Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lửa, khói mù mịt từ “căn bệnh đám đông”

Đức Huy| 15/12/2014 05:58

1. Giữa tuần trước, trận thua bẽ bàng với tỉ số 2-4 của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Malaysia ngay trên sân nhà Mỹ Đình đã tạo một cú sốc thể thao Việt Nam thuộc hàng lớn nhất trong năm. Làn sóng chỉ trích các tuyển thủ Việt Nam bùng phát mạnh mẽ, lan truyền với tốc độ chóng mặt.



Gần như ngay lập tức những cáo buộc nặng nề được đưa ra, đích đến không có ai khác ngoài những người có trách nhiệm có mặt trên sân đấu ngày hôm đó, nặng nhất là hàng tứ vệ và thủ môn đội tuyển Việt Nam. Người ta bóng gió hoặc thẳng toẹt rằng họ bán độ, phản bội lại niềm tin yêu của người hâm mộ. Ngay cả ông Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng mau mắn lên tiếng nêu quan điểm mời cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ trắng đen - kiểu phát ngôn được ví như hành động của một thuyền trưởng rời bỏ thủy thủ đoàn ngay lúc con tàu còn chưa đắm. Những người buông lời chỉ trích nặng nề dường như không thể chờ đợi thêm, ít nhất là cho đến khi cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét sự việc một cách thấu đáo, đưa ra kết luận cụ thể.

Sportradar, tạm hiểu là đơn vị được Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) thuê, chuyên nhiệm vụ giám sát một số giải đấu, xem ở đó "có mùi" hay không? Đầu giờ chiều 13-12, tức thứ bảy tuần trước, hai ngày sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 diễn ra trên sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, "ra đa" này phát đi thông báo, mà theo đó, các chuyên gia của họ không phát hiện thấy dấu hiệu bán độ - cá độ liên quan đến trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia. Thông tin từ "ra đa" có trụ sở tại Thụy Sỹ này được AFF dẫn lại, chỉ nên coi là thông tin tham khảo nhưng ít nhất thì nó có thể đánh động tâm can của những người phát ngôn một cách nóng vội (kèm toan tính này khác hoặc đơn giản là nói cho sướng miệng), khiến họ phải thận trọng hơn chăng?

Không thể rõ có bao nhiêu người xem được bản tin nói trên. Cũng không thể biết có bao nhiêu người đã xem và có cảm giác mình được "giải phóng" phần nào khỏi nỗi hoài nghi cay đắng đã đeo đẳng suốt hai ngày trước đó, kể từ khi đội tuyển Việt Nam thua trận theo một kịch bản khó ngờ và dư luận bắt đầu "công cuộc ném đá" vào một đội tuyển chỉ trước đó ít giờ còn được tụng ca theo lối tụng ca những người hùng của quốc gia. Vấn đề là vì sao mà nhiều người, có cả những người thuộc số đã "chen bẹp ruột" để được vào sân xem đội tuyển trình diễn lại có thể chuyển trạng thái tình cảm dành cho đội tuyển bóng đá Việt Nam nhanh chóng mặt đến vậy, chỉ sau một trận đấu? Đó là một câu hỏi lớn đối với những ai quan tâm tới vấn đề này.

2. Bóng đá là một dạng nghệ thuật trình diễn, nặng về giải trí nhưng cũng là một trận chiến phân tài cao thấp về trí lực, thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, bao giờ cũng có kẻ thắng và người thua. Với bóng đá hiện đại, rất khó nói trước về kết quả trước khi bóng ngừng lăn, đội mạnh hơn không phải bao giờ cũng có thể giành chiến thắng, và ngược lại. Brazil, đội tuyển duy nhất giành quyền tham dự tất cả các giải vô địch bóng đá thế giới từ trước tới năm 2014 này, từng thua Urugoay ngay trên sân nhà Maracana trong trận chung kết World Cup 1950, năm nay chịu thảm bại không ngờ với tỉ số 1-7 trước đội tuyển bóng đá Đức ở trận bán kết World Cup 2014 trước khán giả nhà. Hà Lan, với một đội hình "siêu tấn công", chủ nhân của trường phái bóng đá tổng lực đã chịu thua đội tuyển Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1974 dù trước giờ bóng lăn ai cũng nghĩ rằng họ sẽ thắng. Giống hệt trận thua của đội tuyển Hungary trước đội tuyển Tây Đức trong trận chung kết World Cup năm 1958 dù ở vòng đấu bảng chính Hungary đã đánh bại đội tuyển Tây Đức với tỷ số "kinh hoàng" 8-3… Ở một đẳng cấp thấp hơn rất nhiều, đội tuyển Việt Nam từng thua Singapore 0-1 trong trận chung kết Tiger Cup 1998 diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy - Hà Nội trong một buổi tối mưa tầm tã và không một ai có mặt trên sân nghĩ rằng chiến thắng có thể tuột khỏi tầm tay đội tuyển Việt Nam. Đội tuyển U23 Việt Nam từng bị loại ngay từ vòng bảng của môn bóng đá nam tại SEA Games 27 - năm 2013, giống như Thái Lan tại SEA Games 26 diễn ra hai năm trước đó dù cả hai vào giải với tư thế "cửa trên"… Nhìn vào lịch sử bóng đá thế giới và khu vực Đông Nam Á để thấy rằng việc đội tuyển Việt Nam thua Malaysia ngay trên sân nhà là điều hoàn toàn có thể xảy ra, ngay cả khi các tuyển thủ của chúng ta chơi "sạch". Vấn đề là tại sao các tuyển thủ Brazil, Hungary, Thái Lan… không vì một trận thua hay vì một giải đấu kém thành công mà chịu tiếng bán độ tức thì?

