Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới một trật tự báo chí lành mạnh và thống nhất

Tô Phán| 28/09/2015 06:01

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố nội dung cơ bản của đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Như vậy, sự mong chờ về quy hoạch báo chí nhiều tháng nay không chỉ của hệ thống báo chí cả nước mà cả các địa phương, các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp... đã được Chính phủ đáp ứng.

Có thể ngay lúc này đang có những ý kiến lo ngại, "tâm tư" về khía cạnh này, khía cạnh khác, nhưng về tổng thể quy hoạch đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh về cơ cấu các cơ quan báo chí khi mà hệ thống báo chí đang có những vấn đề nóng cần giải quyết. Đặc biệt trong giai đoạn quốc tế hóa hiện nay, những lo ngại về hoạt động báo chí gần như tự phát, thiếu lành mạnh, thì việc hướng tới một trật tự báo chí lành mạnh và thống nhất trong sự đa dạng là hết sức cần thiết. Về tâm lý, không ai muốn bị nhiều ràng buộc bởi các quy định, nhưng thực tế sự ràng buộc với những ngưỡng cho phép luôn là sự tất yếu để chống lại xu hướng vô chính phủ, để uốn nắn những lệch lạc hiện đang tồn tại và có chiều hướng phát triển nhanh đến mức khó kiểm soát.

1. Trước hết, cần phải khẳng định rằng đề án Quy hoạch báo chí đến năm 2025 thể hiện tính nguyên tắc về Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện báo chí, tính đúng đắn trong quản lý báo chí và phù hợp với yêu cầu hiện tại cũng như tương lai những năm sau.

Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, báo chí là công cụ tư tưởng của Đảng, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối báo chí là nguyên tắc bất di bất dịch trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, xây dựng và rèn luyện nền báo chí cách mạng Việt Nam - đã khẳng định: Báo chí cách mạng phải là cơ quan tổ chức, tuyên truyền tư tưởng cách mạng, phải là người dẫn đường về tư tưởng chính trị, hướng dẫn tuyên truyền về đường lối chính sách, phản ánh đời sống và tâm tư nguyện vọng của dân; báo chí cách mạng trước hết phải chịu sự lãnh đạo của Đảng. Về nguyên tắc lãnh đạo và quản lý báo chí cách mạng, Người viết: "Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị...".

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, báo chí Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Báo chí không những là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng mà còn là phương tiện khai trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của công chúng. Báo chí không những là công cụ tuyên truyền tư tưởng định tuyến mà còn là diễn đàn của nhân dân, là nơi giao lưu, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là nơi thông tin đa tuyến của xã hội. Ngày nay, báo chí cũng tham gia hoạt động kinh tế như những doanh nghiệp, sản phẩm báo chí trở thành hàng hóa đặc biệt đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Báo chí có xu hướng không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần mà nó còn là một ngành kinh tế - ngành "công nghiệp báo chí". Sự mâu thuẫn và thống nhất giữa hai mặt đối lập (giữa yêu cầu phát triển kinh tế và tiếp nhận xu hướng mới với việc giữ gìn bản sắc) trong hoạt động báo chí Việt Nam hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức thiết cần phải giải quyết. Báo chí Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa vừa có những thành tựu mới vừa có những xu hướng bị "đồng hóa", bị tác động bởi những mặt tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm giảm vai trò chính trị tư tưởng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đề án quy hoạch báo chí đã trở thành trọng tâm của các mối quan tâm của các cơ quan báo chí và hệ thống chính quyền các cấp. Ở góc độ xã hội phát triển, làm cái gì bài bản đều phải có chiến lược, có quy hoạch. Mỗi giai đoạn lịch sử đều phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với xu thế phát triển chung. Báo chí nước ta đã từng có các lần quy hoạch nhưng có lẽ chưa có quy hoạch dài hơi và cụ thể như đề án này.

