Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lỗ hổng quản lý

Lê Đức Hải| 08/09/2014 05:34

1. Mấy ngày qua, câu chuyện xe khách giường nằm (XKGN) của nhà xe Sao Việt rơi xuống vực sâu 200m trên quốc lộ 4D vào tối 1-9, khi đang trên đường từ khu nghỉ mát Sa Pa về TP Lào Cai, đang là tâm điểm của dư luận.

Không chỉ vì mức độ thảm khốc của vụ tai nạn nghiêm trọng này (13 hành khách tử vong và hàng chục người khác bị thương) mà dư luận còn lo lắng, bất an vì đây chỉ là "điểm nhấn" về tình trạng tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ lễ 2-9. Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ mà xảy ra tới 186 vụ tai nạn giao thông, làm chết 115 người và bị thương 145 người, rõ ràng đây là thông tin đáng báo động về công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là đối với xe khách chạy tuyến đường dài, XKGN...

Trong vụ tai nạn giao thông ở Lào Cai, mặc dù các cơ quan chức năng vẫn chưa thể có kết luận chính xác về tổng số hành khách đi trên "chuyến xe định mệnh" (để có thể khẳng định nhà xe có chở quá số người quy định hay không); XKGN này có được cấp phép đến Sa Pa hay chỉ được chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai (tức là có chạy "chui" lên Sa Pa hay không)..., thế nhưng dư luận còn thắc mắc ở chỗ vì sao đến thời điểm này những chiếc XKGN cao lênh khênh, kích cỡ cồng kềnh như thế vẫn được phép chạy trên những tuyến đường miền núi lắm đèo dốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn? Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong hai năm trở lại đây đã xảy ra 22 vụ tai nạn liên quan đến XKGN, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Thực tế thì hằng ngày có hàng nghìn chiếc XKGN chạy trên khắp các tuyến đường của đất nước, trong đó có nhiều cung đường miền núi quanh co, nguy hiểm... Và trong số hàng nghìn XKGN ấy có một số lượng không nhỏ là xe hoán cải, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là có không ít xe chạy "chui" hoặc chở quá số người quy định... Trong số hàng nghìn tài xế điều khiển XKGN có không ít người thiếu kinh nghiệm, chủ quan, phóng nhanh vượt ẩu..., thậm chí không có cả bằng lái (thực tế đã có trường hợp như vậy). Thế nhưng lâu nay những bất cập như thế vẫn thường xảy ra, vẫn được xem như "chuyện thường ngày ở huyện", mặc dù chúng ta có cả một hệ thống bao gồm cơ quan quản lý các cấp và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chỉ đến khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra, thiệt hại lớn về người và tài sản thì tất cả mới ớ ra là công tác quản lý nhà nước đối với loại XKGN nói riêng và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung có nhiều "lỗ hổng". Cũng giống như chuyện xe khách gặp tai nạn vì không đi lọt gầm cầu vượt ở tỉnh Bạc Liêu mới đây, chỉ đến khi xe "bay" mất nóc, nhiều hành khách bị thương người ta mới vỡ lẽ ra là cầu vượt được xây quá thấp!

2. Nhắc tới chuyện tai nạn, mới thấy lâu nay cụm từ "lỗ hổng quản lý" dường như đã quen thuộc, đến mức hỏi "giáo sư Google" lập tức cho ra ngót nửa triệu kết quả. Kinh tế - xã hội có "lỗ hổng" trong quản lý xuất nhập khẩu, "lỗ hổng" trong quản lý chung cư, rồi "lỗ hổng" trong quản lý thuế... Ngay như lĩnh vực văn hóa, cụ thể là trong quản lý hoạt động xuất bản lâu nay vẫn tồn tại "lỗ hổng" to tướng khi tình trạng sách lậu, vi phạm bản quyền tràn lan; trong quản lý di tích cũng có không ít "lỗ hổng" mà hậu quả điển hình là "phong trào làm mới di tích", gần đây lại phát sinh chuyện nghê đá, sư tử đá nguồn gốc ngoại lai...; hay như vụ phim sitcom 18+ cũng cho thấy công tác quản lý ấn phẩm xuất bản trên mạng đang bị "thủng"...

