo "tâm lý đám đông" cuồng nộ mà phải hết sức tỉnh táo, khách quan. Không ai tránh được thiên vị khi tình cảm bị thử thách, nhưng nếu là người "cần câm nảy mực" thì lại không được phép thiên vị. Khi tỉnh táo và khách quan mỗi người sẽ có cách ứng xử văn minh, phù hợp đạo lý và pháp luật. "Làm người phải đắn phải đo/Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu" - người xưa đã nói như vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đừng lấy sai phạm để xóa tinh thần thiện nguyện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.