Thực tế, giai đoạn vừa qua hoạt động của báo chí nước ta đã "phạm lỗi" về quy hoạch, do đó phát triển gần như là "phong trào" - hiểu theo nghĩa mạnh ai nấy làm, "con gà tức nhau tiếng gáy", ngành ngành ra báo, hội hội ra báo... Người ta lý luận và thậm chí ngụy biện về cái gọi là nhu cầu, đòi hỏi có "cơ quan ngôn luận" để xin ra nhiều tờ báo! Các trường đại học, cao đẳng cũng đua nhau mở các khoa báo chí - truyền thông, để đào tạo và nhanh chóng ra lò hàng loạt nhà báo tương lai. Và rồi thanh niên lao vào học báo chí như là một nghề thời thượng nhưng sau khi tốt nghiệp lại thất nghiệp không ít. Hệ lụy của tình trạng này là những cuộc cạnh tranh không lành mạnh tạo ra không ít ấn phẩm báo chí què cụt, thậm chí nhảm nhí. Chính vì thế mà báo chí Việt Nam thời gian qua bên cạnh những thành tựu, những ngăn nắp, nghiêm túc, tạo nên sức mạnh định hướng thông tin, hướng công chúng đến cái hay, cái đẹp, thì cũng đồng thời xuất hiện bức tranh lộn xộn, nhiều chắp vá. Nhiều nhà báo không quan tâm đến vai trò định hướng thông tin và tư tưởng cho công chúng mà quan tâm quá nhiều đến việc đua nhau khai thác những mặt trái của xã hội, góc khuất đời tư, sản xuất hàng loạt những bài báo "cướp - giết - hiếp". Những nhà báo đó không còn là hình ảnh của người định hướng tinh thần nữa mà ở mức độ nào đó đã trở thành những hung thần (tồi tệ hơn là họ bị nhiều người bức xúc gọi là "kền kền").

Chính tình trạng hoạt động báo chí như vậy đã buộc Đảng, Nhà nước phải thắt chặt quản lý để lập lại trật tự. Chính báo chí chứ không phải ai khác đòi hỏi phải phân định minh bạch và tôn trọng những nguyên lý, nguyên tắc mà gần đây đã bị coi nhẹ.

2. Nội dung Quy hoạch báo chí đề cập những chương trình, thiết chế mới mà người tiếp nhận vui mừng và có cả lo lắng. Đề án này thể hiện ý chí về một trật tự mới trong hoạt động báo chí, nhưng trật tự mới đó được triển khai ra sao trong thực tế phức tạp hiện nay của mặt bằng báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XXI với những biên độ quá phức tạp và đang tiệm cận với báo chí thế giới hiện đại, lại là chuyện không đơn giản.

Thực tế hiện nay nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đang loay hoay tìm đường đi trong sự tác động nhiều chiều và sự cân bằng khả dĩ của trách nhiệm chính trị, sức ảnh hưởng đối với xã hội và tiềm lực tài chính, đời sống các nhà báo, thì sự vui mừng đan xen sự lo lắng là đương nhiên. Cũng có người "tâm tư" về việc những tờ báo này đang "sống khỏe", không cần bầu sữa ngân sách mà vẫn nghiêm túc, đúng mực, nhưng có thể sẽ bị giải thể hoặc ghép làm ấn phẩm phụ của tờ báo khác. Tâm tư nữa là những tờ báo cấp sở cũng có thể bị giải thể... và rồi hàng nghìn nhà báo và người phục vụ xuất bản báo (họa sĩ, hành chính, phát hành...) sẽ mất việc làm. Nếu căn cứ vào nội dung của đề án quy hoạch thì có lý do để lo lắng, tâm tư. Tuy nhiên, đề án quy hoạch với những cấu trúc và mục tiêu mới dù còn có tranh cãi, thậm chí lo lắng về sự không công bằng ở đâu đó về cách sắp xếp, quy hoạch cụ thể, thì đây vẫn là cấu trúc của một trật tự mới - hy vọng là như vậy.

