Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả công việc là thước đo năng lực lãnh đạo của những người trẻ

Cù Xuân Trường| 07/12/2015 06:10

(HNM) - Tại kỳ họp thứ 14, khóa XIV, HĐND thành phố đã tín nhiệm bầu Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội giữ cương vị Chủ tịch UBND thành phố.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Cảnh sát (chuyên ngành Điều tra tội phạm), trưởng thành từ Đội Trọng án Phòng Cảnh sát điều tra, từng kinh qua nhiều vị trí công tác quan trọng trong lực lượng Công an TP Hà Nội, là Anh hùng Lực lượng vũ trang và là đại biểu Quốc hội… Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung có bằng Đại học Thương mại (ngành Quản trị kinh doanh), có học vị tiến sĩ Luật. Việc một vị tướng trẻ, được đào tạo bài bản, từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, có nhiều chiến công được bầu giữ cương vị người đứng đầu UBND thành phố với sự tín nhiệm cao là sự kiện thu hút sự quan tâm của không chỉ người Hà Nội…

Trước đó, tại đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố, một thế hệ cán bộ lãnh đạo mới đã được hình thành: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị… Sau nhiều năm, một thế hệ cán bộ trẻ đã được tín nhiệm giao phó những trọng trách lớn. Tín hiệu này cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc lựa chọn những người trẻ được đào tạo bài bản, có năng lực thực tế tham gia bộ máy lãnh đạo đã thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều kỳ vọng đặt lên vai thế hệ lãnh đạo mới và cả những trăn trở.

"Cán bộ là gốc của công việc; mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"; " Nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt". Những đau đớn từ thập niên 9 của thế kỷ trước ở đất nước Xô viết để lại nhiều bài học về công tác cán bộ. Với những cá nhân cơ hội, độc đoán, chuyên quyền, những nhóm lợi ích chi phối, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mất quyền lãnh đạo, Liên bang Xô viết tan rã dẫn tới những sự thay đổi khủng khiếp mà hệ lụy thế nào, có lẽ không phải bàn thêm. Nhắc lại câu chuyện đau lòng ở đất nước vĩ đại trong trái tim của nhiều người Việt Nam để thấy rằng: Xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, với sự tồn vong của chế độ.

Thế giới tiếp tục biến động khó lường, nguy cơ đe dọa hòa bình và ổn định đang hiện hữu, sự chi phối của các thế lực xuyên quốc gia ngày càng mạnh mẽ hơn… nếu không có sự chèo lái vững vàng, Việt Nam không thể ra "biển lớn". Mặt khác, Đảng ta đang đứng trước những thách thức lớn mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã chỉ ra. Đó là những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng có nguyên nhân chủ yếu từ cán bộ. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu rõ việc Đảng ta: "Chưa tập trung chỉ đạo làm rõ, đánh giá đầy đủ thực chất tình hình để kịp thời có biện pháp kiên quyết khắc phục một số tiêu cực (như chạy chức, chạy quyền, chạy tội…) và một số trường hợp phân công, đề bạt cán bộ chưa chính xác, chưa được dư luận đồng tình".

Thách thức từ công cuộc đổi mới, hội nhập cũng như những vấn đề nội tại đang là lực cản cho tiến trình phát triển đòi hỏi phải có các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong công tác cán bộ. "Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", tương lai của đất nước đặt lên vai thế hệ lãnh đạo mới và điều này phần nào lý giải tại sao việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo lại thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận đến như vậy. Cùng với niềm tin, sự kỳ vọng, đã xuất hiện những luồng dư luận đặt vấn đề về việc nhiều người trẻ (trong đó có những "hậu duệ") được giao phó những trọng trách lớn. Với những thông tin như vậy, nếu không có một điểm nhìn đúng sẽ dẫn đến những suy diễn phiến diện, lệch lạc.

