Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề cốt tử của thể thao Việt Nam

Đức Huy| 22/09/2014 05:47

(HNM) - Hôm nay 22-9, Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 17 (ASIAD 17) - Incheon (Hàn Quốc) năm 2014 bước sang ngày thi đấu chính thức thứ ba. Đoàn thể thao Việt Nam vẫn đang nỗ lực cho mục tiêu giành "vàng" ở đấu trường thể thao lớn nhất châu lục mà mọi cuộc đấu trong khuôn khổ đại hội thể thao này đều hết sức khốc liệt - có lẽ chỉ kém Olympic mà thôi.



Có thể thấy rõ điều đó trong ngày thi đấu đầu tiên của ASIAD, khi những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam - các vận động viên bắn súng, cử tạ đã không thể vươn tới đích cuối cùng dù họ đã có cơ hội có thể coi là lớn nhất trong đời vận động viên. Thạch Kim Tuấn (cử tạ, hạng 56kg) đã phá kỷ lục Châu Á và kỷ lục ASIAD ở nội dung cử giật nhưng thua tâm phục khẩu phục trước vận động viên của CHDCND Triều Tiên ở nội dung cử đẩy, "mất" huy chương vàng ở phút cuối. Nguyễn Hoàng Phương (súng ngắn bắn chậm 50m nam) bước vào loạt bắn cuối cùng trong thế dẫn điểm so với vận động viên của Ấn Độ, nhưng hai viên cuối của anh rất tồi, mất "vàng" theo cách không thể tiếc hơn. Hôm qua 21-9, ở ngày thi đấu thứ hai, cũng vẫn những con người đã giành huy chương bạc cá nhân, huy chương đồng đồng đội trong ngày thi đấu trước đó đã trắng tay ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam.

Đành rằng trong thi đấu thể thao, những người thắng cuộc cuối cùng cần thêm yếu tố may mắn nhưng hai "thất bại" nói trên cho ta thấy nhiều điều về chuyên môn, trong đó có bóng dáng những vấn đề mang tính cốt tử của một nền thể thao, cả ở khâu xây đắp nền móng và tạo dựng mũi nhọn đỉnh cao, tức đào tạo trẻ và huấn luyện, tổ chức tập huấn cũng như chăm sóc giáo dục vận động viên. Đó là những điều đã được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, không chỉ với bắn súng, cử tạ mà còn cả trong các môn bóng chuyền, bóng đá, điền kinh, bơi lội, bắn cung… mà nếu suy xét một cách công bằng, ta có thể thấy cả niềm vui và sự thất vọng trong những câu chuyện đó. Chẳng hạn, cùng là "mất vàng" nhưng chiếc huy chương bạc của Thạch Kim Tuấn đánh dấu sự trở lại của vận động viên này, sau quãng thời gian đi xuống về nhiều mặt chứ không chỉ về chuyên môn, nó cho thấy niềm hy vọng "vàng" mà người hâm mộ cũng như giới chức thể thao đặt vào anh có thể được nuôi dưỡng trong thời gian tới. Chiếc huy chương bạc (hiểu theo nghĩa thất bại trong khuôn khổ một loạt bắn chung kết) của vận động viên Nguyễn Hoàng Phương cho thấy điều khác. Ngoài sự phấn khởi vì bắn súng Việt Nam có thêm một niềm hy vọng mới ở một vận động viên trẻ (sinh năm 1986) thì còn bộc lộ "vấn đề cũ" của bắn súng cũng như nhiều môn thể thao khác: Bản lĩnh thi đấu, tâm lý thi đấu trong những thời khắc quyết định còn yếu. Đó là sự yếu liên quan đến nhiều khâu khác trong chu trình huấn luyện thể thao đỉnh cao, bao gồm khâu huấn luyện, tổ chức tập huấn, tạo cơ hội cọ xát xứng đáng. Sự yếu đó, có thể, còn là do chúng ta đã hướng mục tiêu và đầu tư hơn mức cần thiết vào đấu trường SEA Games - sân chơi vốn được coi là "ao làng". Không nói đâu xa, một ngày trước khi Nguyễn Hoàng Phương và Thạch Kim Tuấn bước vào thi đấu tại ASIAD 17, trên truyền hình, một cựu tuyển thủ của Hà Nội đã nói rằng ASIAD là một sân chơi khác hẳn SEA Games. Đó không chỉ là nơi quy tụ các vận động viên hàng đầu châu lục, nhiều khi cũng là hàng đầu thế giới, mà còn là nơi mà khi vận động viên bước vào thi đấu, áp lực lớn đến nỗi có thể khiến anh ta không còn là chính mình. "Bởi vậy, vấn đề tạo cơ hội cọ xát xứng đáng để vận động viên được tôi luyện ý chí, tâm lý thi đấu là vô cùng cần thiết", cựu tuyển thủ này nói.

Người viết có một cảm giác, có thể khác với nhiều người khi chứng kiến Nguyễn Hoàng Phương và Thạch Kim Tuấn mất "vàng" trong buổi trưa và chiều tối 20-9. Cũng là tiếc nuối nhưng không đến nỗi tự dằn vặt như khi chứng kiến các tuyển thủ bóng đá ở đội tuyển quốc gia cũng như lứa U23 "biểu diễn" một cách thua trận tồi tệ, "ngoài chuyên môn", tại một số giải khu vực trong những năm trước. Nó cũng như khi ngồi trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình trong trận chung kết Giải Bóng đá U19 Đông Nam Á 2014, giữa một biển người hừng hực trong màu cờ Tổ quốc đỏ rực bốn phía khán đài và chứng kiến Đội tuyển Bóng đá U19 Việt Nam thua trận trước Nhật Bản. Ta thua vì yếu hơn bạn rất nhiều, cả về lối chơi, thể lực, tính chuyên nghiệp. Có gì mà cay cú? Lứa cầu thủ đó (U19 Việt Nam) cũng như Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Hoàng Phương đều còn trẻ (so với yêu cầu mang tính đặc thù của từng bộ môn), còn có thể tiến bộ, những lần thua nói trên, trừ yếu tố thành tích tức thời, có thể giúp họ có thêm bài học kinh nghiệm quý giá.