Đề án quy hoạch giương cao những giá trị truyền thống của báo chí cách mạng, đồng thời cũng tiếp cận những giá trị của báo chí hiện đại. Đó là sự giao thoa, hài hòa để bảo đảm sự phát triển báo chí trên nền tảng văn hóa vững chắc có tính đặc thù nhưng đan xen cả tính phổ cập của một quốc gia hiện đại. Do đó những lo lắng, tâm tư nêu trên chắc chắn sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự khác biệt về giá trị và lợi ích của hai cách làm báo (một là làm báo nghiêm túc, trung thực, vì mục tiêu thúc đẩy xã hội phát triển; hai là cách làm báo chụp giật, câu khách, rẻ tiền, thương mại hóa, vật chất hóa) dẫn đến những xung đột trong sự tiếp nhận thông tin của các đối tượng thụ hưởng cũng như xung đột ngay trong hệ thống các cơ quan báo chí và trong đội ngũ làm báo hiện nay. Vì thế mà lúc này người dân đang bắt đầu cảnh giác với tình trạng thương mại hóa, câu khách, xa rời mục đích chính trị của một số cơ quan báo chí.

Khi xã hội đang phải đối mặt với những bất ổn về báo chí thì không thể để tồn tại một thứ trật tự "trăm hoa đua nở" mà trong đó không ít thứ hoa dại tưởng đầy màu sắc và hương thơm nhưng lại độc hại cho con người, thậm chí tai hại cho cả thế hệ sau. Chấp nhận những yếu tố tiêu cực của hoạt động báo chí hiện nay là chấp nhận những lợi ích ngắn hạn của các cơ quan báo chí, nhưng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia dân tộc. Khi mà sự tồn tại như một điều đương nhiên những cơ quan báo chí chỉ lấy việc khai thác và đưa lên trên mặt báo những vết đen trong đời sống xã hội và lấy lợi nhuận làm mục đích thay vì lấy chính trị, lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc làm mục đích tối thượng, thì đó là điều rất bất ổn. Và khi mà một xã hội phần đông người dân thích thú và say mê đọc, xem những mặt tối với hấp lực của nó, thì đó là điều rất nguy hại. Báo chí bị cảnh giác, giảm lòng tin từ công chúng không phải do ngoại xâm về văn hóa hay kinh tế mà nhiều khi là do chính báo chí chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng (ngược lại với nguyên lý cơ bản của báo chí là định hướng tinh thần cho công chúng) - có nghĩa là báo chí cầm dao ghè vào chính chân mình.

Một nền báo chí lành mạnh dù có tiếp nhận, tiếp biến những yếu tố mới của báo chí - truyền thông thế giới với thành tựu công nghệ vượt bậc thế nào đi nữa thì cũng được hội tụ bởi 3 yếu tố cơ bản, đó là: Văn hóa báo chí lành mạnh và hấp dẫn; các giá trị cốt lõi về chính trị mà báo chí ủng hộ, cổ súy; giá trị đạo đức cơ bản của con người được thể hiện trong tác phẩm báo chí, dù chỉ là một cái tin, ảnh. Có thể tách biệt các yếu tố này nhưng thông thường sự kết hợp hài hòa các yếu tố sẽ tạo nên sự lành mạnh của nền báo chí cách mạng.

Trong bối cảnh đó nếu không có một trật tự mới được lập ra thì một bộ phận không nhỏ các cơ quan báo chí hiện nay sẽ gây nên nhiều tổn thất về lòng tin và những hệ lụy đối với cộng đồng xã hội. Do vậy, những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025 trong giai đoạn hiện nay là việc làm rất cần thiết và rất quan trọng. Bởi lẽ, việc thực hiện quy hoạch báo chí sẽ hạn chế những mặt tiêu cực do thương mại hóa báo chí gây ra và đưa báo chí trở lại những nguyên lý cơ bản của báo chí cách mạng nhưng cũng phù hợp với xu hướng phát triển báo chí thế giới hiện đại.

