Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lực chính trị và xã hội của báo chí

Tô Phán| 14/09/2015 06:04

(HNM) - Toàn cầu hóa mang đến những "cuộc xâm lược chính trị" qua báo chí là một thực tế đang diễn ra không ngừng.

Xét về ảnh hưởng thì Việt Nam không có ngoại lệ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Báo chí Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ, đa dạng mà trong lịch sử báo chí nước ta chưa hề có: Báo chí mở rộng quy mô ảnh hưởng, thu hẹp không gian và thời gian giao tiếp với sự thúc đẩy hiệu quả của khoa học, công nghệ; báo chí là một hoạt động tinh thần của con người nhưng cũng là ngành kinh tế đặc thù; tầm ảnh hưởng giữa báo chí Việt Nam và thế giới mang tính toàn cầu do thôi thúc gia tăng giao lưu quốc tế và khu vực; do tích hợp các thành tựu khoa học, công nghệ, báo chí Việt Nam gia tăng các loại hình truyền thông mới - tích hợp đa phương tiện, tương tác và thuận tiện với mọi đối tượng; báo chí vừa là công cụ chính trị tư tưởng vừa là phương tiện, sân chơi giải trí, phổ biến kiến thức… Tuy nhiên, do tác động hai mặt của toàn cầu hóa, báo chí Việt Nam phát triển nhưng cũng đã và đang "mắc" những "căn bệnh thời đại" của báo chí hiện đại: Vừa có những đóng góp to lớn nhưng cũng vừa có những khuyết tật nguy hiểm gây "sát thương" cho đời sống xã hội. Chúng ta cần thẳng thắn về những khuyết tật nguy hiểm này. Đó là: Báo chí đang có xu hướng thiên về những mặt tiêu cực (mặt tối của xã hội), câu khách để bán được báo nhiều hơn, từ đó làm thiên lệch mặt bằng thông tin giữa tối và sáng; do chạy theo thị hiếu cũng như do lạm quyền, báo chí có nhiều trường hợp thương mại hóa, tầm thường hóa, thông tin thiếu chính xác, làm lộ bí mật quốc gia, ảnh hưởng đến danh dự cá nhân, cơ quan và gây thiệt hại đối với lợi ích quốc gia; một số nhà báo thiếu tu dưỡng, lạm dụng quyền lực báo chí, tập hợp nhau đánh "hội đồng" các cá nhân, cơ quan với mục đích vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây tác động xấu đến dư luận xã hội; báo chí được mở rộng liên doanh liên kết nhưng một số cơ quan báo chí lợi dụng quy định này để cho tư nhân chi phối hoạt động báo chí - xuất bản; đã và đang xuất hiện tình trạng một số người làm báo bị ảnh hưởng bởi quan niệm không đúng về "tự do" báo chí, về vị trí, chức năng của nhà báo nên có nhiều việc làm vi phạm pháp luật, kêu gọi tự do báo chí vô chính phủ; tình trạng thiếu nhạy bén chính trị, buông lơi chức năng tư tưởng - văn hóa của báo chí cách mạng, thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, suy diễn chủ quan, áp đặt vô lối..., đang diễn ra đáng lo ngại...

Xu thế thế giới và trong nước tạo điều kiện cho báo chí phát triển, kèm theo đó là những phát sinh mới phức tạp hơn, đòi hỏi công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng ta phải đổi mới để phù hợp yêu cầu hiện tại và xu hướng mới. Nói về đời sống báo chí ở Việt Nam ngày nay vẫn không thể không nói đến vấn đề mang tính nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đối với báo chí. Ở phạm vi bài viết này chúng tôi muốn đề cập là Đảng lãnh đạo báo chí trong bối cảnh hội nhập như thế nào để có hiệu quả?

