Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không trả “lương khủng” cho những “cái ghế”!

Cù Xuân Trường| 29/09/2014 06:07

(HNM) - Một trong những thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận trong tuần qua là việc Bộ Công thương lần đầu tiên công khai mức lương lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Theo bảng kê lương, trong năm 2013 tổng số tiền mà 120 lãnh đạo của 11 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương nhận được vào khoảng 66 tỷ đồng. Trong đó, người nhận lương cao nhất là ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex: 74,72 triệu đồng/tháng (gần 900 triệu đồng/năm). Nhiều người tỏ ra khá bất ngờ với việc Bộ Công thương công bố rộng rãi thông tin vốn được coi là "nhạy cảm" và cho rằng nó phần nào thể hiện tính minh bạch. Cũng có người nói, mức lương công bố đã giảm so với trước đây, nhưng cũng chỉ là lương cứng, mà thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước thì không chỉ có lương cứng. Vậy, lương của lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vậy có cao không, có cần thiết phải công khai các thu nhập ngoài lương của các "ông lớn" này hay không? Cũng có người đặt câu hỏi: Tại sao người dân lại "dị ứng" với mức lương của họ?

Trước hết, khoản tiền nêu trên được tính toán dựa vào các quy định tại Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, theo đó, thù lao cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng (tương đương 432 triệu đồng/năm). Trong trường hợp đơn vị làm ăn hiệu quả, được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa (thêm 18 triệu đồng/tháng, không quá mức 54 triệu đồng/tháng). Và Bộ Công thương đã phê duyệt quỹ lương này sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ LĐ-TB&XH. Tuy nhiên, có không ít lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho rằng, quy định mức lương như vậy là quá cứng nhắc. Thậm chí, tại một hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, "thủ lĩnh" của một ngân hàng cho rằng: Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty rất khó sống với mức lương tối đa được quy định theo pháp luật hiện hành, thậm chí có "ông lớn" còn cho rằng, lương hơn 400 triệu đồng/năm chưa đủ tạo ra động lực để lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty cống hiến cho doanh nghiệp hoặc tiền lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang lạc nhịp với tình hình thị trường... Trong khi đó có nhiều người cho rằng, mức lương như quy định hiện hành cho các "ông lớn" là "trên trời" so với mặt bằng lương của người lao động. Có người nói: Họ (lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty) khó sống với mức lương ấy là vì không quen với mức lương mà phần lớn người trong xã hội nằm mơ vẫn không thấy! Cũng có người thẳng thừng: Họ kêu như vậy nhưng thu nhập thực tế cao hơn rất nhiều!

Vậy lương của "thủ lĩnh" các doanh nghiệp lớn của Nhà nước có cao không? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức lương như vậy là phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam và là bình thường so với các CEO của nhiều công ty trên thế giới. Con số tiền tỷ mà lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty nhận được hằng năm cũng không phải quá lớn nếu so với số vốn, tiền lương của doanh nghiệp họ quản lý. Và nếu chỉ đơn thuần làm phép cộng của lương "cứng" với hệ số tiền thưởng cho việc hoàn thành nhiệm vụ thì con số 50-60 triệu đồng (hoặc hơn) mỗi tháng không có gì là khó lý giải. Các cụ xưa vẫn nói "một người lo bằng cả kho người làm"... Giá trị lao động của người "đứng mũi, chịu sào" trên các lĩnh vực mũi nhọn nền kinh tế không thể so sánh với một công chức tầm tầm. Một điều cũng rất đáng nói, quỹ lương thường chỉ chiếm 5-7% chi phí sản xuất, trong khi đó, vốn hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có khi là hàng nghìn tỷ đồng. Nếu "thủ lĩnh" các doanh nghiệp điều hành hiệu quả công việc sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và đời sống cho người lao động, đóng thuế cho Nhà nước ngày một nhiều, sử dụng ngân sách nhà nước ngày càng ít thì khoản lương nêu trên không phải là quá cao.

Nếu so sánh lương "cứng" của các "sếp tổng" với vị trí giám đốc nhà máy thuộc ngành hàng tiêu dùng tại Hà Nội hay giám đốc sản phẩm của ngành dược tại TP Hồ Chí Minh, rõ ràng không phải là cao, kể cả khi vận dụng tối đa phần tăng thêm khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Vấn đề ở chỗ, đâu là căn cứ để đo đếm hiệu quả công việc của các "sếp tổng" trong doanh nghiệp nhà nước? Một khi vốn đầu tư lấy từ ngân sách, còn hiệu quả của doanh nghiệp không tính bằng chuyện lời lãi mà bằng mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thì đánh giá năng lực quản lý điều hành của người lãnh đạo như thế nào? Từ đây có thể đặt ra rất nhiều vấn đề cho câu chuyện: Lương của lãnh đạo cao cấp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tương xứng với hiệu quả công việc hay không?

