Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta không được quên lãng

Lê Đức Hải| 11/05/2015 05:50

(HNM) - Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít (9/5/1945 - 9/5/2015), Tổng thống Nga V.Putin đã khẳng định: "Ngày hôm nay, khi chúng ta kỷ niệm 70 năm Chiến thắng vĩ đại của dân tộc Nga, một lần nữa chúng ta lại thấy được tầm mức to lớn của chiến thắng phát xít. Chúng ta lấy làm tự hào vì thế hệ cha ông chúng ta đã đánh bại các thế lực đen tối… 70 năm sau, lịch sử lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta phải luôn tỉnh táo và không được quên lãng tư tưởng về "chủng tộc tối thượng" đã cuốn hơn 80% dân số thế giới vào một cuộc chiến đẫm máu".


Phát biểu của Tổng thống Nga V.Putin thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta ý nghĩa lịch sử và giá trị to lớn của thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, đồng thời cảnh báo sâu sắc về những hậu quả khôn lường mà nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang có thể gây ra cho loài người.

Cách đây 76 năm, với tham vọng điên cuồng, mong muốn "chủng tộc thượng đẳng" trở thành bá chủ thế giới, các thế lực theo chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cực đoan, quân phiệt đã phát động cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, sử dụng hành động vũ lực chà đạp lên mọi giá trị cơ bản của loài người.

Chiến tranh thế giới lần thứ II là cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại, bởi nó đã liên quan đến 76 quốc gia, lôi cuốn hơn 80% dân số thế giới vào một cuộc chiến đẫm máu, cướp đi sinh mạng của gần 60 triệu người và làm bị thương 90 triệu người, gây ra tổng thiệt hại vật chất ước tính khoảng 4.000 tỷ USD ở thời điểm bấy giờ.

Tại Châu Âu, sau khi xâm chiếm hầu hết các quốc gia ở lục địa này, ngày 22-6-1941, trùm phát xít Hitler bất ngờ đưa quân tiến đánh pháo đài Brest, cửa ngõ biên giới Liên Xô và Ba Lan (nay thuộc lãnh thổ Cộng hòa Belarus). Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân đội và nhân dân Liên Xô bắt đầu, và nó kết thúc hơn 4 năm sau, khi quốc kỳ Liên Xô tung bay trên nóc Nhà Quốc hội Đức ở Berlin, đồng nghĩa với sự sụp đổ hoàn toàn của bè lũ phát xít Đức. Trong bản hùng ca bất diệt của lịch sử loài người ở thế kỷ XX có sự đóng góp, hy sinh xương máu vô cùng to lớn của quân dân Liên Xô, với khoảng 27 triệu người đã ngã xuống, 30 triệu người bị thương, hàng nghìn thành phố, thị trấn và làng mạc bị phá hủy… Thắng lợi vĩ đại của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít là thắng lợi của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới; là thắng lợi của sự đoàn kết, sát cánh chiến đấu của các nước đồng minh; song chính lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm và sự hy sinh to lớn của quân dân Xô viết đã làm nên những chiến công bất hủ, góp phần quan trọng đập tan cỗ máy chiến tranh khổng lồ của Hitler, đồng thời là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng vĩ đại ngày 9-5-1945 đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít, mang lại nền hòa bình, trật tự, ổn định và phát triển cho thế giới. Phải khẳng định như vậy, bởi ngay từ khi mới diễn ra, mặt trận Xô - Đức đã thu hút hơn một nửa quân số Đức, lúc cao điểm lên tới 70%. Đây là mặt trận có cường độ ác liệt và quy mô lan rộng hơn cả, khiến phát xít Đức phải chịu tổn thất lên tới 73% tổng số tổn thất (của nước Đức) trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Cuộc tiến công chiến lược liên tục của Hồng quân trong các năm 1943-1945 với tốc độ cao đã rút ngắn thời gian của chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước Đồng minh đẩy nhanh các nỗ lực quân sự của họ. Không chỉ có vai trò quyết định đến chiến thắng phát xít Đức ở Châu Âu, Liên Xô còn đóng góp quan trọng trong việc đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Ở mặt trận phía Đông, Hồng quân Liên Xô chỉ trong vòng một tuần đã đánh tan đạo quân Quan Đông - lực lượng chủ lực, thiện chiến của phát xít Nhật, là một trong những yếu tố quyết định khiến Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện…

Trong đội ngũ hàng chục triệu người lính Hồng quân tham gia chiến tranh vệ quốc có sự góp mặt của hơn 100 dân tộc thuộc Liên bang Xô viết và nhiều quốc gia khác. Không phân biệt người Nga, Ukraine, Belarus, Cazakhstan, Turkmenistan, Chechnya… hay người Do Thái, họ cùng giương cao lá quốc kỳ Liên Xô, sát cánh chiến đấu chống lại kẻ thù phát xít để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân Xô viết, bảo vệ nhân loại khỏi bóng ma của chủ nghĩa Quốc xã - "cơn dịch hạch màu nâu". Ý nghĩa cao cả của cuộc chiến chính nghĩa, của tinh thần hy sinh vì lợi ích chung, vì chiến thắng của những giá trị cao đẹp của con người đã giúp những chiến sĩ Hồng quân vượt qua những giới hạn về quốc gia, dân tộc…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm của Tổng thống Nga Putin, rằng "chúng ta cúi đầu tưởng nhớ đến thế hệ cha anh của chúng ta, những người đã không thể trở về trong cuộc chiến đó, những người đã không thể tham dự ngày lễ hôm nay với chúng ta", đã thay lời những thế hệ hiện tại bày tỏ sự biết ơn chân thành và niềm xúc động từ đáy lòng đối với hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, tự do của nhân loại.

Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cách đây vừa tròn 70 năm mãi mãi là một mốc son chói ngời trong lịch sử nhân loại. Thắng lợi này đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu được hình thành. Bão táp cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc đã làm lung lay, từng bước sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân tại Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh… Sự kiện chiến thắng chủ nghĩa phát xít cũng mở ra một chương mới cho lịch sử chính trị thế giới, với sự ra đời của Liên hợp quốc cùng những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là những nguyên tắc tôn trọng quyền bình đẳng, quyền tự quyết của các quốc gia; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế…

Sự kiện chiến thắng chủ nghĩa phát xít đã mang lại thời cơ lịch sử cho dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tận dụng cơ hội chiến lược để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhân loại đang ngày càng phát triển theo xu thế hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua đã xuất hiện những quan điểm đòi "viết lại lịch sử", bóp méo sự thật hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa của chiến thắng, đồng thời phủ nhận vai trò của Liên Xô (bao gồm cả nước Nga) trong việc đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít; thậm chí là trào lưu phát xít mới hòng khôi phục những thây ma của chủ nghĩa phát xít! Mới đây, tại một số quốc gia phương Tây và Đông Âu đã kêu gọi tẩy chay Lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng 9-5 ở nước Nga, "hạ bệ thần tượng", đòi đưa di hài của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô ra khỏi các nghĩa trang liệt sĩ…

Sự thật lịch sử là điều không thể che đậy, bưng bít. Những luận điểm phi lý trên đã bị nhiều nhà sử học quốc tế phơi bày và lãnh đạo nhiều quốc gia kịch liệt phê phán. Như Tổng thống Nga V.Putin đã tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của chúng tôi (Liên bang Nga) đối với chiến thắng vĩ đại trong Chiến tranh thế giới thứ II đều đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, đồng thời mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại". Và bất chấp những chiêu trò "tẩy chay", 27 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và nhiều nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã tham dự Lễ kỷ niệm Chiến thắng, cùng với sự có mặt của quân đội 10 nước tham gia cuộc duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Đỏ Mátxcơva sáng 9-5.

Thế giới ngày nay vẫn tồn tại những thế lực hiếu chiến âm mưu thống trị thế giới bằng sức mạnh hủy diệt. Xung đột tôn giáo, dân tộc, sắc tộc, bạo lực vẫn tiếp diễn, hình thành các điểm nóng tại Trung Đông, Bắc Phi và mới nhất là Đông Âu, cụ thể là Ukraine. Một số thế lực âm mưu áp đặt cường quyền, vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia láng giềng. Bóng ma của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, của tư tưởng nước lớn đang bao phủ, đe dọa phá vỡ hòa bình, ổn định trên phạm vi toàn cầu. Như Tổng thống Nga V.Putin đã nhấn mạnh trong diễn văn tại lễ kỷ niệm: "Trong thập kỷ vừa qua, những nguyên tắc cơ bản của hợp tác quốc tế đã nhanh chóng bị "phớt lờ". Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực đơn phương nhằm thiết lập một thế giới đơn cực và sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của mình. Những tư tưởng như vậy có thể gây tác động xấu đến sự ổn định trên thế giới"...

Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những nỗ lực cống hiến và tổn thất hy sinh to lớn của các quốc gia, trong đó có quân đội và nhân dân Liên Xô, để làm nên chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít, cứu loài người khỏi thảm họa diệt vong. Không những thế, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dân tộc Việt Nam đã có 12/23 thế kỷ chống ngoại xâm. Vì vậy, giống như tất cả những dân tộc từng bị áp bức, đau khổ do ngoại xâm, phải chịu nhiều mất mát hy sinh, tổn thất nặng nề bởi chiến tranh, người Việt Nam cũng nhận thức rất rõ ý nghĩa, giá trị của hòa bình và luôn luôn mong muốn hòa bình. Đó là lý do để nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ ra sức phấn đấu, đoàn kết quốc tế cùng các quốc gia và những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới để cùng nhau xây dựng một nền hòa bình hữu nghị, phát triển ổn định, bền vững cho nhân loại. Và đó cũng là lý do dân tộc Việt Nam kiên quyết và sẵn sàng hy sinh quên mình để bảo vệ nền hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta không được quên lãng những chiến công vĩ đại cũng như những đau thương, mất mát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta không được quên lãng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.