1. Muốn lãnh đạo có hiệu quả, chủ thể lãnh đạo phải nâng cao năng lực nội tại của mình. Đó là nguyên tắc và cũng là yêu cầu tất yếu. Sức mạnh lãnh đạo của Đảng thể hiện trước hết là quan điểm, đường lối. Nếu không có quan điểm, đường lối đúng đắn thì sẽ không lãnh đạo được báo chí và báo chí không có định hướng chuẩn. Mà không có định hướng chuẩn thì không có mục tiêu chuẩn, không có hướng đi chuẩn. Nói như vậy là để khẳng định rằng, Đảng ta đã có sức mạnh nội tại đủ sức lãnh đạo báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Quan điểm, phương thức lãnh đạo của Đảng phải luôn đổi mới và hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu thực tế hoạt động báo chí đang vận động liên tục, phong phú nhưng phức tạp. Quan điểm, đường lối của Đảng không phải là bất biến. Đời sống chính trị, kinh tế, xã hội luôn biến động, vì vậy quan điểm, đường lối của Đảng cũng phải luôn được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu thực tế đang biến chuyển. Vì vậy nội dung lãnh đạo của Đảng phải có tính khoa học cao, có tầm bao quát vừa rộng, vừa sâu, vừa lâu dài.

Đảng lãnh đạo báo chí thông qua cơ quan quản lý và cơ quan chủ quản báo chí. Ở nước ta, mỗi cơ quan báo chí đều chịu sự lãnh đạo của một cơ quan chủ quản. Luật Báo chí đã quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí. Tuy nhiên, lâu nay các cơ quan chủ quản báo chí một mặt yếu về năng lực quản lý báo chí, mặt khác chủ quan không quan tâm, không sâu sát, coi việc quản lý cơ quan báo chí đã có cơ quan tuyên giáo và cơ quan thông

tin - truyền thông nên lơi lỏng việc quản lý các cơ quan báo chí, hoặc "khoán trắng" cho người đứng đầu cơ quan báo chí. Muốn nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan chủ quản báo chí cần phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò của tổ chức Đảng, cá nhân có trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí. Cơ quan chủ quản phải chủ động phối hợp với cơ quan tuyên giáo và cơ quan thông tin - truyền thông để định hướng thông tin, chủ động cung cấp thông tin, kịp thời uốn nắn, xử lý những sai sót của cơ quan báo chí. Ngày nay không có chế độ "chính ủy báo chí" nhưng tuyệt đối không thể để vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng tại cơ quan báo chí bị mai một. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp và toàn diện đối với cơ quan báo chí thông qua cấp ủy đảng ở cơ quan báo chí là một trong những yếu tố quan trọng khắc phục tình trạng hoạt động báo chí thiếu nhạy cảm chính trị.

Quản lý báo chí là quản lý một lĩnh vực vừa rất khó, vừa rất nhạy cảm. Tuy nhiên, đòi hỏi người làm công tác quản lý báo chí phải nhạy cảm, đi trước đón đầu trong định hướng. Chúng ta đang trong tình trạng báo chí nói nhiều một vấn đề gì đó suốt thời gian vài ngày, thậm chí vài tuần thì cơ quan quản lý mới "tuýt còi" và nói rằng báo chí đã quá đà, cần phải xử lý!? Đúng ra, việc định hướng cho cơ quan báo chí phải có từ trước chứ không phải chờ đến khi cơ quan báo chí sai phạm rồi mới cảnh báo và xử lý. Việc đó chẳng khác nào cảnh sát giao thông chờ cho người tham gia giao thông vượt đèn đỏ rồi bắt chứ không phải điều hành giao thông và luôn có sự cảnh báo trước.

2. Đảng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện pháp luật và các chính sách đối với báo chí. Tăng cường vai trò của pháp luật tức là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước bằng hệ thống thiết chế. Luật pháp là pháp luật hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Việc chỉ đạo, lãnh đạo hoạt động báo chí thông qua các công cụ luật pháp là yêu cầu tất yếu trong thời kỳ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Pháp luật không thể thay thế hoàn toàn sự chỉ đạo chính trị đối với báo chí nhưng nó là công cụ cực kỳ quan trọng thể hiện sự lãnh đạo chính trị đối với báo chí, nhất là trong bối cảnh mở rộng dân chủ thời toàn cầu hóa. Nói cách khác, tăng cường vai trò của pháp luật tức là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí.