Dân gian có câu "một mất, mười ngờ", "không có lửa thì làm sao có khói", đó là một phần nguyên nhân dẫn đến thái độ quay ngoắt 180 độ đối với đội tuyển Việt Nam sau trận thua Malaysia. Những vết nhơ bán độ tại Bacolod (Philippines - SEA Games 2005), bàn đá phản lưới nhà "không thể lộ hơn" của Lã Xuân Thắng vào năm 1997, vụ xử lý 9 cầu thủ V.Ninh Bình liên quan đến bán độ vào năm nay… đã để lại trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam nỗi hoài nghi khó dứt ra được trong ngày một ngày hai, có thể bùng phát dữ dội ngay sau một trận thua không được chờ đợi.

Cơ thể bóng đá Việt Nam không khỏe mạnh, ngọn lửa nghi kỵ chốc chốc lại bùng lên mỗi khi gặp gió. Những "úp mở" của người trong giới, đặc biệt là thông tin trên báo chí trong thời gian vừa qua dẫn chúng ta đến một liên tưởng khác, có thể là nguyên nhân dẫn đến những lời chỉ trích quá đà, thậm chí có thể coi là vô trách nhiệm. Mới vài tuần trước, người ta còn nói về U19 Việt Nam và "lò" Hoàng Anh Gia Lai - JMG, so sánh nó với các cấp độ đội tuyển còn lại như U23, đội tuyển quốc gia, không hiểu ra sao và như thế nào mà giờ đã hình thành tâm lý "con đẻ, con rơi", "quân anh, quân tôi", cùng một nhà mà như phân chiến tuyến ngầm. Đó có phải một phần nguyên nhân dẫn đến "nghi án" gian lận tuổi của tuyển thủ U19 Công Phượng? Đó có phải là một phần lý do khiến ai đó mau mắn "ra tuyên bố" sau thất bại của đội tuyển Việt Nam mà không cần chờ thu thập chứng cứ, phân tích chuyên môn đầy đủ, bất chấp điều mình nói có thể hủy hoại thanh danh của cả một tập thể hiện thời được coi là ưu tú nhất của nền bóng đá và có thể đẩy các thành viên của nó vào chân tường?

3. Bóng đá không khác một bộ môn nghệ thuật nào đó, chủ yếu là nhờ vào vẻ đẹp mà nó mang lại. Nhiều cầu thủ bóng đá sống đời "người của công chúng", trở thành tấm bia của truyền thông như bao "sao" ca nhạc, điện ảnh, thời trang… Chuyện của họ, liên quan đến họ, đến câu lạc bộ và đội tuyển mà họ tham gia trở thành món hàng "hot", được truyền thông săm soi, dư luận cũng săm soi, nhiều khi là thứ sinh lời bằng nhiều cách. Gặp người phát ngôn thận trọng, lý - tình ngay ngắn thì không nói làm gì, công - tội phân minh; phải người ngoa ngôn hay có tà ý, "muốn mượn chuyện" thì việc bé hóa to, đơn giản thành phức tạp, lằn ranh giữa vinh quang và tủi nhục nhỏ bé vô cùng. Chuyện đội tuyển quốc gia trong những ngày qua là vậy, tung hô đấy rồi mạt sát ngay được đấy. Cách tiếp cận trận đấu sai lầm, tự mãn, chủ quan "không biết người biết ta", đấu pháp lỏng lẻo của kẻ ngồi chiếu trên, cách đá ngớ ngẩn của một số cầu thủ... là nguyên nhân chính dẫn đến bốn bàn thua, đã không được coi là nguyên cớ, chỉ có vấn đề tư tưởng và bán độ là đáng tin. Chuyện tân Hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên hay Á hậu 1 Huyền My cũng vậy, dư luận hình thành sau những bới móc, săm soi, đố kỵ, ý một thành mười, mười thành trăm, cuối cùng là cả một làn sóng chỉ trích không đẹp dù luôn nhân danh cái đẹp.