Năm 2013, nhiều "ông lớn" công bố mức lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam: Doanh thu 100.000 tỷ đồng, lãi 3.000 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Doanh thu 172.000 tỷ đồng, dự kiến lãi 4.000 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam: Doanh thu ước đạt 119.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 9.265 tỷ đồng... Cứ theo suy nghĩ thông thường, doanh nghiệp lãi "khủng" như vậy thì lương của lãnh đạo cao ngất ngưởng cũng không có gì quá đáng. Vậy, tại sao người dân lại "dị ứng" với mức lương của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?

Việc người dân "dị ứng" với mức thu nhập "khủng" của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đương nhiên là có lý do. Những "ông lớn", liên danh, liên kết đầu tư tràn lan "sân sau, sân trước" dẫn tới thua lỗ, mất vốn... như Vinalines, Vinashin... đã để lại không ít hệ lụy cho xã hội và mặc dù Chính phủ đã tìm mọi cách để giải cứu thì một điều chắc chắn rằng các doanh nghiệp được xem là "mũi nhọn" này chưa thể phục hồi trong những năm tới. Trong các nguyên nhân gây thua lỗ, mất vốn của Nhà nước (mất tiền của nhân dân) không thể phủ nhận phần trách nhiệm về quản lý, điều hành của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty. Khi những "quả đấm thép" tan chảy, nhắc lại mức lương ngất ngưởng của các "sếp tổng" thì cũng là sự đã rồi, nhưng không thể không chạnh lòng khi nghĩ đến thu nhập của họ với những gì họ gây ra cho xã hội.

Thực tế, ngay cả những tập đoàn, tổng công ty vừa tuyên bố "lãi khủng" cũng có không ít vấn đề nếu không muốn nói là đang vận hành một cách "không bình thường". Chuyện Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam lãi lớn, nhưng vẫn cầu cứu Chính phủ bảo lãnh thêm cho các khoản vay thương mại, giảm phí môi trường, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào... cần được giải thích như thế nào? Chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam bất ngờ lãi hàng nghìn tỷ đồng sau nhiều năm báo lỗ và yêu cầu đưa giá điện về với giá thị trường (trong năm 2013, giá điện đã tăng 2 lần, mỗi lần thêm 5%, bất chấp phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng) có thể xem là bình thường, là minh bạch hay không? Rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, sản xuất ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp không có lợi nhuận, thậm chí càng sản xuất càng lỗ vì chi phí đầu vào quá lớn, thì việc lãi hàng nghìn tỷ đồng của ngành điện không thể coi

là chuyện bình thường. Rồi việc các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đồng loạt tăng giá cước 3G với lý do bù lỗ nhưng không giải thích được vì sao. Hay việc các nhà mạng này tự ý tích hợp thông tin trên sim, thu tiền nhưng không thông báo với người sử dụng... Làm ăn kiểu như vậy có phải là chộp giật hay không? Tiền từ túi các "thượng đế" chui vào túi nhà mạng như vậy có bình thường không? Có hay không câu chuyện các "ông lớn" bắt tay thao túng giá?

Có rất nhiều câu hỏi được dư luận đặt ra mà chưa thể sớm có câu trả lời. Song rõ ràng là một khi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ dựa vào "bầu sữa mẹ" hoặc dựa vào những thế mạnh riêng có được tạo ra từ cơ chế để kinh doanh, thì chắc chắn các vị lãnh đạo không thể xứng đáng được nhận mức lương cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập bình quân của người lao động. Và nếu có cơ chế để đánh giá hiệu quả công việc của lãnh đạo các doanh nghiệp này một cách khoa học, minh bạch, chắc chắn nhiều "sếp tổng" không thể nhận được mức lương "khủng" tới mức như vậy. Trả lương cao cho lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty là một cách thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc khuyến khích những người có năng lực thật sự và trả thù lao xứng đáng với công sức lao động và lợi nhuận mà họ mang lại cho doanh nghiệp, cho xã hội chứ không phải là trả lương cho chiếc ghế của họ. Nói như vậy để thấy rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh chính là cơ sở cho việc trả lương. Và ngồi vào ghế lãnh đạo để nhận lương cao ngất ngưởng rồi chỉ tay năm ngón, "sống chết mặc bay" là vô lối, không thể chấp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không trả “lương khủng” cho những “cái ghế”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.