Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ Tài chính nói về nguyên nhân khiến dự án đầu tư “đội vốn”

Hương Thủy| 25/05/2018 16:33

(HNMO) - Chiều 25-5, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách nhà nước.


Ảnh: Tạp chí Tài chính


Trả lời câu hỏi về nguyên nhân nhiều dự án đầu tư bị "đội vốn" nhiều lần so với mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, trách nhiệm và giải pháp, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với dự án đầu tư công, bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh, thành là người quyết định đầu tư.

Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo ông Lê Tuấn Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến "đội vốn", có thể do khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan, có thể việc điều chỉnh dự án theo quy định được cho phép.

“Đối với các nguyên nhân chủ quan, cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm...”, ông Lê Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh , những nguyên nhân cần nhận định như: Chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế; chất lượng thẩm định dự án không cao, khi đi vào thực hiện mới phát sinh, đòi hỏi phải điều chỉnh, tăng vốn; khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian dự án (GPMB chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...); thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.

Nói về trách nhiệm, ông Tuấn Anh cho rằng, là do chủ đầu tư trong việc quản lý, tổ chức triển khai dự án, từ khâu khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, quản lý thi công, quyết toán; các cơ quan chuyên môn của người quyết định đầu tư trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án và thẩm định điều chỉnh dự án tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm tra...

Để hạn chế việc các dự án “đội vốn”, theo ông Lê Tuấn Anh, các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện đúng qui định khi triển khai dự án; bên cạnh đó, cần tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư; giám sát, kiểm tra nghiêm túc và có chế tài xử lý mạnh.


Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công chậm, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) thừa nhận, đúng là có tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công, gồm cả vay ODA, vay ưu đãi chưa được như mong đợi và dự toán được giao.

Một trong những biện pháp căn bản để kiểm soát nợ công là giải ngân đúng dự toán. Nhưng từ trước năm 2015, việc giải ngân vốn vay ODA và vốn ưu đãi không dựa trên dự toán Quốc hội giao mà dựa trên tiến độ triển khai dự án.

Kể từ năm 2016, giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi phải theo đúng dự toán đã được Quốc hội giao nhưng khi áp dụng trên thực tế gặp vướng mắc, bởi nhiều chủ dự án vẫn giải ngân vốn ODA không dựa vào dự toán. Vì vậy, việc triển khai không đúng tiến độ như dự toán, trong quá trình triển khai đã phải điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, việc điều chỉnh dự toán là rất khó, vì không thể có cơ chế chuyển vốn giải ngân chậm của địa phương này sang địa phương khác, từ bộ nay sang bộ khác, ngay cả chuyển trong cùng một bộ cũng rất khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính nói về nguyên nhân khiến dự án đầu tư “đội vốn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.