Đa số những người đại diện cho màu cờ Tổ quốc tại SEA Games, ASIAD, Olympic hay các giải đấu cấp thế giới đều đã cố gắng hết sức mình. Họ đã giúp thể thao Việt Nam thể hiện tiếng nói, một số đã thi đấu quật khởi, tạo đột biến, đem lại niềm vui sướng tự hào cho toàn thể người hâm mộ, như đầu giờ chiều hôm qua, 21-9, khi Dương Thúy Vi giành huy chương vàng đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam trong niềm vui bất tận của người hâm mộ thể thao cả nước. Tuy thế, những thành tích cao mà chúng ta thu nhận trong thời gian qua chưa nhiều, chưa mang tính bền vững. Số vận động viên tiệm cận trình độ hàng đầu châu lục và thế giới đếm trên đầu ngón tay. Muốn mỗi lần xuất quân của vận động viên Việt Nam là một lần đáng để chờ đợi, hy vọng thay vì lo lắng, tự ti, chúng ta cần dồn trí lực, vật lực cho việc triển khai thực hiện chiến lược tuyển chọn và đào tạo trẻ, tổ chức tốt hơn công tác huấn luyện, thi đấu tập huấn cũng như xác định mục tiêu thi đấu một cách hợp lý, thiết thực. Nói vậy là bởi hiện nay, dù công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện vận động viên trẻ của các bộ môn bóng đá, bơi lội, quần vợt có sự tiến bộ nhất định nhưng nhiều môn khác đang ở tình trạng báo động về tuyến kế cận, rõ nhất là ở bóng chuyền, cầu mây… và phần nào đó là ở một số nội dung của điền kinh, bóng đá nữ, cầu lông, bóng bàn. Khi khâu gieo mầm, nuôi dưỡng, chăm sóc không được thực hiện tốt, đều khắp, cơ thể các đội tuyển quốc gia tất không khỏe mạnh toàn diện, khó có thể trông đợi kỳ tích. Đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới không khác đội tuyển bóng đá, nhiều vị trí - bộ môn ở thế yếu thì không thể đòi hỏi thành tích lớn hơn với những gì ta có trong thực lực. Có thể nói gì khi ở môn cầu lông, một Nguyễn Tiến Minh "băm rồi", đã thể hiện sự đi xuống rõ ràng rồi mà vẫn là số một? Có thể chê trách bóng đá nữ đã không thể hoàn thành trọng trách giành quyền chơi ở vòng chung kết Giải Bóng đá nữ thế giới năm 2015 khi công tác tuyển chọn, đào tạo sau này đã không thể cho ra một hàng tấn công tiệm cận đẳng cấp của những Minh Nguyệt, Hiền Lương, Ngọc Mai hay một cầu thủ đa năng như Nguyễn Thị Mai Lan cách nay gần hai chục năm? Có thể vui không khi ở môn điền kinh, cự li tốc độ, Vũ Thị Hương chấn thương dài hạn, khá cao tuổi rồi mà vẫn là niềm hy vọng duy nhất ở cự li 100m, 200m? Hôm qua, tại nội dung bắn súng, "những người cao tuổi" như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường vẫn phải gánh vác trọng trách đầu tàu, Nguyễn Hoàng Phương, sau một ngày vụt sáng đã bị loại khỏi nội dung chung kết súng ngắn hơi 10m…

Chúng ta vẫn đang trong những ngày vui vẻ dõi theo từng trận đấu của các vận động viên Việt Nam tại ASIAD 2014, hy vọng vào những điều kỳ diệu sẽ xuất hiện. Thể thao Việt Nam có những vận động viên tài giỏi có mặt ở đó, đã thi đấu hoặc chưa, đã và sẽ giành huy chương hoặc thất bại, nhưng chỉ cần được xem họ thi đấu là người hâm mộ đã có được niềm vui. Vui ở chỗ, họ, như Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi, Hoàng Quý Phước (bơi lội), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Quách Thị Lan (điền kinh), Lừu Thị Duyên (boxing nữ)… còn trẻ, đa số là đại diện và là kết quả của cách đào tạo, tổ chức huấn luyện tương đối bài bản, dài hơi mà ngành thể thao có thể nhân rộng. Vui ở chỗ những Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Dương Thúy Vi (wushu), Nguyễn Trọng Cường (taekwondo), Vũ Thị Hương (điền kinh)… đều là những nhân vật rất đáng xem, mỗi cuộc đấu có họ tham gia đều mang lại một trải nghiệm đặc biệt.

Sau những sự kiện đặc biệt liên quan đến lứa cầu thủ U19 của Việt Nam, đặc biệt là của các "lò" đào tạo trẻ như Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, Hà Nội T&T, Sông Lam Nghệ An, những gì diễn ra tại ASIAD này cho ta thấy một điều rõ ràng: Trong bối cảnh của thể thao Việt Nam hiện tại, niềm vui không chỉ đến từ những tấm huy chương, những ngôi vô địch, mà còn đến từ cách đào tạo, tuyển chọn vận động viên bài bản, nghiêm túc. Niềm vui còn khiêm tốn ấy có thể được nhân lên nếu nhà quản lý thể thao tiếp tục hướng về tương lai dài hạn một cách quyết liệt, nhân rộng và phát triển những mô hình đào tạo đã thể hiện tính hiệu quả trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề cốt tử của thể thao Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.