Có lẽ nhiều người chưa quên, sau ngày "những đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô", hòa bình trở lại với miền Bắc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn "hạt giống đỏ" là những quần chúng ưu tú, con em miền Nam, con em các vị lãnh đạo đang nắm giữ vận mệnh của đất nước gửi đi Liên Xô (cũ), Trung Quốc… học tập. Những "hạt giống đỏ" được đào tạo bài bản trong môi trường khắc nghiệt và đều đã trưởng thành. Họ có mặt trên các chiến trường nóng bỏng, trên mọi lĩnh vực của đời sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành nhà lãnh đạo, tướng lĩnh quân đội, nhà khoa học… Sự hy sinh, cống hiến của những "hạt giống đỏ" đã được lịch sử ghi nhận. Thêm nữa, ở tuổi 40 không thể gọi là trẻ để đảm nhận chức danh lãnh đạo một địa phương hay một ngành mà chỉ là trẻ hơn lớp cán bộ tiền nhiệm mà thôi. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những gia đình nhiều thế hệ cùng làm chính trị được xem là một truyền thống và nguyên thủ quốc gia nắm quyền lãnh đạo đất nước ở tuổi 40 là chuyện bình thường. Vấn đề quan trọng là những con người ấy chứng minh được khả năng của mình. Từ đó có thể thấy, điều mà dư luận nghi ngại là những chuyện không bình thường như: Người lãnh đạo trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới đề bạt con em mình, trong khi người được đề bạt chưa chứng minh được năng lực vượt trội so với những người khác hay đề bạt theo kiểu "đốt cháy giai đoạn"…

Người dân thật sự mong muốn là việc đánh giá và sử dụng đúng cán bộ phải dựa trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ tài, đủ đức, cơ hội chủ nghĩa… Nói cách khác, cán bộ lãnh đạo phải được đào tạo bài bản, phải có năng lực thực tế, phải được thử thách để khẳng định tài năng, bản lĩnh trên từng vị trí công tác và phải mang lại những hiệu quả đích thực trong công việc, cho xã hội. "Cán bộ là gốc của công việc". Cán bộ chuẩn sẽ có đường lối chuẩn, việc làm chuẩn; cán bộ không chuẩn, không có bản lĩnh chính trị, không được đào tạo bài bản, không "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư"… sẽ mang đến những thảm họa. Thế nên, vì bất cứ lý do gì nếu để những người thiếu tâm, thiếu tầm, những kẻ cơ hội leo lên vị trí lãnh đạo thì cũng là có tội với nhân dân, với đất nước.

"Hiền tài là nguyên khí quốc gia", để có thêm nhiều cán bộ lãnh đạo có tài, có đức, xứng đáng "người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân" phải quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực trong đánh giá, sử dụng cán bộ: "Xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành, các cấp; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín…". Cùng với đó là tạo động lực và môi trường rèn luyện, thử thách công bằng để những cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực cống hiến hết mình cho nhân dân, cho đất nước. Mặt khác, có một thực tế là không ít người trẻ tuổi nhưng tư duy già cỗi, trong khi đó nhiều người đứng tuổi luôn đổi mới tư duy, có cách nghĩ, cách ứng xử phù hợp với xu thế thời đại. Do vậy, sức trẻ của cán bộ lãnh đạo còn ở tư duy, tác phong, lề lối làm việc nên trẻ hóa cán bộ lãnh đạo không thể đơn giản ở trẻ hóa độ tuổi.

Việc Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung được bầu giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội và nhiều người trẻ được bầu giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt ở một số tỉnh, thành phố cho thấy: Đảng và nhân dân đặt niềm tin vào những cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, được thử thách, rèn luyện qua nhiều vị trí công tác, được đề bạt bổ nhiệm đúng quy trình... Sự tín nhiệm cao sự ủng hộ của người dân là động lực và cũng là áp lực. Nhưng áp lực ở nhiều điểm nhìn cũng là động lực để khẳng định năng lực tư duy, năng lực lãnh đạo. Có được sự tín nhiệm của đồng bào, đồng chí là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, giữ được sự tín nhiệm của đồng bào, đồng chí đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn. Những kết quả từ thực tế công việc là minh chứng rõ nhất về tài năng và đức độ của mỗi cán bộ trẻ. Người dân hy vọng những người trẻ đang đảm nhận vị trí lãnh đạo quan trọng tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa, tạo ra những xung lực mới đưa Thủ đô và đất nước vượt qua thử thách khắc nghiệt trên con đường đổi mới và hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả công việc là thước đo năng lực lãnh đạo của những người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.