Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội không thể là người cuồng ngạo!

Hà Anh| 17/11/2014 06:20

(HNM) - Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là những người được nhân dân trực tiếp bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân

1. Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là những người được nhân dân trực tiếp bầu ra, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Phải khẳng định rằng, hơn 68 năm qua kể từ khi ra đời (6-1-1946) đến nay, Quốc hội nước ta nói chung và đội ngũ các thế hệ ĐBQH đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước cách mạng Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân và vì dân; đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri cả nước.

Chính vì vậy mà trong nhiều năm trở lại đây, mỗi kỳ họp Quốc hội, mỗi phiên họp của Quốc hội, đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Việc cử tri quan tâm đến diễn biến ở nghị trường cũng dễ hiểu, bởi những vấn đề mang ra bàn thảo ở đây đều liên quan đến những công việc quan trọng của đất nước và gắn bó thiết thân với đời sống người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây dư luận đã bày tỏ sự lo ngại trước hiện tượng có thể nói là không bình thường ở một số ĐBQH. Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, không ít phát ngôn có phần tùy tiện, thậm chí cách hành xử “gây sốc” của một số ĐBQH đã làm “nóng” dư luận.

2. Trước hết là phát ngôn của ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh), một ĐB có tiếng là hăng hái phát biểu, thẳng thắn “mổ xẻ” nhiều vấn đề nóng. Trả lời báo chí bên lề Quốc hội về vai trò của luật sư liên quan tới quyền im lặng của nghi can, ĐB này đã nhận định rằng thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền! Không khó hình dung sự bức xúc của giới luật sư trước phát ngôn có phần thiếu cẩn trọng này. Trước đó, một số ĐB khi phát biểu trên một số diễn đàn cứ nói khơi khơi về việc này việc kia. Nhưng khi được hỏi bằng chứng cụ thể thì lại bảo: Tôi nghe cử tri nói thế…

Tuy nhiên, xét về sự ồn ào, thì phát ngôn của ĐB Đỗ Văn Đương và một số ĐB nói khơi khơi kia chẳng thấm vào đâu so với cuộc “khẩu chiến”... của ĐB Hoàng Hữu Phước đối với người đồng nghiệp Trương Trọng Nghĩa (đều thuộc Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Trong thư gửi lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, ĐB Trương Trọng Nghĩa báo cáo về việc ĐB Hoàng Hữu Phước đăng trên blog nhiều bài viết có nội dung công kích, vu khống, bôi nhọ và có chủ đích. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Hoàng Hữu Phước đã dùng những từ ngữ như “mông muội”, “ngu muội”, “mê muội” để thóa mạ, hạ nhục mình.

3. Nhắc đến ĐBQH Hoàng Hữu Phước, nhiều người nhớ lại cách đây chưa lâu, hồi đầu năm 2013 dư luận từng “dậy sóng” với bài viết “Dương Trung Quốc và bốn điều sai năm cũ (tứ đại ngu)” cũng đăng trên blog của ĐB Hoàng Hữu Phước, do chính ĐB này viết, với lời lẽ rất nặng nề như “ăn nói hồ đồ”, “xằng bậy”, “hiếu chiến”, “háo thắng”... Sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt, ĐB Hoàng Hữu Phước đã gỡ bài viết trên blog và có bài xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc đăng trên Báo điện tử Vietnamnet. Thế nhưng, dư luận lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng đâu phải ĐB Hoàng Hữu Phước đăng bài xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc là xong, bởi một ĐBQH sử dụng thứ ngôn ngữ chợ búa, hồ đồ, xằng bậy như vậy để viết bài đả kích một ĐBQH khác, đã xúc phạm cả những người đã cầm lá phiếu bầu ông. Nhiều người cũng còn nhớ chính ĐB Hoàng Hữu Phước đã từng phát biểu “dân trí Việt Nam quá thấp và khi tiếp xúc cử tri TP Hồ Chí Minh, bị chất vấn kịch liệt thì vị ĐB này đã phải nói rằng cử tri hãy coi mình là con cháu để bỏ qua cho những sai sót! Sau những sự việc đình đám đó, lẽ ra với tư cách là một nhà trí thức, lại là ĐBQH, ông Hoàng Hữu Phước phải biết tự sửa mình, thế nhưng tháng 8-2014, ĐB Hoàng Hữu Phước đã cho đăng lại bài “Tứ đại ngu” trên blog cá nhân với lời đề dẫn có thể nói là “vô tiền khoáng hậu” về độ cuồng ngạo.

