Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì bầu sinh quyển lành mạnh để nuôi dưỡng, phát triển thiếu nhi

Lã Nguyên An| 30/05/2016 06:10

(HNM) - Chỉ hai ngày nữa là đến ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Mùng 1 tháng 6/ Tết của thiếu nhi/ Mẹ em đưa đi/ Sắm quà mậu dịch/ Ô tô bình bịch/ Có cả vịt bơi/ Này các bạn ơi/ Ta cùng chung nhé!

Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên thời bao cấp hẳn đều thuộc làu làu bài thơ như mấy câu đồng dao ấy dù với nhận thức còn non nớt, trong tâm hồn thơ dại, "Tết của thiếu nhi" không mang ý nghĩa gì to tát ngoài một ngày được chơi, được vui, được mua quà. So với cái thời đầy thiếu thốn, khó khăn ấy, cuộc sống bây giờ đã đủ đầy hơn nhiều, quà cho thiếu nhi vừa sẵn, vừa đa dạng, vừa có thể dễ mua hơn nhiều. Dẫu vậy, ngày 1-6 vẫn cứ khơi gợi, nhắc nhở ở người lớn, ở mỗi bậc làm cha làm mẹ, người làm công tác giáo dục, các cơ quan chức năng rất nhiều điều đáng để suy nghĩ.

Trong cơ cấu dân số xấp xỉ 91,7 triệu người (kết quả điều tra năm 2015), tỷ lệ dưới 15 tuổi chiếm khoảng 23,5%. Nếu tính đến “trần” tuổi trẻ em theo pháp luật, đối tượng này chiếm tới 33% dân số cả nước. Ngày tết Thiếu nhi là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của thế giới nói chung, đất nước nói riêng, đồng thời cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em - đối tượng đặc biệt, đông đảo trong cơ cấu dân số này.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, trẻ em đã được hưởng nhiều thành quả to lớn. Việt Nam đã trở thành một điểm sáng thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, bao gồm các vấn đề liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em: Hệ thống giáo dục được phát triển, việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh. Hiện nay, tuyệt đại đa số trẻ em đã được đến trường. Các công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em được đầu tư. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng được cải thiện: Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đã giảm mạnh. Nước ta đã giải quyết thành công những dịch bệnh nghiêm trọng như bại liệt, uốn ván, sởi... Đồng thời, gia đình, cộng đồng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đối với trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em phát triển đầy đủ cả về thể chất và tinh thần.

Phát triển con người, bao gồm các vấn đề liên quan đến trẻ em, luôn là trọng tâm trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1990). Chỉ thị số 55-CT/TƯ, ngày 28-6-2000, của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; rồi Chỉ thị số 20-CT/TƯ, ngày 5-12-2012, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” đã yêu cầu sự tham gia tích cực, bài bản, chu đáo của các cấp ủy, bộ, ngành, chính quyền, địa phương. Các vấn đề về trẻ em và gia đình được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, được thể chế hóa một cách đầy đủ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Điểm 1, Điều 37, Hiến pháp (năm 2013) nêu rõ: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Rồi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) không chỉ khắc phục những bất cập của luật trước mà còn là sự cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Những thành tựu của công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra không ít vấn đề: Đấy là còn không ít trẻ em vẫn chưa được hưởng những quyền cơ bản của mình là được đến trường; không ít trẻ em vẫn chưa được ăn no, mặc đủ; không ít trẻ em chưa có điều kiện vui chơi, giải trí... Đấy là còn không ít trẻ em phải lao động trước tuổi. Đấy là tình trạng nạo phá thai ở trẻ em gái. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần đang có chiều hướng gia tăng. Đau lòng hơn, đây đó còn xuất hiện những trường hợp đang tâm ép con tự tử cùng cha mẹ, bỏ rơi con ngay khi mới sinh, bức hại con trẻ... Trong khi đó, gia đình - tế bào của xã hội, “pháo đài” và là “sinh quyển” thiết thân, trực tiếp, quan trọng nhất của con trẻ lại có chiều hướng trở nên mỏng manh, dễ đổ vỡ mà biểu hiện trực tiếp là ngày càng có nhiều vụ ly hôn. Đồng thời, môi trường xã hội - trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường - đã xuất hiện những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ đối với sự phát triển lành mạnh của con trẻ. Những điều nhức nhối ấy là vấn đề chung mà quốc gia nào cũng phải đối mặt chứ không riêng Việt Nam. Song còn điều rất đáng trăn trở nữa là ngay cả với không ít con trẻ có đủ điều kiện vật chất vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn, “khuyết tật” tinh thần...

Thực tế nêu trên cho thấy, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em không chỉ là vấn đề lớn đối với mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội mà còn là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm, chu đáo, tình yêu thương và cả tinh thần khoa học nhằm bảo đảm cho trẻ điều kiện phát triển tốt nhất cả về thể chất, trí tuệ lẫn tâm hồn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư gửi hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc (ngày 25-8- 1950), Bác chỉ rõ: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả (...). Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội chúng đều vui, đều học (...). Giáo dục nhi đồng là một khoa học”.

Những lời căn dặn của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chủ đề Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, phát động ngày 28-5 tại Quảng Ninh, là “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Đây là nội dung thiết thực, “nhắm” vào một vấn đề nóng bỏng hiện nay, mà chỉ một con số - bình quân 5 năm gần đây, mỗi ngày có 9 trẻ em bị tử vong vì đuối nước - đủ để khiến trái tim mỗi người đau nhức. Và từ đó nhìn rộng hơn, chủ đề lâu dài hơn dành cho trẻ em chính là: Môi trường gia đình, học đường, xã hội phải là bầu sinh quyển lành mạnh, nơi ươm ước mơ, sự sáng tạo, nơi cung cấp những “dưỡng chất” cần thiết một cách đầy đủ nhất cho sự phát triển con trẻ cả về thể chất lẫn tâm hồn.

Cổ nhân đã đúc kết “Trẻ cậy cha, già cậy con” - một quy luật ràng buộc, mối liên kết và trách nhiệm đầy sâu sắc: Đứa con hôm nay chính là tương lai của cha mẹ ngày sau. Với mỗi quốc gia - “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Chăm lo cho con trẻ, vì thế không thể và không nên chỉ là trong ngày 1-6, trong Tháng hành động vì trẻ em, mà phải là trách nhiệm thường xuyên mỗi ngày của mỗi gia đình, cộng đồng, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, để mỗi đứa trẻ khi trưởng thành, nhớ về tuổi thơ đều rộn rã: Mùng 1 tháng 6/ Tết của thiếu nhi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Duy trì bầu sinh quyển lành mạnh để nuôi dưỡng, phát triển thiếu nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.