Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người tử tế quanh ta

Cù Xuân Trường| 03/11/2014 06:06

(HNM) - Cuối tuần qua, cộng đồng mạng lại “sốt” với việc Thượng tá cảnh sát giao thông Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú Thủ đô, thực hiện ca trực cuối cùng với cây gậy chỉ đường bên cầu Chương Dương vồi vội người và xe.

Những câu chuyện xúc động về người lính già với trái tim yêu thương lan nhanh trong giới truyền thông, tạo một hiệu ứng “đặc biệt” và cũng để lại không ít ưu tư cho những con người đang bị cuốn vào đam mê thường nhật. Trong khoảng trống vô hình của tư duy, người ta có thể định hình về cái thiện - cái ác, sự cao cả - tầm thường, lòng trắc ẩn - sự vô cảm..., để nhận ra rằng xã hội có rất nhiều người tốt và nhiều lắm những điều tốt đẹp.

Những người đi qua cây cầu Chương Dương trong ngày 31-10 như muốn chậm lại, những cái bắt tay và cả những lời chúc tốt đẹp dành cho một con người đã 20 năm gắn bó với cây cầu. Một hình ảnh hiếm hoi và rất khó quên. Còn trên các trang mạng vốn không ít chao chát với thái độ của những người thực thi công vụ, người ta dành cho Thượng tá Lê Đức Đoàn một sự trân trọng: Đọc được thông tin chú Đoàn nghỉ hưu, tôi cảm thấy hơi hẫng hụt! Và rất nhiều, rất nhiều tình cảm xen lẫn tiếc nuối: Bác Đoàn làm người tham gia giao thông nhớ nhất ở nụ cười tươi, cái dáng đi gù gù và đặc biệt là cái vẫy tay chào thân ái với bất kỳ người lái xe, đa phần là xa lạ, trên trục đường bác đóng chốt, như một lời chúc thượng lộ bình an.

Chỉ một hành động nhỏ đó thôi cũng đủ khiến hình ảnh người CSGT trở nên gần gũi, thân thiện và đáng yêu trong mắt bao người đi đường... Hay: Bao năm mưa nắng rét mướt chạy qua cây cầu này, tôi đã quá quen với vóc dáng và nét mặt của anh. Một khuôn mặt hơi khắc khổ như thấu được bao buồn vui của nhân sinh. Thế nên, trong cái cuồn cuộn, xô đẩy, chen lấn inh ỏi của dòng người xe đi qua đây, thái độ của Thượng tá Lê Đức Đoàn khiến người ta chùng lại, cảm thấy trong lòng đôi chút bình an... Có người hóm hỉnh: Ngoài những chiến công mà báo chí nói mãi như chuyện bác cứu hàng chục người định nhảy cầu tự tử thì cũng có rất nhiều người lên mạng "tố cáo" bác Đoàn khi họ phải giáp mặt bác một cách bất đắc dĩ: Người thì không đội mũ bảo hiểm, kẻ thì vượt đèn đỏ, kẻ đi sai làn… tất tần tật, sau khi gãi đầu trình bày đều phải nghe bác chửi: Mày ngu lắm con ạ, đi thế có mà chết! Lần sau nhớ đội mũ, không vượt đèn, không sai làn con nhé!…

Có tới hàng trăm lời sẻ chia như vậy, tất cả đều là những tiếng lòng. Có lẽ không cần bàn luận gì thêm về tình cảm của những người qua đường dành cho người lính già mà họ mến phục. Nhưng có thể nói rằng, chuyện người dân và giới truyền thông dành sự quan tâm đặc biệt như vậy đối với một CSGT trong trực ca cuối cùng trước lúc nghỉ hưu là một hiện tượng hy hữu. Vì sao? Những sự sẻ chia trên nhiều trang mạng đã nói được lên phần nào, nhưng tại sao những việc làm rất đỗi bình thường như quan niệm của Thượng tá Lê Đức Đoàn lại có sức lay động đối với xã hội lớn như vậy?

Trước hết là ở lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn như một mạch ngầm trong mỗi con người. Trong những năm đằng đẵng giữa dòng người trên cây cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã chứng kiến nhiều cảnh đời, nhiều số phận. Ông đã cứu sống 40 người có ý định nhảy cầu tự tử. Rất nhiều câu chuyện đã được báo chí viết lại, xúc động và chất chứa nhiều khắc khoải. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có lúc cảm thấy thất vọng, bất lực, nhưng để đến mức phải vứt bỏ điều thiêng liêng nhất mà tạo hóa ban phát cho con người - cuộc sống, thì đó thật sự là một nỗi đau. Cảm thông sâu sắc với mỗi thân phận con người, ông giúp họ, cứu họ... - Nhiều trường hợp cứ ám ảnh tôi mãi. Dù giải cứu thành công song tôi vẫn cảm thấy đắng lòng trước những cảnh đời. Thực tế họ có thể tìm được những hướng đi khác tích cực hơn cho cuộc đời, tôi muốn họ luôn nghĩ như thế - Thượng tá Lê Đức Đoàn đã nói như vậy.

