Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chúng ta đang nợ nông dân rất nhiều!”

Cù Xuân Trường| 05/01/2015 05:54

(HNM) - 31-12, ngày cuối cùng của năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp.

Rất nhiều vấn đề đã được đặt lên bàn nghị sự, không ít ý kiến liên quan tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đã được đưa ra. Thế nhưng, câu hỏi: "Vì sao sau rất nhiều năm, với những mô hình khác nhau nhưng người nông dân Việt Nam vẫn chưa thể làm giàu từ hạt gạo?", "Chuyện được mùa, mất giá vẫn như một điệp khúc đeo đẳng suốt năm này qua tháng khác?"..., thì dường như đang để ngỏ.

Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến xây dựng và phát triển nền nông nghiệp. Một trong những chủ trương quan trọng là xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã có sự thay đổi cơ bản, nhưng nhìn chung người nông dân vẫn rất khó khăn, nhiều nơi vẫn rất khổ. Một nhà nông học có uy tín nói ra một thực tế rằng: Chúng ta đang nợ nông dân rất nhiều! Không phải chỉ có nhà nông học mà rất nhiều người có chung suy nghĩ như vậy.

Nền văn minh lúa nước chính là cái nôi của văn hóa Việt, ủ ấm tinh thần, cốt cách dân tộc Việt Nam trường tồn cùng đất nước. Không có hạt gạo, "không ai lớn nổi thành người". Trong tâm khảm mỗi người, không ai không có những "đồng chiều cuống rạ". Lịch sử cho thấy, nông dân chính là lực lượng chủ lực trong công cuộc giải phóng dân tộc; nông nghiệp chính là mũi nhọn đột phá trong thời kỳ đổi mới, là động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và là giá đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn... Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu hết sức ấn tượng. Chúng ta đã giải quyết triệt để tình trạng thiếu đói lương thực, không những thế mà còn xuất khẩu. Nông sản Việt Nam đã, đang chiếm lĩnh những thị trường khó tính trên thế giới (xuất khẩu gạo năm 2014 khoảng 6,5 triệu tấn, thu về hơn 3 tỷ USD)... Thế nhưng, đời sống của đa số nông dân (chủ thể của nền nông nghiệp) vẫn bấp bênh. Đây có phải là một nghịch lý?

Trong chuỗi lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo hiện nay, về bản chất thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi chứ không phải những người "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" làm ra hạt thóc. Đến với những vựa lúa, chúng ta gặp câu hỏi nhức nhối: Vì sao sau thu hoạch, bà con lại "bán tống, bán tháo" sản phẩm? Vì không có tiền để trả nợ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu đã mua chịu của các đại lý với cái giá "cắt cổ"; vì không có phương tiện để bảo quản sản phẩm và rất nhiều

lý do khác... Một "chuyện thường ngày ở huyện" đã từng làm "nóng" nhiều diễn đàn là doanh nghiệp thông qua thương lái thu gom lúa gạo nhưng vẫn cứ phải "trao đi, đổi lại". Có nhà quản lý cho rằng, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc doanh nghiệp mua trực tiếp hay qua thương lái là hết sức bình thường, miễn sao đạt hiệu quả... Điều đó có vẻ có lý, nhưng cái lý ấy đang ở rất xa, xa đến nỗi nông dân... không thể thấy. Thực tế, nhiều năm qua, thương lái đã sử dụng đủ kiểu thủ đoạn ép giá nông dân và không ai khác, họ đang nắm trong tay phần lớn lợi nhuận từ lúa gạo. Và nữa, không ít bức xúc dư luận liên quan đến vai trò đề xuất chính sách của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như việc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chiếm tới hơn 50% thị phần xuất khẩu gạo... Rất nhiều bất cập, rất nhiều vấn đề! Một hạt lúa cõng quá nhiều chi phí nên dẫu có được mùa, dẫu có năng suất cao thì khát vọng làm giàu từ những cánh đồng cũng vẫn là chuyện "bao giờ cho đến tháng mười?". Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), nông dân hiện nay vẫn chưa được hưởng lợi 30% từ sản xuất lúa gạo như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Bao nhiêu năm qua, tuyệt đại đa số nông dân vẫn làm ruộng bằng kinh nghiệm ông cha để lại và không ít người làm chính sách nông nghiệp xuất thân từ nông dân nên cách nghĩ nhiều khi khó thoát khỏi lũy tre làng. Thế nên đồng ruộng nhiều nơi quy hoạch theo lý chí, rất thiếu khoa học và thực tiễn thị trường. Thiếu định hướng và không có "bàn tay" quản lý, nông dân mạnh ai nấy làm, thấy lợi là làm, làm kiểu phong trào... Hệ lụy thế nào, có lẽ không phải bàn thêm. Trong khi đó, doanh nghiệp vì nhiều lý do, hoặc thiếu vốn, hoặc vì lợi nhuận nên không tái đầu tư cho nông dân. Không cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm..., họ chọn kinh doanh vật tư nông nghiệp để nhanh chóng thu hồi vốn, nhanh chóng kiếm lời. Hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vẫn là điều gì đó rất xa. Thế nên xuất khẩu gạo Việt Nam xếp vào nhóm hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân vẫn không thể trông chờ vào hạt gạo, đáng buồn hơn, ở nhiều nơi, nông dân đã và đang bỏ ruộng.