Với những gì liên quan đến trận thua của đội tuyển Việt Nam, liên quan đến chuyện trong làng giải trí gần đây, rất khó nói khác về phản ứng thái quá của một bộ phận người Việt. Có gì đó rất gần với sự thiếu chính kiến, chạy theo (hoặc lợi dụng) cái gọi là hiệu ứng đám đông ngay cả khi cơn cớ hình thành dư luận chỉ là những đưa đẩy bâng quơ trên mạng của một ai đó. Tâm lý muốn can dự, "là một phần trong đó" kèm theo chút đố kỵ thúc đẩy hành vi, lời nói lệch lạc, khiến nhiều người trở nên mất thăng bằng trước sự vật, hiện tượng, vừa ngợi ca đã quay sang mạt sát mà chẳng cần lý do thỏa đáng. Trên mạng, người ta từng "đổ xô ném đá" vào "chú chim" Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông thay vì khen ngợi như cần phải thế. Người ta cũng "ném đá" rào rào vào tuyến phòng ngự của đội tuyển Việt Nam trong những ngày qua, buộc tội họ ngay lập tức, cơ bản vì các tuyển thủ đã không thể thỏa mãn tâm lý "chắc thắng", ý chí thắng bằng mọi giá của một bộ phận người hâm mộ đã được đẩy lên đến tận cùng và có thể là làm ảnh hưởng tới uy tín và túi tiền của ai đó. Chúng ta "sướng điên" khi đội tuyển thắng oanh liệt trên sân Malaysia, vài ngày sau đã nổi điên thực sự khi đội tuyển kết thúc trận lượt về trên sân nhà trước cùng đối thủ. Sự tự chủ không được thể hiện, nỗi ấm ức vì phải dốc túi mua vé chợ đen với giá cắt cổ, và có thể cộng thêm lý do thua "độ" chi phối tư duy, có thể khiến nhiều người nổi giận vô cớ. Chúng ta thích tận hưởng bầu không khí chiến thắng nhưng chưa biết cách chấp nhận cảm giác thua cuộc một cách đúng đắn. Đó cũng là nguồn cơn của thái độ ứng xử thiếu công bằng đối với các tuyển thủ quốc gia, ít nhất là cho tới khi cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền ra phán quyết…

Sáng hôm qua, bà lão - có lẽ đã ngoài bảy mươi - bán báo ở cạnh chợ Đồng Xa mời người viết mua một tờ báo ngành - xuất bản một ngày trước đó. Bà chỉ vào dòng tít trên trang 1 rồi nói: "Đây này, chú xem này, công an vào cuộc rồi đây này. Đành rằng chưa có chứng cứ nhưng ai lại đá thế cơ chứ!". Đó đã là ngày thứ ba kể từ khi trận bán kết lượt về diễn ra nhưng sự quan tâm của cộng đồng về "số phận" của đội tuyển vẫn chưa bớt nóng. Có lẽ, cách thức cứu giúp tất cả lúc này là sớm công bố kết luận cuối cùng, cho dù kết luận ấy mang sắc trắng hay đen thì cũng giúp chấm dứt một hiện tượng ồn ã vượt mức cần có và có khả năng gây hại cho nhiều người.

Đối với chuyện bóng đá là như vậy. Nhưng "căn bệnh đám đông" đã và đang có ở cả những lĩnh vực khác trong hoạt động xã hội. Đó là thị hiếu đám đông, tự mãn đám đông, ngợi ca đám đông, nổi giận đám đông, ném đá đám đông, tâm lý mưa - nắng bất thường đám đông... Tức là người ta sẵn sàng chạy theo đám đông bất kể là mưa hay nắng, giận dữ hay ca ngợi, đúng hay sai..., mà không cần biết đám đông đó đại diện cho ai và thực chất đám đông đó là ai. Từ đó mà không ít lĩnh vực hoạt động xã hội, chúng ta không biết mình đang đứng ở đâu, điểm xuất phát thế nào, và đương nhiên là sẽ dẫn đến mất phương hướng. Khi mất phương hướng sẽ không biết đi về đâu, biết vượt qua ai. Chính vì vậy nên dù làm gì cũng vậy, từ là chuyện lớn của quốc gia hay chỉ là chuyện thể thao, văn nghệ... đều không thể để mắc "căn bệnh đám đông".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lửa, khói mù mịt từ “căn bệnh đám đông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.