Lòng trắc ẩn, lớn hơn - lòng nhân ái chính là điểm xuất phát của những hành động tương thân và sẽ thăng hoa trong mỗi con người khi trở thành lẽ sống. Với Thượng tá Lê Đức Đoàn, nhìn những con người tìm lại được niềm vui sau phút giây nghiệt ngã với chính mình là một niềm hạnh phúc. Đấy cũng là lẽ sống để ông vượt qua những vất vả của nghề CSGT "bán mặt cho đường", để ông làm tiếp những công việc của trái tim đối với những mảnh đời bất hạnh và mang niềm vui đến với những người không quen biết. Mở lòng với đời sống, san sẻ tấm lòng để cuộc sống đẹp hơn và đừng cho rằng những cái gì mình đã cho đi là lớn lao, là những thứ phải nhận về. Những hành động của Thượng tá Lê Đức Đoàn mang tinh thần ấy, nó đã thắp sáng những hành động nhân ái khác và là biểu tượng của một lẽ sống đẹp.

Cuộc sống quanh ta còn rất nhiều điều tốt đẹp, và có rất nhiều người tử tế. Một người đã nói như vậy khi đọc được những câu chuyện "như cổ tích" về những hành động hiệp nghĩa của "bác Đoàn" (nhiều người vẫn gọi Thượng tá Lê Đức Đoàn như vậy). Và rất nhiều người hiểu rằng trong lực lượng CSGT còn rất nhiều tấm gương, rất nhiều việc làm được cộng đồng ghi nhận như việc Thiếu úy Trần Ngọc Long dũng cảm cứu 6 mạng người trên một chiếc ô tô bị nạn, đang có nguy cơ phát nổ trên đường; Thượng úy Nguyễn Ngọc Linh nhặt được gần 20 triệu đồng, tìm người làm rơi, trả lại tài sản... Nói như vậy để thấy trong cuộc sống bề bộn với không ít mặt trái của cơ chế thị trường này, mỗi người đều có thể tìm thấy cảm giác bình yên bởi truyền thống nhân ái bao dung, "thương người như thể thương thân"... vẫn như một dòng chảy bất tận trong lòng xã hội. Và dòng chảy đó đang được tiếp sức bằng những việc làm cụ thể như suối đổ vào sông, sông đổ vào biển, ngày càng rộng lớn. Đó là quy luật của cuộc sống, là xu thế hướng tới cái đẹp, cái tốt, cái tử tế.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vội vã hiện nay có rất nhiều người không còn thời gian để tâm tới những người xung quanh, thậm chí đôi lúc đã lãng quên tình nghĩa con người. Để rồi thói xấu cùng với những ham muốn ích kỷ từ mỗi con người loang rộng trong xã hội. Lòng nhân ái, trách nhiệm cộng đồng đang suy giảm và trở nên mờ nhạt trước lối sống ngoại lai, thực dụng, hẹp hòi, phi nhân tính… là một thực tế. Và, nguy hiểm hơn, cái ác nhiều lúc đã chi phối cái thiện trong mỗi con người. Kết quả là thế giới tinh thần bị bào mòn và trở nên què quặt. Đây không chỉ là những mất mát, mà còn là sự cảnh báo về một nguy cơ đối với toàn xã hội. Thế nhưng cái ác như có một lực hấp dẫn rất lớn với giới truyền thông và một bộ phận không nhỏ người dân. Người ta nói về cái ác nhiều hơn cái thiện. Mở các trang mạng có thể thấy rõ điều này. Thế nhưng, tại sao các mạng và giới truyền thông vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới ca trực cuối cùng của "bác Đoàn"? Điều này có rất nhiều cách hiểu nhưng theo người viết thì tất cả mọi người trong xã hội đều mong có những điều tốt đẹp và muốn thấy những điều tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày.

Vậy làm thế nào để lòng nhân ái, độ lượng, bao dung tiếp tục là chủ lưu trong dòng đời đầy biến động và phức tạp? Có rất nhiều cách! Vun đắp những hạt giống yêu thương, lan tỏa những lẽ sống cao đẹp cũng là cách để tạo cho xã hội một sức đề kháng với tiêu cực, vô cảm. Nhưng quan trọng hơn là xác lập các giá trị tinh thần và đạo đức xã hội để cái tốt, cái thiện luôn ở vị trí thượng phong, để những người định làm điều xấu phải ái ngại, xấu hổ. Và nếu những người tốt có thể hợp lực thì đó chính là sức mạnh để đẩy lùi cái xấu.

Xã hội không thể tốt đẹp nếu người ta chỉ nói những điều tốt đẹp mà không có những hành động nhân ái, nhân văn vì mọi người. Xã hội không thể tốt đẹp nếu không có nhiều người tử tế như Thượng tá Lê Đức Đoàn; nếu như họ chỉ chăm chăm vun vén cho bản thân và vô cảm trước hoàn cảnh của người khác. Từ những việc làm bình dị giữa đời thường của Thượng tá Lê Đức Đoàn, có thể tìm được rất nhiều điều cho cuộc sống của mỗi con người và rất có thể ai đó sẽ phải nghĩ lại về lẽ sống: Xã hội hôm nay vẫn còn rất nhiều người tử tế và cần thêm biết bao những con người tử tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người tử tế quanh ta

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.