Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời điểm thích hợp bỏ “khoán” tín dụng ?

Hà Linh| 02/06/2018 07:37

(HNM) - Sau một thời gian dài “chìm” trong khủng hoảng nợ xấu, kể từ năm 2017 đến nay, hoạt động của hệ thống ngân hàng đã ổn định, với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá tốt. Theo các chuyên gia, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay có phải là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ “khoán” tín dụng đối với từng ngân hàng?

Chưa cần điều chỉnh mục tiêu

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, 4 tháng đầu năm nay, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng hơn 5%. Đây là mức tăng trưởng khá, với cơ cấu tín dụng hợp lý. Do đó, hiện chưa cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17% và tổng phương tiện thanh toán tăng 16% cho cả năm 2018.

Tín dụng ngân hàng đang có mức tăng trưởng khá tốt.Ảnh: Khánh Huy


Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 3,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,8%). Đến cuối tháng 4, tín dụng tăng khoảng 4,3% so với cuối năm 2017 (4 tháng đầu năm 2017 tăng 5,6%). Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tương đối dồi dào. Tính đến cuối tháng 4-2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 87,9% (cùng kỳ năm 2017 là 88%). Trong đó, LDR bằng VND là 89,8%, LDR bằng ngoại tệ là 71,7%. Đáng chú ý là thanh khoản VND trên thị trường được dự báo tiếp tục ổn định khi áp lực tỷ giá trong năm 2018 được dự báo không lớn.

Thông thường, với những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt thấp do nhu cầu về vốn không nhiều, có những thời điểm mức tăng trưởng của hệ thống thậm chí còn “âm”, nhưng trong những tháng đầu năm 2017 và 2018, tăng trưởng tín dụng lại khá tốt. Với những kết quả khá lạc quan, không ít chuyên gia bày tỏ quan điểm: Nên chăng Ngân hàng Nhà nước tính toán phương án tháo bỏ “rào cản” về tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng. Trên thực tế, năm 2017, nhiều ngân hàng đã phải xin “nới” tăng trưởng tín dụng do nhu cầu về vốn tăng quá lớn, trong khi các ngân hàng đã sử dụng hết “room”.

Sử dụng công cụ điều tiết tín dụng

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam, những năm vừa qua, để kiểm soát lượng vốn "bơm" vào nền kinh tế cũng như bảo đảm an toàn tín dụng, hoạt động của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước khống chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng. Tùy vào năng lực vốn chủ sở hữu, mức độ kiểm soát rủi ro tín dụng của mình, các đơn vị sẽ được giao "quota" khác nhau. Ưu điểm của biện pháp này là Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát rất tốt chất lượng tín dụng, ngăn chặn được việc phát triển “nóng” tại một số tổ chức tín dụng yếu kém. Quan trọng hơn, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng tăng trưởng tín dụng riêng với từng ngân hàng cũng góp phần giúp cơ quan này điều hành chính sách tiền tệ thành công khi vừa duy trì được giá trị đồng tiền, bảo đảm mục tiêu lạm phát và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại có hoạt động tốt liên tục trong tình cảnh vừa cho vay, vừa lo hết "room”. Không ít nhà băng, sau nửa năm đã dùng hết chỉ tiêu và lại xin "nới" tiếp vào cuối năm. Một số nhà băng chất lượng tín dụng tốt, cho vay ổn định, đến cuối năm phải đối phó việc hết "room" tín dụng bằng cách điều chỉnh khoản vay sang đầu năm sau. Bởi vậy, với tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét đến phương án dỡ bỏ những công cụ điều hành mang tính hành chính.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, một số ngân hàng có quy mô lớn có thể không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao. Nhưng, với những ngân hàng nhỏ hơn, hoạt động lành mạnh, có tiềm năng tăng trưởng cao lại bị hạn chế bởi công cụ này. Khi hệ thống ngân hàng đã lành mạnh, tình trạng yếu kém đã được khắc phục, có thể dỡ bỏ “khoán” tín dụng.

Lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại khẳng định, nếu tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động mới nên coi là có dấu hiệu tăng trưởng "nóng". Giai đoạn 2001-2007, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân trên 30%/năm và đặc biệt năm 2006 tăng cao kỷ lục trên 50%, trong khi huy động vốn chỉ hơn 20%. Còn trong năm 2017 cũng như thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng luôn thấp hơn tổng nguồn vốn huy động, nên tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy là phù hợp. Do đó, không cần thiết hạn chế tăng trưởng với những ngân hàng đủ vốn, nợ xấu thấp và ngược lại nếu để tín dụng tăng quá nhanh, dẫn đến không đủ vốn, ngân hàng đó sẽ không được tăng trưởng thêm.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mỗi ngân hàng tùy theo năng lực sẽ tăng trưởng tín dụng theo một mức độ phù hợp nhất với mình. Trước đây, đã có những ngân hàng tăng trưởng quá "nóng", tạo nên một thị trường tín dụng không kiểm soát, hậu quả là gây ra nợ xấu lớn, nhưng không vì thế mà lấy câu chuyện của gần 10 năm trước để áp dụng cho hiện tại. Điều cần thiết là Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra một định hướng chung cho hệ thống và dùng công cụ của chính sách tiền tệ đưa hoạt động tín dụng của các ngân hàng vào các chỉ tiêu mình muốn, gắn liền với tăng trưởng GDP, nhu cầu vay vốn trên thị trường, cũng như tất cả những điều kiện trong hệ thống tài chính, chứ không nên áp đặt con số tăng trưởng tín dụng cụ thể lên từng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước nên sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để điều tiết tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn như tăng lãi suất cao để hạn chế đi vay, từ đó hạn chế tăng trưởng tín dụng, dự trữ bắt buộc cần được cơ quan quản lý sử dụng linh hoạt hơn, dùng các công cụ khác như tái chiết khấu, tái cấp vốn để điều chỉnh lượng tín dụng trong lưu thông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời điểm thích hợp bỏ “khoán” tín dụng ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.