Một đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Chính phủ phê duyệt. Những ngày gần đây, câu chuyện xoay quanh các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân đã "nóng" lên ở nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới nông thôn là việc làm cấp bách và cần thiết như một cách "trả nợ" nông dân, sau bao nhiêu năm họ nỗ lực thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình với đất nước, nhưng bản thân thì vẫn khó khăn trăm bề. Và lẽ ra việc này đã phải làm từ nhiều năm trước vì tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam những năm qua chủ yếu từ khai thác tài nguyên, rồi lạm dụng phân hóa học… nên khối lượng sản phẩm lớn nhưng chất lượng sản phẩm thấp, không có giá trị gia tăng. Phát triển thiếu bền vững, nền nông nghiệp đang xuống dốc, đang vạc vào chân mình. Do vậy, thay đổi mô hình tăng trưởng là đòi hỏi tất yếu. Nhưng tái cơ cấu nông nghiệp thế nào vẫn là câu chuyện loanh quanh ở... bàn giấy.

Đặt vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh tập quán sản xuất và tư duy quản lý hành chính chưa có nhiều thay đổi, đương nhiên không thể nói chuyện ngày một, ngày hai. Chưa kể nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng có không ít đặc thù. Mỗi một vùng đất có một đặc điểm tự nhiên khác nhau, tập quán canh tác của người nông dân cũng khác nhau nên không thể có mô hình chung cho tất cả các địa phương, không thể "mặc đồng phục" cho các loại sản phẩm. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà không có định hướng chung. Vấn đề lúc này là những giải pháp để tăng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp (bao gồm cả đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài) và những quy hoạch phát triển phù hợp với từng vùng. Cũng cần nói thêm, ba chủ thể quản trị bền vững được xem như kiềng ba chân là: Lực lượng lao động - chủ thể sản xuất; doanh nghiệp - không sản xuất nhưng có thể bán hàng và biết nơi nào được giá và Nhà nước - trong vai trò kết nối nông dân và doanh nghiệp. Tái cơ cấu nông nghiệp không thể tách rời điều đó và trước hết phải từ tư duy nhà quản lý. Bởi lẽ, nếu "nhạc trưởng" tư duy sai sẽ dẫn đến những sai lầm chiến lược và đương nhiên kéo theo đó là hệ lụy không thể đo đếm mà người nông dân phải gánh chịu nhiều nhất.

Trở lại với câu hỏi "trả nợ" nông dân thế nào khi những hạt gạo cõng trên lưng "một nắng hai sương" theo những con tàu viễn dương đến nhiều thị trường trên thế giới, mang về nhiều ngoại tệ, nhưng đời sống người trồng lúa vẫn bấp bênh? Trước hết, như đã nêu trên, dân tộc Việt Nam ngàn đời gắn bó với nền văn minh lúa nước, sản xuất lúa gạo chính là thế mạnh và không có lý do gì để từ bỏ thế mạnh của một quốc gia trên con đường hội nhập, phát triển. Vấn đề quan trọng là giảm giá thành vật tư, thúc đẩy sản xuất, chấn chỉnh công tác quản lý để tạo ra một thị trường lúa gạo phát triển lành mạnh. Việc liên kết, sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm đã được các cơ quan quản lý bàn thảo, đã tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới và thực tế cũng đã xuất hiện một số mô hình mang lại hiệu quả, nhưng đáng tiếc chưa nhiều. Một khi Nhà nước chưa có những cơ chế khuyến khích, đồng thời ràng buộc doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu với người nông dân; chưa dẹp được nạn thương lái chèn ép nông dân, doanh nghiệp khống chế thị trường... thì "được mùa, mất giá" vẫn là điệp khúc buồn với mỗi làng quê. Và món nợ với nông dân vẫn đau đắng trong tâm thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chúng ta đang nợ nông dân rất nhiều!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.