Bên cạnh đó, Đảng chỉ đạo sửa đổi kịp thời Luật Báo chí cho phù hợp với hoạt động báo chí trong bối cảnh mới. Luật Báo chí là văn bản pháp luật điều chỉnh các hành vi trong hoạt động báo chí. Về lý thuyết, Luật Báo chí giúp báo chí hoạt động theo phạm vi cho phép, đồng thời ngăn ngừa các sai phạm của báo chí. Tuy nhiên, cho đến nay, do sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, nhiều yếu tố nước ngoài xuất hiện và tham gia vào hoạt động báo chí trong nước, trong đó có cả yếu tố tích cực và tiêu cực, nhiều điều khoản của Luật Báo chí không còn phù hợp, thậm chí cản trở những xu hướng phát triển mới. Luật pháp là cụ thể hóa theo hướng pháp điển hóa đường lối chính trị, trong khi đó quan điểm, đường lối quản lý báo chí của Đảng đã có nhiều đổi mới. Sự phát triển mạnh mẽ của internet hiện nay cũng đòi hỏi phải nhanh chóng sửa Luật Báo chí. Đi theo đó là phải sửa các luật liên quan đến báo chí. Việc sửa Luật Báo chí không thể làm theo cách lâu nay là chỉ sửa một vài điều, chuyển từ dạng luật khung sang luật chi tiết. Khi có những phát sinh mới trong hoạt động báo chí thì cần có các quy định dưới luật thật sát hợp và kịp thời.

Song song với các quy định pháp luật cần xây dựng và hoàn chỉnh các quy chế lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với hoạt động báo chí, chi tiết hóa các quy định và kỷ luật trong Đảng đối với các sai lầm, khuyết điểm của đảng viên làm công việc báo chí, chi tiết hóa các quy định giám sát xã hội đối với báo chí cũng như trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Gần đây có tình trạng các nhóm xã hội trong đó có lợi ích chính trị, kinh tế khác nhau dùng báo chí như một lực lượng để cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau, nhưng không có cơ chế giám sát của xã hội đối với báo chí. Báo chí không phải là lực lượng xã hội đứng trên luật pháp, báo chí cũng không là công cụ của một nhóm người. Báo chí ở Việt Nam là vũ khí văn hóa - tư tưởng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, nên báo chí phải được xã hội giám sát, kiểm soát bằng những quy định pháp luật.

Báo chí mạnh phải là hệ thống báo chí tiên tiến, mạnh về đội ngũ, tài chính và khả năng đáp ứng mọi yêu cầu về thông tin các tình huống phức tạp nhất. Nhà nước cần tập trung tăng cường thực lực hệ thống báo chí nhằm mục đích về tổng thể là có một nền báo chí mạnh về thực lực. Sức mạnh của báo chí trước hết là con người, là đội ngũ người làm báo. Việc dùng chính sách khuyến khích, nâng đỡ, đào tạo nhân sự cho báo chí là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó cần phải có chính sách phát triển tiềm lực kinh tế báo chí. Hiện tại, báo chí Việt Nam so với báo chí nước ngoài đang thiếu hụt lớn về đội ngũ làm báo, về tiềm lực tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ. "Nền" tài chính của các cơ quan báo chí hiện không đồng đều, bất hợp lý. Một khi nền tài chính của cơ quan báo chí yếu kém thì xu hướng "thương mại hóa" theo hướng tiêu cực gia tăng. Báo chí phải loay hoay kiếm tiền tự trang trải, khi đó nhiệm vụ chính trị ở chỗ này, chỗ khác bị đặt xuống hàng thứ yếu. Do đó, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách hợp lý để thúc đẩy các cơ quan báo chí có nền tài chính lành mạnh.

3. Cần phải tăng cường củng cố, hoàn thiện tổ chức, nhân sự hệ thống quản lý và cơ quan báo chí ở mức độ cao hơn hiện tại. Trước hết đó là nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh chính trị của cán bộ làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí. Quan điểm, đường lối của Đảng về báo chí và lãnh đạo báo chí có tính khoa học cao hay không, có bao quát cả chiều rộng, chiều sâu và tầm nhìn dài hay không, trước hết là phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, khả năng nhạy bén, bản lĩnh chính trị vững vàng của các cán bộ, đảng viên làm công tác tham mưu quản lý báo chí. Vì vậy, hệ thống cán bộ tham mưu này phải được rèn luyện, học tập nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, khả năng phản ứng nhanh và nhạy bén trong các tình huống cũng như tầm chiến lược. Cần kiên quyết không đề bạt, sử dụng những cán bộ không am hiểu về báo chí, công tác tuyên giáo, công tác quản lý báo chí vào những cơ quan quan trọng này. Có như vậy, Đảng mới có được một hệ thống cơ quan tham mưu về chỉ đạo, quản lý báo chí có đủ sức mạnh để giúp Đảng định hướng cho báo chí, chỉ đạo và quản lý báo chí có hiệu quả.