3. Nội dung quy hoạch báo chí đến năm 2025 sẽ là cơn địa chấn đối với những cơ quan báo chí dễ dãi, hoặc ngoi ngóp, hoặc coi báo chí là một nghề kiếm tiền.

Theo Quy hoạch báo chí, "quý hồ tinh bất quý hồ đa" là quan điểm xuyên suốt. Hiện nay, sự lặp lại, "luộc" lại thông tin hoặc ít nhất là trùng thông tin trên báo chí đang hết sức phổ biến. Sự "phổ biến" này đến mức chỉ cần mua một tờ báo in hay đọc một tờ báo điện tử thì đã biết tất cả những sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra trong ngày. Không ai đủ... dại dột để mua một lúc vài tờ báo có thông tin giống nhau! Thế mà báo chí hiện nay là như vậy.

Nhưng như đã nói, để thực hiện đề án quy hoạch để lập lại trật tự mới của báo chí Việt Nam hiện nay không hề đơn giản. Thứ nhất là tác động của xu hướng toàn cầu hóa báo chí mà biên giới theo địa lý trở nên mỏng manh (có lúc là bằng không). Thứ hai là nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã quen nếp nghĩ, nếp làm theo lối thương mại hóa tinh thần. Thứ ba, một bộ phận không nhỏ dân chúng có thời gian quá lâu đã quen với những món ăn mà nguyên liệu chính của nó là màu tối của xã hội và thói quen hả hê trước mất mát, đau khổ của người khác. Thứ tư, các cơ quan báo chí có lượng công chúng đông đảo, có tiềm lực tài chính để hoạt động tốt, nhưng không thuộc "cấp" được tồn tại, sẽ được giải quyết ra sao? Thứ năm, đội ngũ nhà báo quá đông (các trường đào tạo nghề báo ít có yếu tố quy hoạch hoặc không dựa trên cơ sở nhu cầu thực sự của xã hội), sẽ được sắp xếp việc làm ra sao sau khi quy hoạch lại báo chí?

Số lượng cơ quan báo chí và nhà báo đông đúc một mặt cho thấy tính dân chủ, cởi mở, tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam đã và đang được khuyến khích mạnh mẽ, nhưng mặt khác cũng cho thấy trong xã hội rất nhiều người đang coi nghề báo là nghề kiếm sống dễ dàng. Khi coi nghề báo là một nghề để kiếm tiền thì chức năng cao cả của báo chí đối với quốc gia dân tộc, đối với xã hội đã bị đặt ra ngoài rìa.

Trong bối cảnh đó, với tư cách lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối đối với báo chí cách mạng, Đảng ta không thể để cho những trật tự mang nhiều màu sắc tự phát của báo chí như hiện nay bành trướng thêm nữa. Vấn đề tiên quyết là dứt khoát phải lập lại trật tự mà trật tự đó mang tính áp đặt cũng là tất yếu. Quản lý luôn hàm chứa sự áp đặt. Tuy nhiên, sự áp đặt này dựa trên nền tảng những nguyên lý của báo chí cách mạng, và cũng mở cửa đón xu thế hiện đại hóa và thích hợp hóa với báo chí hiện đại. Khi việc triển khai thực hiện quy hoạch báo chí bảo đảm sự hài hòa giữa cái mới (hiện đại) và khuôn phép mang tính nguyên tắc truyền thống là dòng chủ lưu thì mới đem lại hiệu quả thực sự.

Đề án Quy hoạch báo chí do đó sẽ là cái sàng lớn sàng lọc và siết chặt bằng cuộc cắt gọt đau đớn nhưng cần thiết, phù hợp với giai đoạn lịch sử mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới một trật tự báo chí lành mạnh và thống nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.