Chưa hết, nếu bớt chút thời gian lướt qua blog của ĐB Hoàng Hữu Phước, nhiều người chắc chắn sẽ giật mình bởi có quá nhiều sự bất thường. Mặc dù mang slogan “Blog giao lưu của ĐBQH khóa XIII Hoàng Hữu Phước với cử tri cả nước”, nhưng phần lớn nội dung hoặc là dạy dỗ, miệt thị, mạt sát người này người kia với một thứ ngôn ngữ vừa phản cảm, thiếu văn hóa, thừa tự cao tự đại. Chẳng hạn như bài viết về cựu kỹ sư hàng không Mai Trọng Tuấn: “Tôi mới biết tin Mai Trọng Tuấn lại nói linh tinh về cái gọi là xây dựng tuyến đại lộ xuyên suốt qua 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia... Trước khi phân tích cái quái gở trong ý kiến của Mai Trọng Tuấn...”. Trong bài viết, ĐB Hoàng Hữu Phước thẳng cánh “kết tội” kỹ sư Mai Trọng Tuấn: “Không học hỏi, lại vừa toa rập với một tên tiến sĩ giả danh để thổi phồng một ý kiến dở hơi về đường bay vàng...”; “Nêu vấn đề linh tinh bằng biện pháp linh tinh.... đâu phải là thực thi quyền tự do ngôn luận mà đang lợi dụng tự do ngôn luận để xúc xiểm chính phủ”, “Kết luận vô tư vô tâm về đại lộ vàng...., phải chăng Mai Trọng Tuấn vẫn mãi là đứa trẻ tửng tửng teen - teen”... Để tăng sức thuyết phục, cuối bài viết ĐB Hoàng Hữu Phước dẫn thêm một bài của ông đăng trên trang web Emotino.com năm 2010 nhan đề “Công Chúa Bà Cố Nội Đi Tắt Đón Đầu Đường Sắt Cao Tốc Việt Nam - Nói Thật Của Thạc Sĩ Hoàng Hữu Phước” (nguyên văn). Có thể thấy cách thức thực thi quyền tự do ngôn luận của vị ĐBQH này cũng rất... linh tinh, tửng tửng! Mở đầu bài “Tuổi teen không bao giờ có thật”, ông Phước viết: “Vừa mới đây một bạn báo tôi biết báo Tuổi Trẻ tuần trước có đăng một bài vớ vẩn của một nhà báo vớ vẩn ngợi ca vớ vẩn một quyển sách teen teen vớ vẩn về teen teen vớ vẩn của một nhà văn vớ vẩn có cốt chuyện vớ vẩn về một nhân vật chính vớ vẩn có những băn khoăn vớ vẩn mong muốn vớ vẩn rằng thầy giáo nên teen teen vớ vẩn, trong khi bạn này đã đọc bài viết của tôi về teen - teen cách nay nửa thập niên và gợi ý rằng tôi nên làm gì đó để giúp báo Tuổi Trẻ chấn chỉnh lại cách tung hứng tung hê”. Đúng là vớ vẩn hết sức, nói theo ngôn ngữ tuổi teen thì “hiểu chết liền”!

4. Không bàn chuyện đúng - sai trong những quan điểm ở các bài viết trên blog của ĐB Hoàng Hữu Phước, song rõ ràng cách sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa nhằm xúc phạm người khác (trong đó có cả những ĐBQH) của vị ĐB này đã khiến dư luận lo lắng về vấn đề văn hóa nghị trường và thậm chí là đạo đức của ĐBQH. Mặc dù ĐB Hoàng Hữu Phước cho rằng viết blog là “quyền tự do ngôn luận”, thế nhưng khi đã được cử tri lựa chọn để đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thì mọi phát ngôn, ứng xử của ĐBQH, dù ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể lấy lý do cá nhân mà tùy tiện được. Những phát ngôn kiểu như vậy thể hiện một tư cách không bình thường, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ĐBQH, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội, khiến người dân cảm thấy thất vọng về lá phiếu bầu của mình. Phản ứng về cách cư xử của ĐB Hoàng Hữu Phước, một nhà thơ nổi tiếng đã viết: “Không thể tưởng tượng đấy lại là ngôn ngữ của một ông nghị...”.

Tranh luận, phản biện vốn cần thiết cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với những tranh luận, phản biện nhằm tìm ra chân lý, thống nhất đưa ra quan điểm, tiếng nói chung có lợi cho đất nước, cho đời sống người dân. Còn tranh luận kiểu ăn thua, “vô thưởng vô phạt” thì không những không có lợi mà còn dễ gây mất đoàn kết, lãng phí thời gian… Những tranh cãi nội bộ “vô thưởng vô phạt” giữa các ĐB sẽ khiến Quốc hội phải mất thời gian giải quyết - trong khi vốn đã phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn trong một thời gian không dài.

Những lo ngại của cử tri về văn hóa nghị trường đang đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về tổ chức, hoạt động của Quốc hội nói chung và hoạt động ĐBQH nói riêng, trong đó có những quy định chặt chẽ nhằm giúp cử tri lựa chọn, bầu ra những ĐB thực sự có tâm, có tầm, có tài, có đức để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân chứ không thể đưa vào cơ cấu những người “có vấn đề” bất thường về tư duy, bất thường về đạo đức; đồng thời có chế tài xử lý, xem xét, bãi miễn tư cách ĐBQH đối với những trường hợp không đủ năng lực, không đủ tư cách, không xứng đáng với niềm tin của cử tri, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội không thể là người cuồng ngạo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.