Nâng cao chất lượng người làm báo theo tiêu chí vừa hồng vừa chuyên, xây dựng chuẩn hóa đội ngũ phóng viên, biên tập viên, luôn là việc hết sức cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam hiện nay, nhu cầu về nhà báo ngày càng lớn. Bên cạnh đó, đang có xu thế thông tin nhiều chiều, nâng cao quyền tự do ngôn luận của nhân dân, người dân được tham gia vào cả quá trình hình thành và phản ánh thông tin. Như thế không có nghĩa là coi nhẹ lực lượng nhà báo chuyên nghiệp. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp đạt được những tiêu chí cơ bản về nhà báo hiện đại thì vẫn còn không ít nhà báo có chuyên môn yếu, thiếu nhạy cảm chính trị, thiếu tu dưỡng đạo đức, vi phạm pháp luật. Họ lợi dụng nghề báo và quyền lực xã hội của báo chí để đưa tin sai sự thật, tham gia vào những cuộc đấu đá phe cánh, cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, làm thiệt hại lợi ích quốc gia dân tộc. Do đó rất cần đổi mới công tác đào tạo, tuyển dụng, đề bạt, bố trí cán bộ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Song song với đó là phải coi trọng hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và phát triển Đảng tại cơ sở đào tạo báo chí, cơ quan báo chí, từ đó nâng cao ý thức và bản lĩnh chính trị của đội ngũ người làm báo. Nhà báo không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí mà còn chịu điều chỉnh của nhiều bộ luật khác hiện hành. Bên cạnh đó, nhà báo chịu sự "điều chỉnh" của cơ chế chính trị, của quy ước đạo đức xã hội và tầng sâu văn hóa, cho nên nhà báo phải có ý thức và nhạy cảm chính trị, có ý thức đạo đức và nhạy cảm văn hóa. Thông tin hằng ngày trên thế giới và trong nước liên tục diễn ra không ngừng, có thông tin, vấn đề nếu nêu trên báo pháp luật không điều chỉnh được mà phụ thuộc vào sự nhạy cảm "nên hay không nên" của nhà báo, người làm báo. Thực tế có những thông tin, vấn đề đưa lên mặt báo nếu soi vào quy định của pháp luật thì không sai, nhưng xét ở các góc độ chính trị, đạo đức, văn hóa thì không nên. Tính đặc thù của báo chí là ở chỗ đó, bản lĩnh chính trị của người làm báo cũng ở chỗ đó.

Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với báo chí hiện nay là nâng cao vai trò của người lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng, là vị trí số một, có tính chất quyết định sự phát triển của cơ quan báo chí. Do vậy, trước hết phải chọn lựa và đề bạt người đứng đầu cơ quan báo chí có đủ bản lĩnh chính trị, có chuyên môn giỏi, có khả năng quản lý điều hành cơ quan báo chí hiện đại, biết làm kinh tế báo chí để duy trì và phát triển cơ quan báo chí. Người đứng đầu cơ quan báo chí được Nhà nước giao cho một trách nhiệm rất lớn. Người đứng đầu cơ quan báo chí là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí đó. Một khi đã chọn lọc kỹ càng để giao trọng trách đứng đầu cơ quan báo chí cho ai thì phải tin tưởng vào họ - cơ chế tin tưởng sẽ khuyến khích sự năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của họ. Người đứng đầu cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm ở cơ quan báo chí, gây tác hại cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia, lợi ích công dân thì phải xử lý nghiêm. Một khi xử lý người đứng đầu cơ quan báo chí sai phạm thì sẽ lập lại được mặt bằng của cơ quan báo chí đó. Thực chất việc quản lý báo chí trước hết và chủ yếu là quản lý người đứng đầu cơ quan báo chí.
*
* *
Chỉ khi có sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, báo chí Việt Nam hiện nay mới thực sự có quyền lực chính trị và quyền lực xã hội đúng nghĩa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lực chính trị và xã hội của báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.