Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất ổn định, cơ hội nào cho đầu tư cá nhân?

Hoàng Lan| 05/06/2018 10:11

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng tốt nhờ tình hình lãi suất ổn định và chi phí vốn thấp, các nhà đầu tư cá nhân cũng đang đứng trước nhiều giải pháp đầu tư sinh lời hấp dẫn và linh hoạt.

Lãi suất tiếp tục ổn định

Năm 2017 được xem là một năm tiếp tục ổn định với các mức lãi suất trên thị trường. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến quanh mức 6,4%-7,2%/năm, trong khi lãi suất cho vay ở mức 6,8%-11%/năm. Theo cơ quan này, lãi suất tiền gửi huy động từ dân cư đã bắt đầu ổn định từ năm 2015. Còn trên thị trường vay vốn giữa các ngân hàng với nhau, lãi suất liên tục giảm mạnh trong cuối năm 2017 và hiện đang ở mức rất thấp so với năm 2016. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngày càng tốt hơn, đồng nghĩa với việc dòng vốn đầu tư trở nên ổn định hơn.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu cũng ghi nhận một năm có thêm nhiều con số kỷ lục mới khi lãi suất phát hành bình quân trái phiếu chính phủ giảm (từ 6,28% năm 2016 xuống còn 6,1% vào năm 2017). Còn mức lãi suất trúng thầu được điều chỉnh giảm từ 0,6%-1,9%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Thống kê của Thomson Reuters Datastream vào tháng 1-2018 cho thấy, lãi suất trái phiếu giảm dần trong khoảng thời gian gần đây ở mọi quốc gia, kể cả các nước phát triển và Việt Nam không ngoại lệ. Nếu như lãi suất trái phiếu trong những năm trước phổ biến ở mức gần 10%/năm thì những năm gần đây về quanh mức 4%-5%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc lợi suất đầu tư từ trái phiếu giảm, nhưng ngược lại, chi phí vốn thấp hơn giúp nền kinh tế, bao gồm cả chính phủ và doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn.

Trong năm nay, lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục ổn định. “Lãi suất huy động và cho vay VNĐ năm 2018 dự báo khá ổn định so với năm 2017, với biên độ dao động khoảng 0,2 điểm %”, báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết.

Chọn cổ phiếu hay trái phiếu?

Trong bối cảnh lãi suất ổn định, nền kinh tế trong năm ngoái tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước (tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% so với con số 6,2% trong năm trước đó). Niềm tin của người tiêu dùng cuối năm 2017 đạt 115 điểm, tiếp tục duy trì ở mức cao và đưa Việt Nam vào Top 7 các nước lạc quan nhất toàn cầu, theo khảo sát niềm tin người tiêu dùng quý IV-2017 của Nielsen. “Nhìn chung, chúng ta tiếp tục thấy sự lạc quan ổn định của người Việt trong suốt các quý của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng khả quan của nền kinh tế ở khắp các lĩnh vực cùng với những dấu hiệu tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài, sự tăng trưởng của thu nhập bình quân và những chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể chính là những nguyên do tạo nên niềm tin mạnh mẽ của người tiêu dùng”, báo cáo của Nielsen nhận xét.

Sự lạc quan này còn thể hiện cả trên các kênh đầu tư. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ số VN- index vào cuối năm 2017 đã tăng khoảng 43% so với đầu năm và là 1 trong 5 chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu năm 2017.

Dự báo lãi suất ổn định và thanh khoản tốt ở các tổ chức tín dụng cũng có thể thêm lần nữa giúp dòng tiền chảy về thị trường cổ phiếu hay nhà đất trong năm nay. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, lợi nhuận song hành cùng rủi ro cao. Thị trường cổ phiếu mới đây điều chỉnh giảm rất mạnh. Tính đến ngày 25-4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bay” mất 14 tỉ USD giá trị vốn hóa so với thời điểm đầu tháng. Thị trường nhà đất cũng có những cảnh báo đầu tiên về nguy cơ bong bóng. Cả hai đều đặc biệt rủi ro với các nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, một điều đặc biệt trong năm qua và dự kiến tiếp diễn trong năm nay là thị trường trái phiếu trở nên sôi động hơn, cho dù lãi suất trúng thầu liên tục giảm trong năm ngoái và về mức thấp kỉ lục trong vòng 11 năm qua.

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trên thị trường thứ cấp, các loại trái phiếu được giao dịch khá sôi động. Quy mô niêm yết trong năm 2017 chỉ tăng 8,4% nhưng quy mô giao dịch tăng 33% với năm trước đó. Cụ thể hơn, các phiên giao dịch quy mô hơn 8.800 tỷ đồng tăng gần 40%, còn giao dịch cầm cố (repo) tăng 74,1%, chiếm 48,5% tổng giá trị giao dịch thị trường.

Trên thị trường sơ cấp, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, trong năm ngoái, không chỉ kì hạn phát hành bình quân kéo dài mà thị trường còn đa dạng hóa các nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư nước ngoài và công ty bảo hiểm nhân thọ tích cực tham gia thị trường trái phiếu”, báo cáo viết. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu vẫn còn nét hấp dẫn riêng.

Thực tế đầu tư trái phiếu với tỷ trọng phù hợp vẫn mang lại kết quả tốt. Chẳng hạn như báo cáo thường niên tình hình hoạt động Quỹ Liên kết đơn vị của Prudential cho biết, giá trị quỹ PRUlink trái phiếu Việt Nam (Danh mục đầu tư trái phiếu và tiền gửi ngân hàng tối thiểu 80%) tăng trưởng đến 10,9% trong năm 2017, cao hơn nhiều so với mức lãi suất ngân hàng và lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ (thường quanh mức 5%).

Chọn cổ phiếu tăng trưởng nóng nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro hay trái phiếu an toàn là tùy vào khẩu vị rủi ro của mỗi người, nhưng có thể thấy các nhà đầu tư nay đã có nhiều lựa chọn hơn. Chẳng hạn, tại thời điểm ngày 31-12-2017, giá trị quỹ PRUlink cổ phiếu Việt Nam (Danh mục đầu tư cổ phiếu tối thiểu 80%) tăng trưởng lên đến 56,6%. Muốn an toàn hơn nữa, các nhà đầu tư có thể lựa chọn quỹ PRUlink cân bằng (Danh mục đầu tư cổ phiếu từ 35%-65%; trái phiếu và tiền gửi ngân hàng từ 35%-65%) với tốc độ tăng trưởng 32,5%.

Thực tế, chọn đầu tư cá nhân thông qua các quỹ đầu tư liên kết bảo hiểm cũng có những lợi thế riêng như được gia tăng bảo vệ tài chính (từ phía hợp đồng bảo hiểm), số tiền đầu tư không cần lớn và có thể linh hoạt thay đổi theo nhu cầu từng giai đoạn. Linh hoạt là một trong những yếu tố quan trọng giúp các quỹ đầu tư liên kết bảo hiểm được chú ý hơn trong những năm qua.

Các nhà đầu tư không chuyên nay có thêm nhiều sự lựa chọn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất ổn định, cơ hội nào cho đầu tư cá nhân?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.