Đáng chú ý là một số vụ việc xảy ra gần đây cũng bộc lộ nhiều kẽ hở ở khâu quản lý. Đơn cử như vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, đành rằng có trách nhiệm của nhà chùa, nhưng rõ ràng cơ quan quản lý các cấp đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công dân - cụ thể ở đây là chùa Bồ Đề - chấp hành đúng chủ trương, quy định của pháp luật, đặc biệt là khi hệ thống văn bản pháp lý của chúng ta còn trong tình trạng vừa thiếu vừa thừa, vừa chồng chéo. Mới đây là vụ 3 trẻ ở Khánh Hòa tử vong sau khi phẫu thuật dị tật hàm ếch tại chương trình phẫu thuật nụ cười miễn phí do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 tổ chức. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc đã lộ ra nhiều "lỗ hổng" trong công tác quản lý hoạt động phẫu thuật nhân đạo. Vì sao một trung tâm chỉ được cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học với một người đứng đầu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, thậm chí đã từng để xảy ra tử vong sau một ca nâng ngực hồi năm 2011 và cơ quan công an đã khởi tố vụ án, lại có thể tiếp tục tiến hành hàng nghìn ca phẫu thuật thẩm mỹ một cách dễ dãi như thế? Phải chăng vì núp bóng từ thiện, nhân đạo mà trung tâm này dễ dàng qua mặt được các cơ quan quản lý, hay vì lãnh đạo trung tâm này đã khéo "lách luật"? Tại sao sau những "gương tày liếp" như Phòng khám Hương Sơn và nhất là vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường chấn động dư luận, cơ quan chức năng không cảnh tỉnh mà chấn chỉnh hoạt động của chính mình, tức là siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở khám chữa bệnh "chui", để đến khi tiếp tục xảy ra chết người thì mới giật mình vào cuộc...? Đó là những câu hỏi chưa thể có câu trả lời thỏa đáng. Một chuyện khác cũng vừa làm "dậy sóng" dư luận là vụ thực phẩm chức năng An Cung Ngưu Hoàng Hoàn bị phát hiện chứa nhiều chất nguy hiểm cho sức khỏe của người sử dụng. Chính vì sự dễ dãi, yếu kém trong quản lý mà cả nhà sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm nguy hại này mới có thể tạo sự mập mờ, nhập nhèm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Khi cơ quan chức năng phát hiện, bịt "lỗ hổng" thì đã có bao nhiêu người tiêu dùng bị lừa và lãnh hậu quả? An Cung Ngưu Hoàng Hoàn chỉ là một điển hình mới nhất, trong khi từ lâu báo chí đã phản ánh sự nhập nhèm, đánh đồng một số loại rượu thuốc (có nồng độ cồn) với thực phẩm chức năng, hậu quả không chỉ người tiêu dùng lãnh đủ mà còn khiến ngân sách thất thu. Không chỉ là quản lý không tốt nên phải "thả gà ra đuổi", mà có ý kiến còn cho rằng trong trường hợp này chính cán bộ quản lý đã tiếp tay cho doanh nghiệp lách thuế khi xác nhận đó là thực phẩm chức năng, bởi khó có thể nói là những cán bộ này không biết đó là thực phẩm chức năng hay rượu thuốc, vì hơn ai hết họ là người có trình độ chuyên môn, được phân công, giao trách nhiệm quản lý, kiểm soát trong lĩnh vực hoạt động của mình...

3. Trong bất kỳ một xã hội nào, ở bất kỳ một quốc gia nào, trong bất cứ thời kỳ, giai đoạn lịch sử nào quản lý nhà nước cũng là một công việc hết sức quan trọng, khó khăn và phức tạp, liên quan đến toàn bộ hoạt động của một đất nước. Trong một xã hội hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng thì công tác quản lý nhà nước càng trở nên quan trọng, khó khăn và phức tạp hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy công tác quản lý của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội ở nước ta đều bộc lộ "lỗ hổng". Nguyên nhân thì có nhiều, song như lý giải "cửa miệng" của nhiều cán bộ quản lý thì chủ yếu là do "lực lượng mỏng, địa bàn rộng...". Nói như vậy cũng không sai nhưng chưa hẳn đã đúng.

Với tình trạng "7 bộ quản lý một cái xúc xích" thì không thể nói là chúng ta thiếu bộ máy quản lý và thiếu lực lượng thực thi công vụ. So với bộ máy quản lý của nhiều quốc gia trên thế giới thì chúng ta có một đội ngũ cán bộ, công chức ăn lương ngân sách đông đảo, nếu xếp tỷ lệ cán bộ/số dân hẳn chúng ta phải ở top đầu. Thế nhưng hiệu quả công việc thì... Đáng nói là khi hưởng lương từ ngân sách (từ tiền thuế của dân), được giao trọng trách, lẽ ra phải là chỗ dựa an toàn nhất của Nhà nước và của dân trong việc quản lý xã hội, thế nhưng đội ngũ này lại bộc lộ nhiều yếu kém gây ra nhiều "lỗ hổng". Đó là sự yếu kém trong năng lực chuyên môn, yếu kém trong phẩm chất đạo đức, trong trách nhiệm phục vụ nhân dân của không ít "công bộc" trong đội ngũ này... Đáng báo động là tình trạng cán bộ, công chức "đi ra đi vào", "ngồi nhầm chỗ"... đang khá phổ biến ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, bên cạnh ảnh hưởng dai dẳng của cơ chế quan liêu, tâm lý "cha chung không ai khóc" thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến công tác quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội có nhiều "lỗ hổng" là bởi vì chúng ta thiếu những cán bộ thực sự có tâm và có tầm. Thiếu tầm dẫn đến lúng túng, xử lý yếu kém trong lĩnh vực được phân công, giao nhiệm vụ; thiếu tâm khiến những công bộc này phục vụ nhân dân thì ít mà nghĩ đến lợi ích cá nhân để nhũng nhiễu, hành dân thì nhiều và đây cũng là nơi phát sinh các tệ nạn tham nhũng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều "lỗ hổng" quản lý nếu không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục sẽ có nguy cơ tạo nên "lỗ thủng lớn" - khiến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội kiệt quệ, xói mòn niềm tin… Vì vậy, phải nhanh chóng khắc phục những "lỗ hổng" trong quản lý nhà nước bằng cách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ kế cận vừa "hồng" vừa "chuyên" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lỗ hổng quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.